18/08/2019 - 07:13

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong tâm thức dân gian Nam bộ 

Trần Kiều Quang

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là nhân vật lịch sử có thật đã được thiêng hóa thành thần trong tâm thức và tín ngưỡng dân gian ở Nam bộ.

Trong đình, Thành Hoàng là vị thần được thờ chính thống và trong tâm thức dân gian. Ngoài thần Thành Hoàng, có những nhân vật lịch sử cũng được người dân thần hóa và tòng tự nơi chánh tẩm của đình(1). Quá trình thiêng hóa nhân vật phụng thờ nhằm gửi gắm niềm tin của con người, để vật chất hóa niềm tin tín ngưỡng(2). Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực thuộc trường hợp một nhân vật lịch sử có thật đã được thiêng hóa thành thần.

Gian chính điện đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Anh hùng Nguyễn Trung Trực lúc nhỏ tên là Nguyễn Văn Lịch, là con thứ năm của một gia đình chài lưới ở Xóm Nghề - xóm của những người chuyên nghề hạ bạc, ở Phú Tân (tỉnh Long An). Ông cũng có tên riêng là Chơn và về sau có tên là Trung Trực. Ông thích tập luyện võ nghệ từ nhỏ và là con nhà chài lưới nên bơi như rái cá, thành thạo nghề sông nước.

Năm 1861, giặc Pháp tấn công đại đồn Kỳ Hòa, ông Nguyễn Trung Trực đã tham gia lực lượng nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của cụ Trương Định. Lúc này nghĩa quân Trương Định đóng tại Gò Công, ông Nguyễn Trung Trực làm quyền sung Quân binh đạo chỉ huy một bộ phận nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An. Bấy giờ, giặc tuy thắng thế nhưng phong trào kháng Pháp vẫn mạnh. Do vậy giặc không dám đóng quân trên đất liền mà dùng tàu chiến làm phương tiện chiến đấu và là chỉ huy sở. Trên sông Vàm Cỏ Đông, giặc thả ba chiếc tiểu hạm. Trong đó, chiếc L’Espérance án ngữ vàm Nhựt Tảo như một đồn lưu động để kiểm soát trục giao thông đường thủy này. Trên bờ, giặc bố trí một đội lính mã tà đóng tại chợ Nhựt Tảo.

Khi ông Nguyễn Trung Trực có ý định đánh tàu L’Espérance, ông Hồ Quang Chương cùng các con và dân chúng trong làng ủng hộ. Theo kế hoạch đã định, rạng sáng ngày tấn công, tức ngày 10-12-1861, một toán nghĩa quân làm kế nghi binh gióng trống dữ dội ở kinh Ông Hóng phía làng Bình Láng để nhử địch. Giặc mắc mưu nên dẫn một toán quân đến đó để tiểu trừ, bị phân tán lực lượng.

Trời vừa đứng bóng, lính trên bờ đang nghỉ trưa, lính dưới tàu thay phiên nhau gác. Lúc này có mấy chiếc ghe trần rề tới: Đàn ông mặc áo rộng khăn đen, đàn bà thì áo dài, nón cụ; cho thấy đây là một đám cưới lớn. Chiếc ghe đầu ghé sát mạn tàu. Một ông lão trình việc đi rước dâu, xin phép cho chú rể ra mắt và xin biếu quan vài chục hột gà, mấy nải chuối cau. Lễ vật bày ra trước mặt tay sếp Tây, bất thần chú rể - tức ông Nguyễn Trung Trực - rút ở lưng một cái búa to xán lên đầu hắn và chú rể phụ rút dao hạ sát tên bồi, rồi hô lệnh xáp chiến.

Tất cả người trong đoàn ghe cởi bỏ lễ phục, rút mác thông, mã tấu giấu dưới chiếu nhảy lên tàu tiêu diệt bọn giặc. Giặc hốt hoảng túa ra, bị tiêu diệt chỉ còn năm bảy tên thảy được chiếc đòn dài xuống xuồng nhỏ bơi đi trối chết. Nghĩa quân phá mâm trầu, trút ché rượu: đèn chai, dầu rái, con cúi, hỏa mai ném lên tàu. Lửa phát đỏ cả trời. Dân làng Nhựt Tảo lấy rơm, giật cả mái lá lợp nhà ném xuống tàu. Chiếc L’Espérance bốc cháy dữ dội, nổ một tiếng long trời và từ từ chìm xuống đáy sông.

Sau trận đốt tàu giặc ở Nhựt Tảo, ông Nguyễn đánh mấy trận nữa rồi rút về Hà Tiên. Ông xây dựng căn cứ chống Pháp ở Hòn Chông để chờ thời cơ. Khi ấy Hà Tiên và Rạch Giá đều đã bị giặc chiếm. Lực lượng nghĩa quân của ông ngoài Hòn Chông còn phân tán rải rác ở nhiều nơi khác: Tà Niên, Sân Chim, Thầy Quơn, Núi Sập, Phú Quốc… Một mặt, ông Nguyễn lo tập luyện binh sĩ và mặt khác tiến hành việc do thám địch.

Giặc Pháp quyết bắt cho bằng được Nguyễn Trung Trực. Huỳnh Công Tấn giở thủ đoạn cố hữu: bắt mẹ ông Nguyễn làm áp lực để gọi ông ra hàng. Tình thế quá quẫn bách, ông Lâm Văn Ky quyết chết thay cho chủ tướng. Ông Lâm ra Rạch Giá, tự xưng là Nguyễn Trung Trực. Pháp bắt Lâm Văn Ky. Chúng ra sức dụ hàng, nhưng ông từ chối. Ông bị giặc hành quyết tại chợ Rạch Giá ngày 12 tháng 5 âm lịch (1-7-1868). Khi chém xong, giặc mới phát giác người bị chúng chém không phải là Nguyễn Trung Trực.

Để truy nã ông Nguyễn, giặc đưa thêm một cánh quân khác từ Châu Đốc theo kinh Vĩnh Tế qua Hà Tiên. Nghĩa quân lui về Hòn Chông, rồi rút về cố thủ Phú Quốc.

Về đến Phú Quốc, ông Nguyễn bắt tay ngay vào việc phòng thủ và chủ động đánh Pháp. Lúc này, vợ ông - dân chúng gọi là bà Tướng - bị bệnh nặng. Lương thực bị thiếu trầm trọng, nghĩa quân phải săn trâu rừng để ăn… Một mặt ông cho nghĩa quân mặc áo đỏ, đen, xanh khác nhau đi loanh quanh trên núi. Bọn giặc dùng ống nhòm nhìn thấy tưởng lực lượng nghĩa quân rất đông, không dám đổ bộ. Nhờ đó kéo dài thời gian để bố trí công cuộc phòng bị.

Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Giặc cho tàu chạy ngoài khơi nã đạn lên bờ để thị uy và chờ tập hợp lực lượng mới đổ bộ lên đảo. Quân ta phản kích làm địch thiệt hại nặng. Tuy nhiên, nghĩa quân càng ngày càng thiếu lương thực, thuốc, vũ khí trầm trọng. Vợ và con của ông Nguyễn chết vì bệnh. Về sau người dân trong vùng tìm được xác  hai mẹ con bà Tướng để an táng chu đáo. Đến nay hai ngôi mộ còn lưu dấu tích ở Cửa Cạn. Tục truyền sau khi nghĩa quân tan, một đêm ông Nguyễn một mình một ngựa đột nhập Kiên Giang, hạ sát bảy tám chục tên giặc. Bọn Pháp sống sót tỉnh dậy, đuổi theo. Ra tới bờ biển thì chúng thấy ông ngồi trên mình ngựa lướt trên biển như bay về phía Hòn Tre. Giặc bắn theo, nhưng đạn vừa ra khỏi súng liền quay ngược lại, xuyên thẳng vào ngực chúng và trên bờ biển Rạch Giá, thây ngựa chết ngổn ngang. Giặc sợ hãi co thủ lại một thời gian.

Ông Nguyễn ở Hòn Tre tận lực xây dựng lại lực lượng. Tại Rạch Giá, một tên xã trưởng dâng kế cho giặc bắt giam mẹ ông cùng một số dân lành vô tội. Để cứu dân, cứu mẹ và hơn hết là vận nước đang suy, một mình khó bề cứu nổi cơ đồ, ông Nguyễn lấy cái chết để đánh đổi người nhà. Giặc khuyến dụ nếu ông chịu thần phục thì sẽ được cử làm công sứ miền Tây. Chúng hẹn trong 7 ngày để ông suy nghĩ. Đến hẹn, ông Nguyễn mặc võ phục, đeo kiếm đến trước mặt kẻ thù. Ông rút kiếm chém xuống đất: chịu rơi đầu chứ không chịu hàng.

Bọn giặc đưa ông Nguyễn xuống một thông báo hạm để chở ông về Sài Gòn. Suốt chặng đường dài một ngày đêm, tên Việt gian Huỳnh Công Tấn cố khuyên ông Nguyễn nên theo Pháp để được an toàn và hưởng lợi lộc. Khi Tấn dụ ông nhận một chức lớn gì đó, ông khẳng khái đáp: “Tôi chỉ muốn làm một chức thôi: chức gì mà tôi có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây”. Lại có lời truyền rằng khi một sĩ quan Pháp bảo rằng dù ông có theo chúng hay không, chúng cũng diệt hết phong trào kháng Pháp. Ông Nguyễn bảo: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”.

Bọn giặc biết không tài nào thuyết phục được ông Nguyễn, nên tuyên án tử hình ông và đưa ông về Rạch Giá để thi hành bản án nhằm răn đe, khủng bố tinh thần của những người yêu nước. Được tin dữ, đồng bào Tà Niên - một làng có nghề dệt chiếu nổi tiếng và là nơi có nhiều người tham gia nghĩa quân của ông Nguyễn, đã dệt gấp một số chiếu bông. Ngày 27-10-1868, thực dân Pháp chọn chỗ đất (nay là Bưu điện Rạch Giá) làm pháp trường xử tử ông Nguyễn. Sáng sớm chỗ đất ấy đã được trải kín chiếu bông Tà Niên để cho ông Nguyễn đi. Nơi ông Nguyễn đứng thọ án, người dân trải một chiếc chiếu bông cực đẹp, chính giữa có dệt hồi văn chữ THỌ lớn. Ngụ ý tỏ rõ rằng ông Nguyễn chết, nhưng hùng khí của ông trường thọ với dân với nước!

Tục truyền, ông Nguyễn bị chém, nhưng ông không để đầu rơi xuống đất. Hai tay ông nâng lấy đầu mình. Đôi mắt ông chiếu thẳng vào tên đao phủ, khiến hắn hốt hoảng hộc máu chết ngay tại chỗ. Bọn lính pháp bồng súng đứng sắp hàng ở pháp trường hãi hùng, nhìn tránh đi nơi khác… Người dân Cần Đước, Long An, xác nhận rằng đôi mắt vẽ trên mũi ghe Cần Đước là đôi mắt đầy khí phách của người anh hùng dân chài trong giờ phút cuối cùng này(3).

Những tư liệu trên cho thấy anh hùng Nguyễn Trung Trực là một người có thật đã được người dân huyền thoại hóa bằng các câu chuyện thần kỳ như cưỡi ngựa ra biển, lấy tay hứng đầu khi đầu bị chém… nhằm ca ngợi, thiêng hóa một nhân vật anh hùng mà ai ai cũng ngưỡng mộ. Việc người dân Nam bộ đưa ông Nguyễn Trung Trực vào đình thờ, với tư cách là vị thần chính đã thể hiện tấm lòng kính trọng, thương yêu của mọi người đối với vị anh hùng dân tộc. Ông được kính trọng đến mức kiêng gọi tên, mà gọi là Ông hay Ông Nguyễn. Ông còn được xem là vị Thành Hoàng của làng, nên có đình mặc dù đã có tên gọi chính thức nhưng do trong đình có thờ ông Nguyễn Trung Trực nên người ta gọi là Đình Nguyễn Trung Trực.

-------------------------

[1] Nguyễn Hữu Hiếu (2004), “Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam bộ”, NXB Trẻ, tr.45.

[2] Nguyễn Chí Bền (2015), “Lễ hội cổ truyền của người Việt cấu trúc và thành tố”, NXB KHXH, Hà Nội, tr.122-123.

[3] Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1992), “Nghìn năm bia miệng”, tập 2, NXB thành phố Hồ Chí Minh, tr.141-154.

Chia sẻ bài viết