24/06/2021 - 14:17

Tự do ngôn luận-nhận thức thấu đáo, ứng xử chuẩn mực và trách nhiệm công dân

Bài 3: Cải thiện môi trường pháp lý, nâng cao trách nhiệm công dân về thực hiện quyền tự do ngôn luận 

Chúng ta cần nỗ lực thống nhất nhận thức từ nhiều phía, về vai trò của việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là sự nghiệp của toàn dân; sự nghiệp này chỉ được thực hiện khi mỗi công dân, cộng đồng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ý thức được đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình.

Chúng ta cần nỗ lực thống nhất nhận thức từ nhiều phía, về vai trò của việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là sự nghiệp của toàn dân; sự nghiệp này chỉ được thực hiện khi mỗi công dân, cộng đồng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ý thức được đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình.

Như đã trình bày ở hai bài viết trước, tự do ngôn luận là quyền thiêng liêng như con người vốn được sinh ra và tồn tại của cộng đồng. Nhưng quyền này không phải là mục đích mà là phương tiện và phương thức để đạt được mục đích. Dân gian có câu “Lưỡi thế gian nhọn hơn dao mác nhọn”. Con dao sắc trong tay người có lý trí và cảm xúc, sử dụng trúng mục đích sẽ khác xa con dao trong tay kẻ vô cảm, hồ đồ, nhận thức non kém.

Vậy nên muốn sử dụng hiệu quả phương tiện để đạt được mục đích, cùng với nâng cao nhận thức từ nhiều phía thì cần chính sách và giải pháp, cũng từ nhiều phía; tức là cần sự đồng thuận trong nhận thức và hành vi thông qua chính sách và giải pháp. Tức là cần từng bước cải thiện môi trường pháp lý và nâng cao trách nhiệm công dân.

Việt Nam là quốc gia thuộc tốp cao có công dân tham gia mạng xã hội (MXH), với hơn 70%, tức là hơn 70 triệu người cùng tham gia, chia sẻ thông tin, thực hiện quyền tự do ngôn luận. Nước ta cũng có 780 cơ quan báo chí, thuộc đủ các loại hình báo và tạp chí, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đại diện ngôn luận cho đủ các tầng lớp nhân dân, các nhóm xã hội lớn.

Những con số này được nhân lên gấp bội trong môi trường truyền thông số, bởi môi trường truyền thông số đã và đang tạo ra những khả năng siêu việt cho thực hiện quyền tự do ngôn luận, nhưng chính đó cũng là những thách thức không nhỏ với mỗi công dân và cơ quan báo chí, truyền thông, kể cả cơ quan quản lý nhà nước. Có thể kể đến những khả năng và thách thức sau đây.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: VGP. 

Thứ nhất, môi trường truyền thông số tạo ra khả năng siêu kết nối xã hội; tạo điều kiện cho mỗi cư dân ở mỗi góc phố, làng quê, từ miền núi, hải đảo đến chốn đô thị khả năng bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ về những sự kiện và vấn đề thời sự đang diễn ra.

Thứ hai, môi trường truyền thông số đang tạo ra khả năng siêu tương tác xã hội, là cơ hội vàng cho mỗi người có được sân chơi trên MXH; nhưng cần chế tài gì nhằm tận dụng cơ hội này cả trên báo chí và MXH để mỗi công dân và cơ quan có trách nhiệm có thêm dịp được “nối dài tầm tay, mở rộng tầm mắt”, để kết nối trí tuệ và cảm xúc cộng đồng, để tạo nên "sức mạnh mềm" quốc gia.

Thứ ba, môi trường truyền thông số đã và đang tạo nên nhóm công chúng chủ động. Nhóm công chúng này không còn bị động ngồi chờ báo chí cung cấp thông tin mà họ chủ động tìm kiếm, sản xuất và chia sẻ thông tin trên các nền tảng kỹ thuật-công nghệ số. Đây cũng là cơ hội và thách thức cho báo chí, truyền thông Việt Nam hiện nay.

Thứ tư, môi trường truyền thông số tạo ra hệ dữ liệu siêu lớn, gọi là big data. Hệ dữ liệu này được kết nối và tạo ra khả năng hoạt động của Chính phủ điện tử, cho báo chí trí tuệ, cho phóng viên robot... Đây chính là thách thức không chỉ cho báo chí, truyền thông. Luật Tiếp cận thông tin do Quốc hội ban hành năm 2016 sẽ càng có ý nghĩa thực hiện quyền tự do ngôn luận trong môi trường big data.

Thứ năm, những khả năng trên đây đang hình thành hệ sinh thái truyền thông online. Trong thế giới tự nhiên, hệ sinh thái nào thì hệ sinh vật ấy, trong xã hội cũng vậy. Nhờ hệ sinh thái truyền thông online mà nhiều hoạt động của chúng ta được duy trì khá bình thường trong đại dịch Covid-19. Nhưng hệ sinh thái truyền thông online đang thách thức trong thực hiện hiệu quả quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Từ một số nhận thức trên đây, xin nêu ra và chia sẻ mấy khả năng tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả của việc thực hiện quyền tự do ngôn luận ở nước ta hiện nay.

Một là, cần nỗ lực thống nhất nhận thức từ nhiều phía về vai trò của việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là sự nghiệp của toàn dân; sự nghiệp này chỉ được thực hiện khi mỗi công dân, cộng đồng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ý thức được đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình. Vấn đề này càng có ý nghĩa khi đầu nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Chính phủ đã nêu thông điệp về xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo. Đầu nhiệm kỳ mới này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu vấn đề cần lắng nghe ý kiến người dân và các luồng ý kiến phản biện xã hội. Bởi như thế, Chính phủ kiến tạo mới tập hợp, kết nối được trí tuệ và cảm xúc của đông đảo nhân dân vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, kịp thời bao quát tình hình và sớm sửa đổi các luật liên quan nhằm tạo dựng môi trường pháp lý, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân vì mục tiêu phát triển đất nước; đồng thời bổ sung chế tài điều chỉnh để thực thi quyền tự do ngôn luận hiệu quả. Trong môi trường pháp lý hiện nay, vấn đề cần quan tâm chú trọng là nâng cao năng lực và đạo đức thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.

Ba là, coi trọng giáo dục nâng cao năng lực và đạo đức thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với giáo dục, cần siết chặt kỷ cương, đề cao pháp trị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Mặt khác, chú ý trang bị kiến thức và kỹ năng phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí, ứng xử với truyền thông trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên MXH, kiến thức và kỹ năng về xử lý khủng hoảng và quản trị truyền thông trong khủng hoảng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ cấp huyện trở lên để có thể “chữa cháy” ngay từ gốc khi ngọn lửa mới nhen nhóm. Trong môi trường truyền thông số, mọi sơ suất từ cơ sở đều có thể gây nên những đám cháy không nhỏ. Đồng thời xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức sai phạm trong thực thi công vụ; tránh cả nể, bao che để những khuyết điểm, tiêu cực không tích hợp thành vấn đề tiềm ẩn trong xã hội, gây bức bối trong nhân dân.

Bốn là, chú trọng theo dõi, lắng nghe các luồng ý kiến trên MXH, cả tích cực và tiêu cực, coi đó là một phần tai mắt của Đảng và Nhà nước. Vì MXH là diễn đàn của đông đảo người dân hiện nay. Mặt khác, cần phân loại các luồng ý kiến để xử lý những ý kiến quá khích, đặc biệt là các ý kiến cố ý gây nhiễu, đả kích, chống phá, gây rối dư luận xã hội.

Năm là, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội chú trọng giáo dục ý thức và trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm xã hội của thành viên trong thực hiện quyền tự do ngôn luận; đồng thời, các tổ chức này cần đi vào hoạt động thực chất, tránh hình thức và thực hiện triệt để quy chế dân chủ ở cơ sở để bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” ngay ở cơ sở. Mặt khác, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức nên chủ động tham gia MXH để góp phần dẫn dắt, tích cực hóa thông tin lành mạnh trên MXH.

Sáu là, trên cả mặt trận báo chí và MXH ở Việt Nam, dòng thông tin sự kiện khá nhạy bén, phong phú và đa dạng, nhưng dòng thông tin chính luận-những bài phân tích, bình luận sắc sảo, thiết thực có thể thuyết phục trí tuệ và cảm xúc công chúng xã hội chưa nhiều. Cho nên cần chú trọng xây dựng đội ngũ nhà báo chính luận, kể cả KOLs (người dẫn dắt dư luận chủ chốt, theo nghĩa tích cực-TG) ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng tình hình mới. Và ngay chính đội ngũ này cũng cần đổi mới tư duy tiếp cận vấn đề, nhất là kỹ năng thuyết phục công chúng xã hội về sự kiện và vấn đề công chúng xã hội quan tâm bằng cả trí tuệ và cảm xúc.

Bảy là, quan tâm đầu tư hạ tầng và phương tiện kỹ thuật-công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quá trình bảo đảm, phát huy quyền tự do ngôn luận của công dân trong môi trường truyền thông online. Bên cạnh đó cần có chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thực chất, nghiêm túc đội ngũ nhà báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí để trên nền tảng kỹ thuật-công nghệ, mỗi cơ quan báo chí phải là một trung tâm kết nối xã hội, mỗi nhà báo là một nhà kết nối xã hội, từ đó góp phần lan tỏa những thông tin lành mạnh, tích cực đến đông đảo công chúng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây là chúng ta góp phần thực hiện bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, đồng thời khẳng định bản chất ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta là tất cả hướng đến và vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Theo PGS, TS NGUYỄN VĂN DỮNG (Báo Quân đội Nhân dân)

Chia sẻ bài viết