12/09/2022 - 08:46

Áp dụng cơ giới vào sản xuất cây ăn trái chưa đáp ứng yêu cầu 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Những năm gần đây, diện tích vườn cây ăn trái ở nước ta không ngừng tăng cao, nhờ trồng cây ăn trái mà nhiều hộ dân đã nâng cao được thu nhập. Tuy nhiên, nhiều khâu trong quá trình sản xuất và thu hoạch trái cây còn làm thủ công, nông dân bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức nên vất vả. Trước thực tế này, nhiều nông dân đã áp dụng các máy móc và thiết bị cơ giới vào sản xuất cây ăn trái mang lại hiệu quả.

Trồng sầu riêng ở huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ.

Trong sản xuất cây ăn trái, nông dân rất vất vả trong khâu chăm sóc, tưới nước cho cây, nhất là trong những tháng mùa nắng. Tuy nhiên, nhờ áp các loại máy móc thiết bị cơ giới, đặc biệt là lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tự động, hiện nông dân có thể nhanh chóng thực hiện việc tưới nước cho vườn cây mà không cần phải ra tận vườn.

Ông Trần Văn Út ngụ ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi có 5 công đất trồng sầu riêng, trước đây tôi phải mất cả buổi mới tưới nước được cho khắp cả vườn cây. Tuy nhiên, hiện nay nhờ lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động được điều khiển bằng cầu dao điện hoặc qua điện thoại thông minh, tôi ở nhà bật nút điều khiển, mô tưa điện sẽ tự động bơm nước phun tưới cho cây. Thời gian tưới cho cả vườn cây chỉ mất khoảng 10-15 phút, với chi phí tiền điện khá ít”. Ông Lê Minh Hưng, ngụ xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cũng cho biết: “1,8ha vườn sầu riêng của gia đình tôi cũng đã được lắp hệ thống phun tưới nước tự động. Nhờ hệ thống này, nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian và giảm được chi phí so với sử dụng các loại máy chạy bằng xăng dầu, cũng như giúp nâng cao hiệu quả tưới nước vì nó tưới rất đều khắp và tiết kiệm nước tưới”.

Lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tự động, nông dân không chỉ tiết kiệm được thời gian và giảm chi phí hạn chế tình trạng xói lở đất trong vườn cây. Ðồng thời còn giúp nông dân chủ động trong chăm sóc, bảo vệ vườn cây vì có thể nhanh chóng triển khai tưới nước cho cây khi cần thiết mà không cần phải huy động nhiều nhân công. Theo anh Huỳnh Văn Long ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hiện nay hầu hết nông dân trồng cây ăn trái tại địa phương cũng lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây hoặc tưới bằng máy, chứ không còn tưới bằng tay. Thông qua hệ thống phun tưới nước tự động, nông dân dễ dàng pha các loại phân bón để tưới cho vườn cây, từ đó cũng giúp tiết kiệm chi phí nhân công chăm sóc, bón phân. Ðể lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây, nông dân cần đầu tư mua máy bơm điện và hệ thống đường ống nước và các vòi phun nước. Tùy chất lượng, thương hiệu của ống nước và các loại vật tư mà có giá thành khác nhau, nhưng với khoảng tiền từ 5-6 triệu đồng là nông dân có thể lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây/công. Những hộ dân có diện tích vườn cây lên đến một vài héc-ta, cần chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng xét về lâu dài, hiệu quả mang lại rất lớn, nó giúp nông dân có thể tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Hiện ÐBSCL có 400.000ha cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích cả nước, với sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn, chiếm khoảng 60% sản lượng của cả nước. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái tại ÐBSCL và cả nước nói chung liên tục tăng và trái cây trở thành một trong những loại nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỉ USD trong năm vừa qua. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn chậm, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Cơ giới hóa mới chủ yếu tập trung khâu tưới nước, làm đất và một số khâu trong chăm sóc như phun thuốc và bón phân bằng máy, phát cỏ bằng máy… nhưng mức độ cũng chưa cao và chưa đồng đều giữa các địa phương và vùng trồng cây ăn trái. Riêng việc bao trái, cắt tỉa cành và thu hoạch trái cây hiện chủ yếu còn làm bằng tay. Một trong những nguyên nhân chính là do còn thiếu các thiết bị và máy móc chuyên dụng phù hợp với điều kiện sản xuất ở nước ta. Thực tế cho thấy, để cơ giới hóa các khâu này, đòi hỏi có các máy móc và thiết bị phụ trợ (máy chuyên dụng, xe nâng người…) có khả năng di chuyển linh hoạt trong các vườn cây ăn trái. Những thiết bị này vừa phục vụ cơ giới hóa khâu thu hoạch trái cây, vừa phục vụ khâu bao bọc trái để bảo vệ trái cây. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị đặc thù phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến các loại trái cây thế mạnh của Việt Nam, thì cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp 4.0, bao gồm các phần mềm điều khiển thông minh các khâu kết nối, quản lý, quản trị sản xuất…

Sản xuất cây ăn trái tại nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ và các cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi… cũng chưa đáp ứng điều kiện áp dụng các loại máy móc và thiết bị cơ giới. Người nông dân trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái, cũng như trồng các loại cây có mật độ cao cũng gây khó cho việc áp dụng máy móc, thiết bị vào khâu chăm sóc và thu hoạch. Ðể đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ và hiệu quả trong sản xuất cây ăn trái, nhiều chuyên gia cho rằng, cần kịp thời tăng cường đầu tư, nghiên cứu và phát triển đa dạng các loại máy móc gắn với tổ chức lại sản xuất cây ăn trái một cách phù hợp. Ðặc biệt, cần tăng cường liên kết trong sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung để đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa. Vườn cây cần được thiết kế để tích hợp các công nghệ đồng bộ (giới giới hóa và tự động hóa) và áp dụng các gói kỹ thuật cần được tích hợp hài hòa, phù hợp để tăng hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, phải đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông và hệ thống điện.

Chia sẻ bài viết