14/06/2008 - 07:42

Anh Sáu trong lòng Dân

(TTXVN)- Bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Vũ Quốc Tuấn (nguyên Trợ lý của đồng chí Võ Văn Kiệt) đã xúc động nhớ lại những tháng ngày giúp việc cho anh “Sáu Dân”. Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Quốc Tuấn.

Con người ta không ai tránh khỏi cái chết, nhưng anh Sáu mất lúc này là một tổn thất tạo ra một khoảng trống vắng lớn quá. Đất nước lúc nào cũng rất cần những “bộ óc” sáng suốt, có tầm tư duy chiến lược, dám nói và nói có lý có tình như Anh. Trong mắt chúng tôi, anh Sáu Dân là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một bộ óc có tầm chiến lược, nhưng cũng là một con người nhân hậu, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân..

 Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các cháu thiếu nhi các tỉnh về dự Liên hoan chiến sĩ nhỏ Điện Biên xuất sắc toàn quốc năm 1994 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (tháng 7-1994). Ảnh tư liệu TTXVN

Năm 1981, anh Sáu Dân đang làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thì được điều ra làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Khi đó tôi đang làm Tổng biên tập Tạp chí Kế hoạch hóa của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Một hôm, vào giữa năm 1985, thư ký của anh Sáu gọi điện bảo tôi lên làm việc với Chủ nhiệm Võ Văn Kiệt trong vòng một tiếng. Anh Sáu Dân đi thẳng vào vấn đề, hỏi tôi cặn kẽ về từng bài viết, về nền kinh tế thị trường kết hợp với kế hoạch ra sao. Thấy Anh nói chuyện cởi mở chân thành, thế là tôi mạnh dạn nói hết. Tôi nói, anh Sáu hỏi. Rồi lại nói, hỏi... Từ lịch làm việc một tiếng, thành ra hết cả buổi sáng. Rồi Anh giữ tôi lại ăn trưa luôn. Vừa ăn vừa trao đổi, tranh luận. Sau bữa đó, tôi được điều động làm trợ lý của đồng chí Võ Văn Kiệt cho đến năm 1994.

QUYẾT SÁCH PHẢI BẮT NGUỒN TỪ THỰC TIỄN

Trong 10 năm làm trợ lý giúp việc cho anh Sáu, tôi càng thấm thía những trăn trở, lo toan của Anh về căn bệnh quan liêu, xa dân, xa rời thực tế của bộ máy hành chính. Khi làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Anh không bắt tay vào điều hành ngay mà giao công việc này cho vị Phó Chủ nhiệm còn bản thân Anh dành hẳn 6 tháng trời, lặn lội đi hết các huyện miền Bắc. Sau đó, Anh về tập hợp toàn Ủy ban lại họp hẳn một ngày phân tích tình hình để thấy rằng công tác xây dựng kế hoạch lâu nay không trúng, không sát, cần phải thay đổi cách tư duy, cách làm. Là người rất sát thực tế, mọi quyết sách của anh Sáu đều luôn xuất phát từ thực tiễn đời sống. Có dịp đi cùng Anh xuống địa phương, tôi nhận thấy Anh luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư người dân và tình hình thực tế, rồi dùng thực tế đó để thuyết phục lãnh đạo các cấp huyện, tỉnh.

LỘI RUỘNG, BÀN KẾ XÓA NGHÈO

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm đồng bào làng Tum 2, huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai (2-1996). Ảnh: tư liệu TTXVN 

Được làm việc cho anh Sáu trong một thời gian khá dài, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động giữa Anh và nông dân. Tôi còn nhớ sau một lần đi thăm Indonesia về, anh Sáu cứ day dứt mãi: “Tại sao họ thu nhập 300kg lương thực/đầu người, ta cũng 300kg mà lại thiếu thốn thế này, phải đi vay gạo của họ? Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sống giữa đất phì nhiêu mà phải ăn bo bo...”.

Những năm 80, năng suất lúa của khu vực Đồng Tháp Mười rất thấp vì nhiễm mặn, nước phèn, có nơi chưa đạt 1 tấn trên 1 ha. Anh Sáu khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước đã quyết định cải tạo vùng đồng bằng này, thau chua rửa mặn, làm thủy lợi, biến lúa một vụ thành hai vụ năng suất cao. Tôi từng xắn quần theo Anh lội xuống các cánh đồng ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... Anh ra tận ruộng hỏi bà con đang dùng giống lúa gì, làm thủy lợi ra sao. Thậm chí Anh đã cùng bà con nông dân luộc tôm nhậu giữa đồng để “thẩm định” chất lượng tôm. Sau nhiều ngày lăn lộn với dân vùng châu thổ, anh mới quay lên họp với huyện rồi họp với tỉnh phân tích, lý giải cụ thể về đặc điểm từng cánh đồng, khiến lãnh đạo địa phương cứ ngớ người. Thời gian đó, đã có hàng chục cuộc họp, có khi vào ban ngày, có khi lúc nửa đêm ngay tại nhà riêng của anh Sáu ở 97 Trần Quốc Toản, Q.3, TPHCM, có cả những cuộc chính thức lẫn những cuộc gặp riêng. Khách của Anh là GS.Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học nông nghiệp thân thiết của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, là ông Chín Giới - một chuyên gia thủy lợi, là ông Chín Cần (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long)- một lãnh đạo địa phương tâm huyết với đồng ruộng, nông nghiệp... Đến giờ, Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa lớn không những của Việt Nam mà của thế giới, người dân vẫn nhớ anh Sáu - một nhà lãnh đạo gần dân, băn khoăn, trăn trở lo cho dân.

QUYẾT ĐOÁN, MẠNH MẼ VÀ CÔNG BẰNG

Nhắc đến những công trình quốc gia dưới thời nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, không thể không kể đến đường dây 500KV Bắc - Nam. Công trình thể hiện tầm nhìn chiến lược với những quyết sách táo bạo của anh Sáu. Đây là chủ trương có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí khi đưa ra Quốc hội có một vị tiến sĩ phản đối rằng, trên thế giới chẳng nước nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.400 km. Có người còn cho rằng, ông Kiệt là người miền Nam nên “thiên vị” đưa điện từ Bắc vào Nam. Trên cơ sở tập hợp được trí tuệ của tập thể, anh Sáu hỏi ý kiến các chuyên gia và thấy rằng nếu làm lần lượt từng chặng thì không biết bao giờ mới xong. Thế là, dự án đồng loạt khởi công song song tại nhiều chặng, sau đó ráp nối với nhau. Anh ví cách làm đó là kiểu du kích, “đồng khởi”, lấy kinh nghiệm từ trong đấu tranh. Anh còn trực tiếp đi kiểm tra các chặng đường dây, một số chặng phải leo lên những đỉnh núi cao vút. Anh bảo, phải xem anh em thi công làm sao, ăn uống thế nào... Kế hoạch xây dựng 4 năm nhưng dự án hoàn thành chỉ trong 2 năm. Con người quyết đoán ấy cũng là người rạch ròi công - tội. Người ta vẫn kể lại chuyện ông Sáu vào trại giam để trao kỷ niệm chương đường dây 500 KV cho ông Vũ Ngọc Hải khi đó đang bị tù. Anh Sáu nói, tội anh Hải, pháp luật sẽ xử lý, nhưng anh Hải là người có công lớn trong việc thực hiện thi công đường dây 500KV, là người tận tụy và trách nhiệm với công việc.

TRỌNG DỤNG NGƯỜI TÀI

Anh Sáu là người luôn quan tâm đến việc thu hút và sử dụng nhân tài, kể cả với giới trí thức chế độ cũ. Khi còn làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Anh đã sử dụng Nguyễn Xuân Oánh (cựu Phó Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn) và giao ông này phụ trách nhóm nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy. Ngày đó, chúng ta cung cấp nguyên liệu, vật tư theo chỉ tiêu nhà nước nên nhiều xí nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất. Nhiều chuyên gia tâm huyết cũng như Nhóm nghiên cứu của ông Oánh đã đề xuất cho nhà máy dệt, nhà máy bia... của TP Hồ Chí Minh được vay tiền ngân hàng, mua nguyên liệu trực tiếp bằng đô-la, giải quyết khó khăn về nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Sau này, khi anh Sáu ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Anh vẫn thường xuyên cử tôi vào để gặp gỡ những người trong nhóm, truyền đạt ý kiến của Anh và nghe những kiến nghị tâm huyết của nhóm ông Oánh và nhóm Thứ Sáu do anh Phan Chánh Dưỡng chủ trì. Tại Hà Nội, từ năm 1993, anh Sáu Dân cũng tập hợp những nhà khoa học lập thành Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính...

NẶNG LÒNG CHUYỆN QUỐC GIA

Quyết đoán nhưng không hề độc đoán, anh Sáu là người biết lắng nghe, rất gần gũi và trân trọng giới trí thức, văn nghệ sĩ... Anh thường nói: “Các nhà khoa học, nhà trí thức, văn nghệ sĩ vốn là những người có trí tuệ lớn, nặng lòng với đất nước, mình phải nghe người ta mới tập hợp được trí tuệ người ta phục vụ cho đất nước...”. Trong những năm tháng hưu trí ở TP Hồ Chí Minh anh Sáu vẫn nặng lòng với dân với nước. Anh thường xuyên gửi thư cho các Thủ tướng đương nhiệm để góp ý việc nước, phân tích có lý có tình và là người chủ trương hòa giải nhân tâm. Trong thời gian gần đây, anh tâm sự rằng, điều anh cảm thấy tiếc nuối chưa làm được khi tại vị là việc cải cách hành chính và sử dụng cán bộ. Trong thâm tâm, anh vẫn mong muốn có một bộ máy gần gũi với dân, tận tụy phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa... Một anh Sáu còn mãi mãi trong lòng dân.

Chia sẻ bài viết