Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Thế là mẹ bán bún bò, cũng giống như nhiều người phụ nữ khác trên thế gian này, khi lâm vào tình thế phải cáng đáng mưu sinh lo cho gia đình, thì nghĩ đến bán hàng ăn đầu tiên. Mẹ bày hàng ở góc phố vào buổi sáng, sau thời gian phụ bưng bê cho một quán bún bò khá đông khách. Quán bún ấy có bà chủ không bao giờ nở nụ cười và giữ bí quyết rất kỹ. Mẹ dẫu ít học, nhưng vốn là người thông minh, dần dần mẹ hiểu cách tạo ra tô bún bò thơm ngon, về nhà lại nấu cho tôi ăn thử. Mẹ biết rằng có một ngày nào đó, việc học nấu bún bò cũng giống như tạo cho mình thêm một cánh cửa để có thể kiếm sống giữa cuộc sống đầy phiền não này.
Tất nhiên là không ai thành công từ giây phút ban đầu, mẹ nấu và bắt tôi ăn thử cho đến khi gật đầu khen ngon. Cái ngon không giống vị ở quán bún bò nổi tiếng mà mẹ từng phụ việc, nhưng sự chịu khó của mẹ đã tạo ra quán bún bò bình dân nhưng vẫn có thương hiệu. Khu phố mẹ bán có đông người lao động, tô bún mẹ cho nhiều bánh, nhiều xương, đĩa rau sống cũng nhiều hơn, vì thế mà mọi người tấm tắc đến độ có nhiều người ở nơi khác cũng đến nếm thử và trở thành khách quen của mẹ.
Tại sao tôi kể về hàng bún bò của mẹ? Bởi vì nhờ hàng bún mà mẹ nuôi tôi khôn lớn, và vì mẹ đã vượt qua bao khó khăn để học nấu bún ngon theo cách riêng của mình. Hồi xưa mẹ tôi là phụ hồ, còn ba là thợ cả. Tay nghề của ba nức tiếng một vùng, nơi mà cả làng có một nghề duy nhất là làm thợ hồ. Do tay nghề cứng, trong công trình chẳng cần dùng dây nhợ đo góc, ba lướt bay là trụ xây thẳng không lệch một ly, vì thế lương của ba luôn cao hơn tất cả thợ khác. Mẹ cùng làng với ba, tính tình hiền lành chân chất, khởi đầu là khi có việc thì ba gọi mẹ đi làm chung. Mẹ cứ đi theo ba hết công trường này đến công trường nọ, cùng ăn cơm chung, uống nước chung, trong cái cực nhọc của nghề mà nảy sinh tình yêu, rồi thành chồng vợ. Lấy nhau chẳng bao lâu thì mẹ không phụ hồ nữa do có mang tôi. Còn ba được lên cai, rồi tiến thêm một bước, trở thành ông thầu nhỏ, sau thành ông thầu lớn. Công trường lại có thêm những người phụ nữ trẻ, ba lả lơi với đám đông nhan sắc ấy trên công trường, về nhà tuyên bố với mẹ là ba muốn ly dị. Mẹ chẳng van nài, chẳng khóc lóc níu kéo. Ba và mẹ chia tay nhẹ nhàng như một chiếc lá vàng hồn nhiên lìa cành sau một cơn gió lay nhẹ, không dùng dằng.
Nhờ hàng bún bò của mẹ, tôi được ăn học đến nơi đến chốn, rồi được đặt chân vào ngôi trường nằm trên đỉnh đồi cao, trong khuôn viên trường có rất nhiều cổ thụ, mùa thu lá vàng rơi rụng, mùa hạ hoa phượng đỏ bừng lên cả một góc trời. Ðược học hành và sống trọn thời sinh viên hoa mộng là món quà lớn nhất mẹ trao tặng cho tôi. Tôi vui trong sự thênh thang của giảng đường, tôi háo hức với những buổi sinh hoạt dã ngoại, tôi reo cùng những kiến thức và bước chân sẽ còn đi xa của mình. Mẹ bán từng tô bún kiếm từng đồng lời, những tờ tiền thấm mồ hôi mẹ đã đưa tôi vào đại học và mẹ luôn nhắc: "Không vội yêu con nhé. Học cho xong và trải nghiệm nhiều ở cuộc sống, đôi mắt của con mới chọn đúng người. Yêu không đúng khổ lắm con ơi!". Mẹ đã yêu, kết quả tình yêu ấy là tôi, nhưng mẹ vẫn bị bứt lìa ra khỏi mối tình đầu cũng là mối tình cuối cùng ấy của mẹ. Nhưng mẹ không hề oán giận. Tôi hỏi mẹ tại sao, mẹ cười: "Mỗi người đến với nhau vì duyên nợ. Tại ba con với mẹ đã hết duyên".
Vậy thôi. Mẹ nói với tôi rất đơn giản, nhưng lòng mẹ mênh mang ngàn ngọn gió. Mẹ khép trái tim mình dẫu tuổi xuân vẫn tràn đầy. Năm nay tôi 21 tuổi, mẹ cũng chỉ vừa 41. Trong gần 20 năm ấy, mẹ đã sống như thế nào khi không hề ngồi sau lưng một người đàn ông trên chiếc xe ra phố và bàn tay mẹ chẳng nắm tay ai ngoài công việc? Ðêm ngủ mẹ có nhớ về ba? Tôi bao lần tự hỏi như thế.
Tôi giấu mẹ là tôi yêu. Tôi cảm thấy mình sẽ không bất hạnh trong tình yêu như mẹ, bởi sự xuất hiện của Minh đem lại cho tôi những ngày vui và những đêm nhiều mộng đẹp. Tôi gặp Minh ở một ngã tư đường, sau một cú va xe khi anh rẽ từ con đường nhỏ ra lộ. Hai chiếc xe của chúng tôi hẹn hò trước khi anh theo đuổi tôi bằng những hành động lãng mạn như trên phim truyền hình. Ðể rồi sau đó tôi lao vào cuộc tình này như thể lao xuống vùng biển xanh trong ngày nắng ấm. Tôi vẫy vùng trong hạnh phúc mà bỏ qua những lời cảnh tỉnh của những người bạn, rằng Minh nổi tiếng đào hoa. Còn mẹ, có thể mẹ bận bịu với hàng bún ngày càng đông khách, cũng có thể lâu rồi không yêu nên mẹ không phát hiện ra con gái mẹ thay đổi. Tôi muốn giấu kín chuyện tình yêu của mình, bởi tôi sợ mẹ sẽ lo lắng...
Nhưng giờ đây tôi đang ở Sài Gòn, tôi có bảy ngày gặm nhấm nỗi buồn như con mối kiên trì gặm khối gỗ mục cả ngày lẫn đêm mà không chịu ngơi nghỉ. Tôi đứng trên căn gác trọ của Thảo - bạn thân thuở nhỏ, đang học đại học ở thành phố đông đúc này. Căn gác có hành lang nho nhỏ nhìn xuống bên dưới, thấy dòng xe hối hả không bao giờ dứt, tôi nhiều lúc muốn hét to: "Trời ơi, sao buồn quá"...
Chưa tròn bảy tháng yêu nhau, tôi tình cờ phát hiện Minh hẹn hò với cô gái khác. Ai đó nói trái đất này dẫu có hơn 7 tỉ người, thì duyên nợ vẫn đưa người ta gặp nhau. Hôm đó Minh bảo với tôi là anh bận công tác đột xuất và hủy cuộc hẹn vào ngày lễ đã được chúng tôi chờ mong từ lâu. Trong lòng tôi dù thất vọng và dấy lên hoài nghi, nhưng vẫn tự trấn an rằng, đã yêu thì phải tin, bởi sự hoài nghi sẽ giết chết tình yêu. Ðể rồi khi bạn rủ cà phê, quán um tùm cây cỏ, tôi gặp anh đang ghì môi vào môi một cô gái khác...
Tôi chia tay Minh và xin phép mẹ đến Sài Gòn chơi một tuần với nhỏ Thảo. Tôi trốn biệt ở thành phố sôi động này, như muốn cách xa nơi tôi đã có nhiều kỷ niệm với Minh, như một cách xóa nhòa mối tình đầu dại khờ.
Bảy ngày ở Sài Gòn đã cạn, tôi phải về thôi, bởi dù sao thì thành phố này chỉ là nơi tôi ghé qua nghỉ ngơi trong chốc lát. Ngày mai tôi sẽ ra hàng bún bò phụ bán cùng mẹ, rồi sẽ tập trung cho năm cuối trên giảng đường. Ngày mai tôi sẽ là tôi mạnh mẽ vượt qua những va vấp để mẹ an tâm về tôi - tôi tự nhủ như thế khi con tàu chuyển bánh, đưa tôi rời Sài Gòn trong đêm chộn rộn những âm thanh.