06/12/2016 - 09:14

Ấp văn hóa điển hình ở Phú Quốc

Trên "đảo ngọc" Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, có một nơi mà bà con nhân dân gắn kết với nhau không chỉ trong tình làng nghĩa xóm, mà còn trong mọi hoạt động, phong trào, góp phần đưa kinh tế ngày càng phát triển, đời sống văn hóa được nâng cao. Đó là ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương – một trong những ấp văn hóa tiêu biểu của huyện Phú Quốc.

* Ở nơi sáng một chữ "Tình"

Ấp Cây Thông Ngoài có 555 hộ với 1.880 nhân khẩu, chia thành 8 tổ nhân dân tự quản. Nhân dân trong ấp sống chủ yếu bằng nghề trồng tiêu, trồng cây ăn trái, rau màu các loại và một số hộ chăn nuôi, kinh doanh mua bán nhỏ. Tuy kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn đã trở thành một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống của bà con nơi đây.

Mô hình trồng tiêu hiệu quả, mang lại thu nhập cao của một nông dân ở ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương.

Đến ấp, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện nghĩa tình mà mọi người làm như một lẽ tự nhiên. Trong mùa mưa bão, nhà của chị Trần Thị Tiết Cưng, một hộ khó khăn của ấp, do đã xuống cấp nên bị sập lúc mưa to gió lớn. Bà con trong xóm, mỗi người giúp một ít, người cho xi măng, người cho cây, cho tôn, cho gạo, người hỗ trợ tiền… cùng với các anh bộ đội của tiểu đoàn 860 thuộc Lữ đoàn 950, Quân khu 9 giúp gia đình chị Cưng dựng lại nhà mới. Bà con cũng giúp gia đình bà Trần Thị Điệp công sức và tiền bạc sửa lại nhà khi nhà của bà bị gió làm tốc mái… Hay trường hợp của bà Nguyễn Thị Lem, trên 60 tuổi, bị cườm mắt, gia đình khó khăn, bà con trong ấp và các đoàn thể đóng góp được 21 triệu đồng, giúp gia đình đưa bà lên TP Hồ Chí Minh điều trị.

Với các hội, đoàn thể, tình nghĩa giữa các hội viên càng bền chặt khi mọi người luôn quan tâm, giúp đỡ nhau trong công tác hội, trong phát triển kinh tế và nhất là lúc ốm đau, khó khăn. Tiêu biểu như ở Chi hội Cựu Chiến binh, các hội viên thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ ông Đặng Văn Tạo, Chi hội trưởng, bị tai biến mạch máu não hoặc khi bất cứ hội viên nào gặp khó khăn cần giúp đỡ, mọi người đều đồng lòng chia sẻ. Ông Trần Thanh Vũ, Chi hội phó Chi hội Cựu Chiến binh, kể: "Nhà tôi thường bị ngập, ẩm thấp do xuống cấp. Anh em trong chi hội đã hỗ trợ 3.000 viên gạch và 3 triệu đồng, giúp gia đình tôi sửa lại nhà tươm tất. Cái tình đó rất quý!".

Tinh thần "Lá lành đùm lá rách" còn được bà con ấp Cây Thông Ngoài thể hiện qua nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ 1 hộ nghèo thuộc diện người già neo đơn mỗi tháng 10 kg gạo; tặng 30 thùng nước lọc mỗi tháng cho Trường Tiểu học Cửa Dương II; đóng góp kinh phí tặng sách vở, quần áo, cặp da cho các em học sinh nghèo mỗi mùa tựu trường; tổ chức vui Trung thu và tặng quà cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tặng gạo, quà cho các hộ nghèo, khó khăn vào những dịp lễ, Tết, Rằm lớn… Bà Trang Thị Đào, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Cây Thông Ngoài, chia sẻ: "Ở đây, mọi người sống rất tình nghĩa, nhiệt tình ủng hộ những hoạt động từ thiện xã hội, giúp người khó khăn. Đó cũng là sợi dây gắn kết bà con trong các phong trào chung".

* Chung sức trong các phong trào

Là ấp có diện tích khá lớn, với trên 1.842 héc-ta nhưng do dân cư còn thưa thớt nên việc xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn ở ấp Cây Thông Ngoài còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, hằng năm, nhân dân ấp cùng các đoàn thể cùng đóng góp công sức, kinh phí để xây mới, nâng cấp sửa chữa cầu đường thường xuyên. Trong năm 2015 và 2016, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong ấp đóng góp thêm trên 650 triệu đồng và hằng trăm ngày công lao động để làm các tuyến đường bê tông ở tổ 5, tổ 6, tổ 2… Hiện ấp đang phối hợp triển khai làm 2 tuyến đường 1 tuyến đường ở tổ 5, 1 tuyến đường từ ngã ba Tiểu đoàn 860 đến ngã ba bến Cây Đào theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2017. Ông Ngô Phước Thạnh, Trưởng ấp Cây Thông Ngoài, cho biết: "Đến nay, khoảng 50% tuyến đường ở ấp đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các phương tiện lưu thông. Trong năm tới, ấp sẽ tiếp tục làm thêm một số tuyến đường mới, góp phần hoàn chỉnh dần hệ thống giao thông trên địa bàn".

Đời sống văn hóa, thể thao của nhân dân địa phương khá phong phú khi hằng năm, ấp tổ chức trung bình khoảng 15 hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ. Đội văn nghệ, thể thao của ấp tích cực tham gia các hội thi, hội diễn của xã, huyện tổ chức và đạt được nhiều thành tích cao. Ấp cũng tạo điều kiện cho thanh niên có sân chơi lành mạnh bằng cách tận dụng khoảng sân trước trụ sở ấp làm sân bóng chuyền. Ngoài ra, anh Phan Xuân Đức Toàn, Phó Bí thư Chi đoàn cải tạo đất vườn nhà làm thêm 1 sân bóng chuyền cho những người yêu thể thao đến chơi và tập luyện.

Bà con trong ấp còn có điểm tựa tinh thần, điểm sinh hoạt văn hóa hoặc làm ăn phát triển kinh tế qua hoạt động của 5 câu lạc bộ (CLB), gồm 3 CLB của Chi hội Phụ nữ (CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Mua bán nhỏ và CLB 5 không, 3 sạch), 1 của Chi hội nông dân là CLB Liên hợp sản xuất kinh doanh, 1 của Chi hội Cựu chiến binh là CLB Phòng chống tệ nạn xã hội. Trong đó, CLB Liên hợp sản xuất kinh doanh của Chi hội nông dân góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho các hội viên. Chị Hoàng thị Huệ, chi hội trưởng Chi hội nông dân, cho biết: "CLB có trên 20 hội viên, gồm các hộ chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt vào tối mùng 10 để trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, những mô hình hay, cách làm giàu hiệu quả. Các hội viên còn góp vốn xoay vòng 2 triệu đồng/tháng/ người, giúp nhau có vốn làm ăn; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật mới hoặc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật… Qua đó, điều kiện kinh tế, thu nhập của các hộ thành viên dần được cải thiện, và nâng cao, nhiều hộ khá giả". Điển hình như anh Nguyễn Ngọc Hồng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của tỉnh Kiên Giang. Gia đình anh hồng trồng tiêu trên 2 héc-ta và xen 1 ít cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm… Mỗi năm, anh Hồng thu hoạch trên 3 tấn tiêu, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 300-400 triệu đồng. Với nhiều phương thức học hỏi, giúp nhau làm kinh tế, cộng với địa phương tạo điều kiện cho các hộ khó khăn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư làm ăn, dần dần, đời sống và thu nhập của nhân dân được nâng cao, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, ấp chỉ còn 5 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo.

Đặc biệt, mô hình "Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục cảm hóa đối tượng vi phạm tệ nạn xã hội" với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, được áp dụng từ năm 2011 đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giữ gìn trị an xóm làng, đưa Cây Thông Ngoài trở thành ấp tiêu biểu trong giữ vững an ninh trật tự, giảm đáng kể các tệ nạn xã hội, nhiều đối tượng hoàn lương, chí thú làm ăn… Đây là mô hình dân vận khéo tiêu biểu, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.

***

Dù tiết trời đang se lạnh, nhưng ở ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương, mọi người vẫn cảm nhận được sự ấm áp bởi các đoàn thể đang chuẩn bị nhiều hoạt động vui Xuân đón Tết và chăm lo cho người nghèo. Những tấm lòng thơm thảo, những mạnh thường quân và tất cả mọi người sẽ lại chung tay góp sức trong các hoạt động từ thiện, xã hội vì cộng đồng để mang đến một cái Tết đầm ấm, yên vui và ý nghĩa như bao năm qua họ đã làm.

Bài, ảnh: Lệ Thu

Chia sẻ bài viết