04/02/2008 - 20:15

Ấp Bắc ngày ấy, bây giờ

Bút ký PHƯƠNG TỬ NGHI

Ngày cuối năm, tôi về Ấp Bắc. Từ Quốc lộ 1 vào đến khu di tích chiến thắng Ấp Bắc khoảng 6 cây số, đường nhựa phẳng lì. Từng cơn gió chướng thổi ràn rạt tạo nên những đợt sóng trên những cánh đồng xăm xắp nước. Dân Tân Phú đang náo nức chuẩn bị cho ngày hội kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Ấp Bắc.

 Thượng tá Lê Hùng Huẩn - người trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận Ấp Bắc. Ảnh: C.D

Khu di tích lịch sử Ấp Bắc cách khu hành chính của xã Tân Phú (huyện Cai Lậy) chưa đầy nửa cây số, hướng ra cánh đồng lúa, nằm ngay trên trận địa của trận đánh lịch sử cách nay 45 năm. Khi tôi đến, khu di tích này đang được mở rộng, xây dựng thêm một số hạng mục như bảo tàng, quảng trường và tu bổ lại phần khuôn viên, phần mộ ba chiến sĩ gang thép, cổng vào khu di tích... công trình này có tổng kinh phí đầu tư trên 14 tỉ đồng. Trên công trường, anh em công nhân đang làm việc khẩn trương để hoàn tất công trình, kịp đến ngày 2-1-2008, tỉnh Tiền Giang tổ chức kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Ấp Bắc. Lê Thị Hà, thuyết minh viên khu di tích khi biết tôi có ý định tìm hiểu về chiến thắng Ấp Bắc, đã nói: “Em dẫn anh ra thăm tượng đài ba chiến sĩ gang thép. Dấu tích của trận đánh còn nằm ở đấy...”.

Dưới chân tượng đài chiến sĩ gang thép

Tượng đài ba chiến sĩ gang thép (do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện, khánh thành năm 1998 nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Ấp Bắc) nằm gần cổng khu di tích chiến thắng Ấp Bắc. Phía trước tượng đài khoảng 3m là một ngôi mộ cổ sơn màu trắng còn chi chít những vết đạn. Vân vê tay trên những lỗ xi măng lở loét vì đạn pháo, Hà se sẽ nói: Đây là vị trí các anh ở tiểu đội gang thép bám trụ chiến đấu đến cùng với giặc. Một người từng sát cánh với họ và chứng kiến giây phút họ anh dũng hy sinh khi xe tăng địch tiến vào với ý định nghiền nát công sự của ta, hiện vẫn còn sống.

Một góc Khu di tích lịch sử Ấp Bắc. Ảnh: C.D

Nhân chứng lịch sử ấy là Thượng tá Lê Hùng Huẩn (Sáu Huẩn), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 Khu Trung Nam Bộ (Khu 8). Khi tôi khơi mào câu chuyện về tiểu đội gang thép, chú Sáu trầm ngâm: “Mới đó mà đã 45 năm. Anh em còn sống giờ cũng tròm trèm ngưỡng thất thập rồi, mấy cháu”. Rồi chú kể:

... Khoảng 9 giờ sáng ngày 2-1-1963, chú lúc này đã bị thương ở đùi được anh em băng bó và dưỡng thương ở phía sau. Ở một chỗ bom đạn dội xuống liên tục cũng chết, chú nghĩ ra mặt trận chiến đấu cùng anh em giết được thằng giặc tính ra cũng lời... Nghĩ vậy, chú Sáu Huẩn bò lại khu vực công sự của Tiểu đội 1, Trung đội 2. Tiểu đội này do Nguyễn Văn Đùng làm Tiểu đội trưởng. Đùng nằm ở công sự ngoài rìa, kế tới là Chiến, Hùng, Đỗ Văn Trạch (thường gọi Công), Nghĩa - xạ thủ khẩu trung liên của Trung đội 2. Chú Sáu Huẩn núp ở công sự nằm giữa Hùng và Công. Chiến đấu liên tục đến khoảng 14 giờ 30, quân địch án binh tại chỗ và nhiều đợt bom trút liên tục xuống toàn bộ trận địa. Cây cối, đất cát bị bom dội văng tung tóe, phủ đầy lên hầm hố, công sự của quân ta.

... Sau đợt dội bom “dọn đường”, xe M.113 địch bắt đầu gầm rú tiến vào cách trận địa của trung đội 2 khoảng 300m. Xe bọc thép bò chậm rãi để che chắn cho bộ binh địch núp phía sau tiến tới áp sát trận địa ta. Khẩu trung liên của Nghĩa đang bắn ngon lành chợt tắc tị vì kẹt đạn. Nghĩa mang súng ra phía sau sửa, lúc này một chiếc M.113 bò tới sát công sự và gầm rú chuẩn bị tiến tới hòng nghiền nát các chiến sĩ ta đang ở dưới công sự. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đùng liền vận động, bò tới bên hông trái của xe leo lên sườn xe thẩy 1 trái thủ pháo vào trong xe làm 5 tên địch trong xe chết tại chỗ. Đồng chí Đùng cũng hy sinh ngay sau khi thẩy thủ pháo (do bọn bộ binh địch ở phía sau bắn tới). Hùng - Tiểu đội phó - với khẩu garant liên tiếp bắn tỉa tiêu diệt địch và sau đó cùng hy sinh với Đỗ Văn Trạch. Các chiến sĩ này ngoan cường chiến đấu, bẻ gãy đợt tiến công của 4 xe bọc thép M.113 và bộ binh địch...

 Sơ đồ trận Ấp Bắc ngày 2-1-1963.  
Câu chuyện chú Sáu Huẩn kể làm tôi xúc động về gương hy sinh đầy quả cảm của các chiến sĩ trong tiểu đội gang thép. Những chiến sĩ tuổi mới mười chín, hai mươi tuổi, cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ với nhựa sống tràn đầy bao ước mơ, hoài bão. Và trận chiến hào hùng cách nay 45 năm vẫn còn in dấu ấn trên mảnh đất Ấp Bắc.

... Sáng sớm ngày 2-1-1963, địch mở cuộc càn lấy tên là “Đức Thắng 01/1963” do Bộ Tư lệnh sư đoàn 7 và chiến đoàn bảo an thuộc Tiểu khu Định Tường đảm trách với 2.000 quân, có chi đoàn xe M.113, hàng chục máy bay trực thăng, máy bay vận tải, trực thăng vũ trang, máy bay ném bom... Cuộc càn quét diễn ra trong phạm vi xã Tân Phú (thuộc vùng giải phóng liên hoàn nối liền hai huyện Cai Lậy - Châu Thành, tiếp giáp vùng căn cứ của tỉnh Mỹ Tho) để vây diệt trung đội địa phương của ta mà chúng phát hiện đang trú quân tại Ấp Bắc. Lực lượng chủ lực của ta chỉ có Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 và Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 Khu 8. Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 phòng ngự từ khu vực cầu ông Bồi đến mả ông Tiếp; Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 514 tỉnh phòng ngự từ đầu ấp Tân Thới giáp ấp Miễu Hội (xã Mỹ Hạnh Đông) đến kinh Kháng Chiến. Trung đội địa phương huyện Châu Thành có nhiệm vụ giữ sườn và phối hợp với Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261 đánh địch.

Chiến tranh đã lùi xa. Giờ đây, học sinh Ấp Bắc đến trường trên những con đường rợp mát bóng cây. Ảnh: C.D 

5 giờ sáng ngày 2-1-1963, một tiểu đoàn bảo an của địch chia làm 2 cánh: một cánh đánh vào cầu Trường Ga, một cánh đánh vào cầu Sao. Cả hai cánh quân này của địch đều bị lực lượng của đại Đội 1, Tiểu đoàn 261 nổ súng đánh chặn. Địch bỏ chạy tán loạn, chết và bị thương trên 100 tên. Cùng thời gian này, trận địa công binh của ta dùng thủy lôi đánh chìm một tàu tại vàm Kinh Ba và bắn hỏng 2 chiếc khác. Đến 9 giờ 30 phút bọn chúng cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc, ngay trận địa của Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Khi đoàn 15 chiếc trực thăng địch chưa kịp hạ cánh để đổ quân thì đồng loạt trên khắp trận địa của quân ta các loại súng nổ vang. Tất cả đều nhắm vào bầy trực thăng địch. 2 chiếc H.21 lật nhào tại chỗ, Bộ đội ta với súng trường Mas hạ thêm 1 chiếc HU1A, một số khác bị trúng đạn bay tán loạn. Số bộ binh được thả xuống cũng bị ta đánh cho tan tác, số còn lại phải co cụm, núp ở các bờ ruộng... Tại khu vực Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 phòng ngự, một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 do 10 máy bay địch chở đã đổ quân xuống ngã tư Miễu Hội rồi bí mật luồn ra phía sau đội hình quân ta với ý đồ đánh úp, nhưng âm mưu của bọn chúng không thành khi bọn chúng bị tiêu diệt hơn 50 tên (có ba tên Mỹ), số sống sót tháo chạy trở lại. Khoảng 11 giờ 30 phút, xe bọc thép M.113 của địch cùng 2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 ngụy bắt đầu từ lộ 4 qua ngã Tân Hội tiến công vào đội hình Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. 12 giờ 30 phút, 13 chiếc xe bọc thép M.113 chỉ cách trận địa khoảng 300m, nhưng bọn địch bị quân ta đẩy lùi sau 10 phút giao tranh... Trận chiến giữa các chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 và bộ binh ngụy có sự yểm trợ của M.113 kéo dài đến 18 giờ tối và bọn địch không dám tiến quân vào trận địa, đã có 3 xe M.113 bị phá hỏng bởi thủ pháo, phóng lựu của các chiến sĩ ta...

Sau đó, địch tiếp tục tăng quân tiến công nhiều đợt nữa nhưng quân ta vẫn giữ vững trận địa, đẩy lùi từng đợt tấn công của địch. 16 giờ, địch sử dụng 16 chiếc Dakota thả Tiểu đoàn dù số 3 xuống ngay trận địa Đại đội 1, Tiểu đoàn 514. Đợi địch xuống thật gần, toàn đại đội nổ súng, một số tên bị diệt ngay trên không, số còn lại bị kẹt trên mái nhà, rơi vào vườn của dân... đều bị các chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 truy kích, tiêu diệt một số tên, số còn lại tháo chạy. Đến 20 giờ, địch tổ chức thêm một đợt tiến công nữa nhưng cũng bị ta đẩy lùi và bọn chúng co cụm giữa khu vực đồng trống. Quân ta theo lệnh từ trên đã thu dọn chiến trường, vận chuyển thương binh... và rút quân an toàn.

Kết thúc trận Ấp Bắc vang dội có 450 tên ngụy quân Sài Gòn chết và bị thương, 3 cố vấn Mỹ chết và 4 tên khác bị thương, 8 máy bay trực thăng bị bắn hạ, 3 xe lội nước M.113 bị cháy, 1 tàu chiến bị đánh chìm... Chiến thắng Ấp Bắc đã tạo bước ngoặt lớn trên chiến trường Nam Bộ(1). “Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh bại các chiến thuật: bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ, đã nói lên đầy đủ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, đồng thời là tiếng chuông báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng với chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ”.(2)

Sức sống mới trên mảnh đất anh hùng

Trung dũng kiên cường trong kháng chiến và thời bình người dân Tân Phú cần cù, chịu thương chịu khó từng ngày xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Như lời tâm sự của chú Tám Hỷ, nhà ở Ấp Bắc, từng tham gia bộ đội chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ: “Dân Tân Phú bây giờ mần ăn ngon lành lắm nghe chú em. Một năm làm 3 vụ, nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất khi xen canh cây màu, trồng thử nghiệm hoa lài đem lại thu nhập khá cao. Trăm nghe không bằng một thấy. Nè, chú em đi một vòng quanh xã là biết liền hà”.

Trên cánh đồng ngày xưa đầy rẫy đạn bom, giờ phủ kín màu xanh của những liếp rau màu. Ảnh: C.D 

Từ con lộ nhựa chạy nối từ Quốc lộ 1 vào đến Tân Phú rồi thẳng qua huyện Tân Phước đã tráng nhựa phẳng lỳ. Xe gắn máy chạy dập dìu không thua gì nơi phố thị. Đi sâu vào các xóm, ấp là những con đường đổ đan thay cho đường đất lầy lội, thuận tiện cho người dân đi lại. Tôi đi một vòng từ ấp Tân Thới rồi quay ngược về Ấp Bắc, thấp thoáng giữa màu xanh của vườn cây là những ngôi nhà mái bằng, nhà ngói... Ghé thăm nhà anh Lê Hoàng Kiệt, 36 tuổi. Anh Kiệt xởi lởi nói: “Vợ chồng tôi có 6 công đất, làm ba vụ lúa, trừ hết chi phí phân thuốc, tiền nhân công, mỗi năm thu về gần 20 triệu đồng”. Ngoài huê lợi từ 3 vụ lúa, vợ chồng anh Kiệt còn có một sạp thịt heo ở chợ xã. Vụ đông xuân 2007 - 2008, anh liên hệ với cán bộ nông nghiệp của xã tìm hiểu về mô hình sản xuất lúa sạch đăng ký tham gia. Ở Tân Phú, những nông dân trẻ, nhanh nhạy và làm giàu từ ruộng đồng như anh Kiệt không phải hiếm. Như anh Nguyễn Văn Hẳn, mới 29 tuổi nhưng đã nổi tiếng với nghề nhân lúa giống. Vụ hè thu sớm vừa qua, anh Hẳn đã phục tráng thành công giống lúa IR 54404 với ưu điểm sinh trưởng 95 ngày, hạt gạo trong, độ nảy mầm cao. Vụ đông xuân 2007-2008, anh đã trữ khoảng 6 tấn lúa giống này để cung ứng cho bà con trong xã. Chú Nguyễn Văn Hai, 58 tuổi, sống từ nhỏ ở Ấp Bắc, nói như khoe với tôi: “Lúa đông xuân trừ tiền công, phân thuốc, giống thì lợi nhuận thu về tệ lắm từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/công. Hai vụ còn lại chí ít cũng thu về 600 - 700 ngàn đồng/công. Năm nay ăn Tết lớn hơn mọi năm đa, mừng trúng mùa, mừng chiến thắng Ấp Bắc nữa mà”.

Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đặng Văn Mười nói: “Hồi xưa, đất miệt này khó làm lúa vì nhiễm mặn, phải xổ phèn liên tục mà làm lúa không khá. Nay nhờ hệ thống kinh mương thủy lợi, tuyến đê bao được đầu tư, bà con làm lúa một năm 3 vụ, đó là chưa kể một số hộ trồng màu, rồi lên liếp làm vườn... Có hộ chuyển đổi mô hình nuôi cá, mở trại ươm cá giống. Kinh tế bây giờ khởi sắc dữ lắm”. Nông dân Tân Phú giờ làm vụ đông xuân, vụ hè thu sớm và vụ hè thu chính vụ trên diện tích 1.555,8ha với năng suất bình quân 57,92 tạ/ha, tổng sản lượng trên 9.000 tấn. Bà con nông dân không còn sản xuất theo kiểu cũ mà sử dụng kỹ thuật sạ hàng, áp dụng chương trình ba giảm, ba tăng (trên 72% diện tích). Diện tích trồng màu (dưới chân ruộng và trên đất vườn tạp) 23,2ha, trong đó chủ yếu là trồng dưa hấu (15,8ha), dưa leo (5,1ha)... rồi phát triển mô hình nuôi cá được trên 34 ha... Hằng năm, số lượng đàn bò, dê, heo và gia cầm của xã đều tăng.

Không chỉ phát triển kinh tế, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm chăm lo. Từ đầu năm 2007 đến nay xã đã hoàn tất và bàn giao 13 căn nhà đại đoàn kết, 3 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Từ năm 1990 đến nay, Đảng bộ xã Tân Phú luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp và sinh hoạt văn hóa ngày càng nâng cao.

Những ngày ở Ấp Bắc, tôi có dịp thăm nhiều gia đình chính sách và đời sống của họ đều ấm no nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng bộ, chính quyền các cấp đồng thời với ý chí, nghị lực vươn lên của bản thân. Chú Ba Triệu (Hồ Văn Triệu) là bộ đội thuộc Tiểu đoàn 514 Tỉnh đội Mỹ Tho (thời kháng chiến chống Mỹ). Khi tôi đến, gặp ngày chú tổ chức đám cưới cho cậu con trai út. Đám cưới quê nhưng đãi tiệc không thua gì ở phố chợ. Cô dâu xúng xính trong bộ đầm cưới, còn chú rể đĩnh đạc đóng bộ veston. Và một chi tiết ít ai biết, ngày chú Hai Triệu chọn làm ngày đám cưới của mình cũng là ngày diễn ra trận Ấp Bắc lịch sử năm xưa ấy. Nhấp một ngụm trà, chú Ba khề khà kể lại: “Hồi đó gia đình chọn buổi trưa ngày 2-1-1963 làm lễ cưới của tôi, ai dè mới tờ mờ sớm hôm đó nổ ra trận Ấp Bắc. Vậy là đám cưới phải dẹp sang một bên để lo đánh giặc”.

Phải đến 6 tháng sau, Ba Triệu mới về quê tổ chức đám cưới. Một đám cưới mà như lời vợ chú - cô Trương Thị Nổi kể: “Sau trận Ấp Bắc, vùng này bom đạn ác liệt dữ lắm. Đám cưới chỉ có ba chồng, mẹ tui và hai người bạn gái. Làm đám tạm ở ngôi nhà bị cháy chỉ còn có cái chái che mưa nắng. Giờ no ấm rồi, nhưng kể cho con cái nghe chuyện gian nan trong chiến tranh để sắp nhỏ biết quý những gì đang thụ hưởng”.

Đã 45 năm kể từ chiến thắng Ấp Bắc nhưng “sắp nhỏ” của quê hương Ấp Bắc hôm nay không quên quá khứ. Nói như Kiều Oanh, phụ trách Đài truyền thanh xã: “Nhiều bạn bè em học xong đều quay về quê hương công tác. Mỗi người một công việc, một vị trí nhưng tất cả đều đóng góp sức trẻ để quê hương ngày càng giàu đẹp”. Kiều Oanh một mình phụ trách Đài truyền thanh xã, bao luôn công việc lấy tin, biên tập tin tức, lên giờ phát thanh, sửa chữa máy móc khi hư hỏng... Những công việc đáng lẽ phải có từ 2-3 người đảm nhận nay chỉ một mình cô gái mới 26 tuổi cáng đáng. Ở Tân Phú, lứa cán bộ trẻ như Kiều Oanh còn rất nhiều, như Lê Chí Hiền, năm nay 28 tuổi nhưng đã có thâm niên 6 năm làm công tác thống kê - văn phòng; Nguyễn Văn Nha, Thư ký Đảng ủy xã, tuổi mới tròm trèm 23 tuổi... Lê Thị Thanh Thoảng (23 tuổi), từ khi tốt nghiệp ngành Luật là về UBND xã công tác luôn. Nói như Hà - thuyết minh viên Khu di tích lịch sử Ấp Bắc: “Em là người con của quê hương Ấp Bắc. Được góp phần xây dựng quê hương phát triển là điều không riêng em mà nhiều bạn trẻ Ấp Bắc luôn khắc ghi”.

*

* *

Chiều muộn. Tôi chạy xe chầm chậm từ khu trung tâm xã Tân Phú ngược ra Quốc lộ 1 trở về Cần Thơ. Ngang qua trường tiểu học Ấp Bắc ngay giờ tan trường. Những tà áo trắng học trò hối hả với vòng xe đạp lấp loáng trong nắng chiều vàng như ươm tơ. Có đi rồi mới cảm nhận được một điều: Ấp Bắc- vùng đất một thời loang lổ những hố bom, giờ dấu tích ấy được thay bằng những cánh đồng lúa, những vườn cây xum xuê trĩu quả, những ngôi trường mới... Vùng đất anh hùng đang chuyển mình với sức sống mới của thời kỳ hội nhập bằng chính tinh thần và hào khí của trận chiến Ấp Bắc ngày xưa.

---------------
(1): Nội dung thể hiện diễn biến trận Ấp Bắc được tham khảo từ các tài liệu: Chiến thắng Ấp Bắc (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang 12-1993), Cuộc kháng chiến 30 năm của quân dân Tiền Giang - BCH Quân sự Tiền Giang 1988, Ấp Bắc sống mãi (phụ bản Báo Ấp Bắc 1983), Nhật ký Đặng Minh Nhuận (đại đội trưởng đại đội 1 tiểu đoàn 261 khu 8), Di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Tiền Giang - Sở VHTT Tiền Giang 2006.

(2): Trích từ bia chiến thắng Ấp Bắc.

Chia sẻ bài viết