Hàng ngày, cứ vào 7 giờ sáng, trước cửa phòng khám của trạm y tế ở phường Thới An, quận Ô Môn tập trung rất nhiều người lớn và trẻ em đến khám bệnh. Anh Cao Văn Ngà, Trưởng Trạm y tế phường Thới An, tự hào nói: Từ ngày có bác sĩ Hồ Lê Hoài Nhân về tăng cường khám bệnh tại trạm y tế, lượng bệnh nhân đến khám tại trạm đông hẳn lên. Bệnh nhân nào cũng muốn được bác sĩ khám.
Trong phòng khám, một bác sĩ trẻ, gương mặt vui vẻ, đang tuần tự khám từng bệnh nhân một. Bác sĩ vừa khám, vừa hỏi thăm tiền sử bệnh, thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, triệu chứng bệnh của bệnh nhân. Bà nội của bé Lộc, 2 tuổi, ngụ ở phường Thới An, kể: “Bác sĩ Nhân khám kỹ lắm. Mỗi lần cháu bị ho, sốt, cảm... là tui đem nó ra trạm y tế cho bác sĩ khám ngay. Bác sĩ khám vừa kỹ lưỡng lại ân cần, nhỏ nhẹ. Bác sĩ còn dặn tui mùa này đang có dịch sốt xuất huyết, gia đình phải chăm sóc cháu cẩn thận đừng để bị muỗi chích, ăn uống, vệ sinh hợp lý để phòng bệnh tiêu chảy”.
Bác sĩ Hồ Lê Hoài Nhân công tác tại Bệnh viện Tai Mũi Họng (TMH) TP Cần Thơ. Khi có chủ trương của Sở Y tế tăng cường bác sĩ về trạm y tế khám chữa bệnh cho bà con, anh đã đồng ý về tăng cường cho Trạm y tế phường Thới An. Mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, bác sĩ Nhân chạy xe gần 30km từ TP Cần Thơ xuống phường Thới An để làm việc. Anh Nhân tâm sự: “Ở bệnh viện, tôi chỉ khám bệnh chuyên khoa TMH, trong khi ở trạm y tế, phải khám tất cả các loại bệnh. Vì thế, tôi tra cứu các sách vở từ thời học bác sĩ đa khoa, tìm đọc thêm các tài liệu, hỏi thăm đồng nghiệp, để khi về trạm y tế có thể khám và điều trị tốt cho bệnh nhân”.
|
Bác sĩ Hồ Lê Hoài Nhân đang khám bệnh cho một bệnh nhi.
|
Những ngày đầu mới về công tác tại trạm y tế, bác sĩ Nhân không khỏi hụt hẫng vì trang thiết bị thiếu thốn. Tuy nhiên, cái khó không bó cái khôn, bác sĩ Nhân tâm sự: “Ở bệnh viện, có các thiết bị X-Quang, xét nghiệm, nội soi... để hỗ trợ cho chẩn đoán; còn ở trạm y tế chỉ có dụng cụ đo huyết áp, ống nghe. Tôi khắc phục bằng cách hỏi thật kỹ các tiền sử bệnh, thói quen sinh hoạt, triệu chứng bệnh... để chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân. Riêng về bệnh lý TMH, tôi đề xuất Ban Giám đốc Bệnh viện TMH tặng cho trạm y tế một bộ dụng cụ khám TMH. Vì các bệnh lý TMH rất phổ biến ở nông thôn”.
Mỗi ngày, Trạm y tế phường Thới An khám từ 40-50 bệnh nhân. Từ ngày có bác sĩ Nhân về công tác, lượng bệnh tăng khoảng 10%. Trưởng Trạm y tế Cao Văn Ngà nói: “Trước đây một số bệnh phải chuyển lên tuyến trên thì nay bệnh nhân được điều trị khỏi ngay tại trạm, đỡ tốn kém cho bà con”. Ngoài tham gia khám chữa bệnh tại trạm y tế, bác sĩ Nhân còn tích cực hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ y tế trong trạm. Mỗi tháng, bác sĩ Nhân trình bày một chuyên đề về các loại bệnh lý thường gặp, cách chẩn đoán, phương pháp điều trị. Anh cũng trình bày cho nhân viên trong trạm y tế những bệnh lý nào có thể điều trị tại trạm y tế và những bệnh nào cần chuyển lên tuyến trên điều trị để tránh tai biến cho bệnh nhân. Chẳng hạn như với bệnh lý sốt xuất huyết, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển độ thì chuyển ngay. Các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường ở người lớn tuổi nên hướng dẫn bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn để được làm các xét nghiệm tổng quát, vì người lớn thường có nhiều bệnh lý phối hợp mà trang thiết bị tại trạm y tế không thể chẩn đoán được.
Trong tuần, bác sĩ Nhân cũng dành ngày thứ tư đến Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn thực hiện khám, phẫu thuật một số bệnh lý TMH mà hiện nay Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn chưa làm được. Những ngày đầu, anh trực tiếp đứng phẫu thuật. Sau đó, anh hướng dẫn các bác sĩ ở bệnh viện phẫu thuật.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, dần dần bác sĩ Nhân cũng hòa nhập vào công tác ở trạm y tế địa phương và ngày càng được đồng nghiệp và người dân địa phương yêu mến. Anh tâm sự: “Đợt công tác này giúp tôi hiểu thêm về cuộc sống của bà con, những thói quen ăn uống, sinh hoạt, đời sống của nhân viên y tế tại tuyến cơ sở... Những ngày cùng anh em trong trạm y tế khám bệnh, xuống hộ dân tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh sẽ mãi mãi là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm bác sĩ của tôi. Chủ trương tăng cường bác sĩ về tuyến y tế cơ sở thực sự có giá trị nhân văn và ý nghĩa thiết thực đối với bệnh nhân ở địa phương cũng như những bác sĩ trẻ như tôi”.
Những ngày sống ở Trạm y tế phường Thới An, bác sĩ Nhân hiểu rõ hơn vai trò của trạm y tế trong công tác chăm sóc và bảo vệ nhân dân ở tuyến cơ sở. Tất cả các chương trình y tế, dân số đều đưa xuống trạm y tế. Nhưng chính sách cho cán bộ y tế ở đây còn hạn hẹp. Bác sĩ Nhân nói: “Cán bộ y tế làm việc ở cơ sở không có điều kiện nâng cao chuyên môn, thu nhập cũng không bằng ở các bệnh viện. Vì thế cần phải có những chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm khuyến khích, động viên. Hàng năm, hàng quí có thể tạo điều kiện cho họ thực tập thêm về chuyên môn ở các bệnh viện, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở”.
Chỉ còn vài tháng nữa thôi, bác sĩ Nhân sẽ quay về công tác tại bệnh viện thành phố. Những ngày này, anh đang tích cực chuyển giao kinh nghiệm trong chẩn đoán, khám điều trị bệnh lý TMH cho 2 y sĩ trong trạm y tế. Y sĩ Khiêm, một trong 2 y sĩ được bác sĩ Nhân hướng dẫn, cho biết: “Khi nào có bệnh nhân bị bệnh lý TMH đến khám, anh Nhân kêu tôi qua, trực tiếp chỉ tôi cách sử dụng các dụng cụ khám, cách chẩn đoán, ra toa thuốc. Anh vừa chỉ vừa bắt tôi thực hành ngay trên bệnh nhân, làm đến chừng nào được mới thôi”.
Bài, ảnh: HUỆ HOA