08/01/2020 - 08:49

Đảng ta - Người mở đường và truyền cảm hứng cho khát vọng vươn lên của toàn dân tộc

Bài 3: Ổn định và phát triển - tài năng xuất chúng của Đảng ta 

Kể từ khi ra đời tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là hạt nhân đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì mục tiêu lý tưởng của Đảng luôn đồng nhất với mục tiêu của dân tộc, của đất nước nên dù gặp không ít khó khăn, thử thách, nhưng con thuyền của cách mạng Việt Nam vẫn luôn tiến lên phía trước một cách vững chãi. “Ổn định” và “phát triển” đất nước là hai yêu cầu lớn, đầy khó khăn, nhưng dưới tài năng lãnh đạo của Đảng hai yêu cầu đó đã được thực hiện rất xuất sắc.

Mối quan hệ giữa ổn định và phát triển 

Ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì chính sách phát triển kinh tế. Nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được một nền hòa bình và thịnh vượng. Có thể thấy, từ năm 1990 trở lại đây, nhiều nước trên thế giới, hay ngay tại Đông Nam Á đã trải qua các cuộc đảo chính hoặc khủng hoảng chính trị. Những bất ổn chính trị ít nhiều kéo tụt tốc độ phát triển của một số quốc gia và gây ra nhiều hệ lụy, bất ổn xã hội. Trong khi đó, nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đây là một bảo đảm cho sự gắn kết để thực hiện chính sách kinh tế nhất quán. Thành công của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam cũng dựa trên sự ổn định chính trị. Ngay trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đã xác định xây dựng CNXH ở Việt Nam là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường với yếu tố quan trọng, điều kiện tiên quyết là phải giữ vững được ổn định chính trị.

Bài 3: Ổn định và phát triển - tài năng xuất chúng của Đảng ta
Ảnh minh họa: TTXVN.

Quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam luôn gắn với tinh thần đoàn kết, sự chung tay, góp sức của mọi ngành, mọi cấp. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nên tính ổn định xã hội, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trước những khó khăn, chính nhờ có sự đồng thuận của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích có ý nghĩa thời đại. Truyền thống dân tộc, lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là sức mạnh to lớn để dân tộc Việt Nam tiến lên phía trước. Ổn định chính trị-xã hội là nền tảng để phát triển đất nước, chính là điều mà mỗi người cần nhận thức một cách đầy đủ để có hành động đúng đắn, sáng suốt. Sự ổn định chính trị chỉ được xây dựng vững chắc trên nền tảng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước.    

Ngày nay, không quốc gia, dân tộc nào có thể phát triển được mà tách biệt, cô lập với thế giới. Mở cửa, chủ động gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa chính là điều kiện thuận lợi để kết hợp và phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong phát triển. Nhận thức sâu sắc tính tất yếu đó, Đảng ta luôn coi việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp là một trong những bài học kinh nghiệm lớn trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong đó, ổn định chính trị-xã hội vừa là tiền đề, vừa là kết quả của những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế của Việt Nam, là điều kiện thuận lợi cho phát triển quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới và cũng là thành quả để nhân dân ta có thể sống trong cảnh thái bình.

Đồng thuận, ổn định xuất phát từ bản chất 

Trước hết cần phải thấy rằng, ổn định chính trị là độ bền vững và tính toàn vẹn của một chế độ chính quyền hiện hành dưới sự lãnh đạo của đảng chính trị. Một xã hội có nền chính trị ổn định là một xã hội trong đó người dân hài lòng với đảng cầm quyền và hệ thống chính trị, tự nguyện thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân một cách chủ động và mang tính tích cực xã hội cao. Ổn định xã hội tiếp cận dưới góc độ xã hội học là sự đoàn kết xã hội dựa trên sự cân bằng các mối quan hệ xã hội, là việc các cá nhân trong xã hội thừa nhận và cùng chia sẻ những quan điểm phổ quát. Điều này sẽ tạo nên một xã hội cân bằng và thúc đẩy sự chung sống hài hòa trong cộng đồng. Xã hội với rất nhiều những thành phần khác nhau, các giai tầng xã hội khác nhau nhưng lại cần có sự liên kết, hợp tác để cùng phát triển. Vì vậy, ổn định xã hội gắn với sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ hệ thống xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhìn vào bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể thấy rằng, Đảng ta không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà còn là đội tiên phong của cả dân tộc Việt Nam, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì là đại diện có tính chất tiêu biểu, phổ biến cho lợi ích của dân tộc, nên các mục tiêu và quyết sách của Đảng luôn vì lợi ích của dân tộc, của đất nước và Đảng là trung tâm đoàn kết toàn dân tộc. Khi nước ta còn bị thực dân, đế quốc xâm chiếm, đô hộ, Đảng lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời bình hiện nay, Đảng lãnh đạo nhân dân ta xây dựng đất nước, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Do đó, Đảng được quần chúng nhân dân đặt trọn niềm tin, đó là cơ sở tạo được đồng thuận xã hội trong các quyết sách.  

Xuất phát từ nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ, nên sự lãnh đạo của Đảng không phải là một chiều, mang tính áp đặt hoặc độc đoán chuyên quyền, mà luôn tiếp nhận sự tác động trở lại của đối tượng được lãnh đạo-đó là Nhà nước và xã hội. Chính điều này tạo nên tính thống nhất, tính chỉnh thể của hệ thống chính trị nước ta.

Nguyên tắc lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật... của Đảng là điều kiện tất yếu để hệ thống chính trị được ổn định. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe, học hỏi nhân dân và phải biết làm gương về phương diện đạo đức. Học hỏi nhân dân ở đây không chỉ học kinh nghiệm sản xuất vật chất mà người dân đúc rút được qua thực tiễn, mà còn học ở dân tinh thần đoàn kết, tương trợ, đùm bọc nhau để cùng tồn tại.

Chính vì gần dân, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân mà Đảng đã xây dựng được niềm tin vững chắc của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Do đó, dù trong nhiều hoàn cảnh lịch sử hết sức cam go, ví như trước thời kỳ đổi mới, đời sống rất khó khăn thì dân vẫn luôn tin Đảng và đi theo Đảng.

Khối đại đoàn kết toàn dân trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn được duy trì, sức mạnh của nó được phát huy trong những hoàn cảnh gay cấn nhất của đất nước. Khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, trên cơ sở phân tích khoa học về cơ cấu giai cấp ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng, cách mạng dân tộc chưa phân chia giai cấp, bởi mọi giai cấp và các tầng lớp khác nhau trên đất nước ta đều bị thực dân và đế quốc áp bức, bóc lột. Do đó, vấn đề đại đoàn kết dân tộc là vô cùng quan trọng, luôn được Người đặt lên vị trí hàng đầu.

Là một quốc gia trải dài gần 1.650km từ điểm cực Bắc tới điểm cực Nam, bị chia cắt bởi đồi núi, với 54 dân tộc anh em sinh sống, với điều kiện kinh tế-xã hội rất khác nhau, do đó việc đoàn kết các dân tộc, các địa phương trong cả nước, để “không ai bị bỏ lại phía sau” là thách thức không nhỏ. Là hạt nhân đoàn kết, Đảng ta luôn quan tâm, thiết kế các chính sách để bảo đảm cho các dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển, không bị tụt hậu, miền núi theo kịp miền xuôi.

Ổn định chính trị trong điều kiện một Đảng cầm quyền đòi hỏi ở Đảng năng lực tổ chức lãnh đạo thống nhất trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng thực sự phải “là đạo đức, là văn minh”, là tấm gương trong sáng cho xã hội. Kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”; quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã củng cố vững chắc thêm niềm tin của xã hội vào tính tiên phong, gương mẫu, đạo đức của Đảng ta.

Sách lược linh hoạt, tỉnh táo giải quyết điểm nóng

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do những khó khăn từ điều kiện, hoàn cảnh của một đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá, do những bỡ ngỡ, sai lầm trong việc quản lý kinh tế, áp dụng mô hình quản lý kinh tế cứng nhắc theo kế hoạch, tập trung, bao cấp khiến kinh tế nước ta dần suy thoái. Khó khăn lên đến đỉnh điểm tạo thành nguy cơ lớn khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu bị tan rã. Nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước XHCN đã không còn. Lúc ấy, tình hình thế giới đầy bất lợi, cộng với sự lao đao của kinh tế trong nước, đời sống người dân nhiều khó khăn, khiến các thế lực thù địch rêu rao rằng chế độ XHCN do Đảng lãnh đạo tại nước ta khó mà đứng vững được. 

Thế nhưng, không giống như kết cục bi thảm của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kịp thời đổi mới, với những quan điểm mới về kinh tế, như: Xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung, bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, cởi trói cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... được cho là rất táo bạo vào thời điểm đó. Kinh tế dần ổn định, rồi Việt Nam dần trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm nhanh nhất thế giới. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, chỉ liên kết kinh tế với khối các nước XHCN, Việt Nam đã chủ động mở cửa, hội nhập sâu với thế giới và cho tới nay đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Quan điểm Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới theo phương châm cùng có lợi đã được tích cực thực hiện. Không chỉ lĩnh vực kinh tế, Việt Nam còn mở rộng hợp tác với các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả những quốc gia trước đây từng gây chiến tranh ở Việt Nam, như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản...

Cùng với những điều chỉnh chiến lược đúng đắn trong quản lý kinh tế tạo ra thành tựu lớn, Đảng, Nhà nước ta cũng có những cách thức rất hiệu quả để tháo gỡ những điểm nóng về chính trị, an ninh, trật tự. Ví dụ, các vụ việc ở Tây Nguyên vào những năm 2001, 2004; vụ việc ở Mường Nhé năm 2011; vụ biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014; giải quyết vụ ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do hoạt động của Formosa năm 2016... Như thế có thể thấy, Đảng ta luôn là đảng hành động, luôn có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt để lãnh đạo hệ thống chính trị, nhất là trong những thời điểm quyết định, có tính bước ngoặt để giữ ổn định tình hình.

Nền tảng kinh tế ổn định cùng với việc quan tâm, giải quyết hài hòa lợi ích của các giai cấp, thành phần trong xã hội khiến tình hình chính trị-xã hội ổn định. Việc mở rộng phạm vi dân chủ từ cơ sở lên các cấp cao hơn kéo theo nhiều thay đổi về cơ cấu thành phần kinh tế, làm thay đổi cả về các hình thức sở hữu, đặc biệt là vấn đề sở hữu tư nhân. Trong tất cả các mối quan hệ xã hội, quan hệ sở hữu là một trong những vấn đề cốt lõi nhất. Bởi lẽ, thứ nhất, quan hệ sở hữu phản ánh mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, tức là chính sách của Nhà nước đối với hệ thống kinh tế. Thứ hai, sở hữu tư nhân thúc đẩy tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh và ở một mức độ nhất định, phát huy được tính sáng tạo của chủ sở hữu trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Việc thừa nhận quyền sở hữu tư nhân và tập thể (các doanh nghiệp cổ phần), về thực chất, là thực hiện việc mở rộng dân chủ, tạo ra sự đồng thuận không chỉ từ trên xuống dưới (chiều dọc) bằng những điều khoản quy định trong pháp luật, mà còn ở cả diện rộng các quan hệ xã hội (chiều rộng).

Cởi trói cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước không chỉ giúp giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế để vượt qua khó khăn mà còn giảm những bức bối trong xã hội do cách quản lý kinh tế cũ, củng cố đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội còn tác động tích cực tới sự phát triển tiếp theo của các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tất nhiên, đồng thuận xã hội chỉ là tương đối, còn sự vận động và phát triển đất nước là tuyệt đối. Và sự vận động đó gắn liền với việc giải quyết các mâu thuẫn xã hội, cùng hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Báo Quân đội Nhân dân

Chia sẻ bài viết