29/01/2008 - 09:09

Lực lượng vũ trang Cần Thơ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Anh dũng, quyết thắng, lập công

Cách nay 40 năm, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (TTC & ND) Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân Cần Thơ đã đồng loạt nổi dậy tấn công vào sào huyệt của bọn Mỹ - ngụy, giành được những thắng lợi to lớn và toàn diện. Trong đó, LLVT Cần Thơ đóng vai trò nòng cốt, đã mưu trí, anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, gây cho địch tổn thất nặng nề.

Do có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ miền Tây, trung tâm của vùng Tây Nam bộ nên địch xem thành phố Cần Thơ (tỉnh Phong Dinh cũ) là địa bàn trọng điểm, nơi đặt cơ quan của Vùng 4 chiến thuật, trung tâm điều hành bộ máy chiến tranh toàn vùng. Giai đoạn 1967- 1968, địch bố trí lực lượng hơn 23.000 tên và trang bị nhiều vũ khí hiện đại “trấn giữ” tại TP Cần Thơ.

Từ cuối năm 1967, theo chỉ đạo của trên, LLVT Cần Thơ tập trung củng cố lực lượng. Bên cạnh việc bổ sung số lượng, LLVT và dân quân du kích còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật, chiến thuật cho chiến sĩ để nâng cao trình độ tác chiến đánh vào khu vực đô thị. Ta còn tăng cường hoạt động của các đội biệt động, xây dựng nhiều tổ chức, cơ sở trong lòng địch, nắm lại các đầu mối binh vận, chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần... đảm bảo phục vụ cho cuộc TTC & ND. Đi đôi với công tác chuẩn bị lực lượng, Tỉnh ủy Cần Thơ (cũ), còn chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức tấn công địch liên tục, vừa làm tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện đưa lực lượng ta áp sát đô thị, qua đó đúc kết kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu. Một kế hoạch đánh vào TP Cần Thơ cũng được hình thành, theo đó, lực lượng ta sẽ chia thành 4 cánh quân, tiến công vào những vị trí đầu não của Mỹ - ngụy. Đầu năm 1968, tất cả các mặt công tác được chuẩn bị sẵn sàng, đợi lệnh tấn công.

Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ (đoạn Rau Răm) qua Lộ Vòng Cung, tiến về thị xã Cần Thơ - Xuân 1968. Ảnh: TL (nguồn: Lực lượng Vũ trang Cần Thơ 30 năm kháng chiến 1945 - 1975)

Đêm 28-1-1968, lệnh tấn công được triển khai đến cán bộ chỉ huy quân sự các cấp. Chiều 29-1 (30 Tết) các đơn vị bắt đầu hành quân tiến vào Lộ Vòng Cung, từ đó tiếp tục triển khai chiếm lĩnh các vị trí tiến công theo kế hoạch. Đại tá Lê Trọng Nghĩa (Tám Nghĩa), nguyên cán sự chính trị Tiểu đoàn Tây Đô khi ấy, xúc động nhớ lại: “Đêm đó, nhân dân ở rạch Bà Hiệp dùng xuồng, ghe chở chúng tôi vượt sông Cần Thơ vào Lộ Vòng Cung. Bà con còn tổ chức các “quán cơm khởi nghĩa”, tiếp cơm, nước uống để bộ đội không chậm bước hành quân. Dọc đường hành quân, chúng tôi bắt radio nghe Thơ chúc Tết của Bác Hồ. Lời Thơ của Bác động viên, cổ vũ chiến sĩ ta tiến lên tiêu diệt kẻ thù, giành lại hòa bình, tự do cho đất nước, nhân dân, nên mọi người quên hết mệt mỏi, trong lòng ai cũng lâng lâng. Đến 23 giờ đêm đó, chúng tôi được lực lượng hợp pháp đưa vào tiếp cận mục tiêu”.

Cuộc TTC & ND Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ đã giáng cho địch một đòn bất ngờ, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Tổng cộng ta đã loại ra khỏi vòng chiến đấu trên 25.000 tên địch, diệt và phá 56 đồn, 288 máy bay, thu hơn 600 khẩu súng các loại.

Biệt động Cần Thơ và Tiểu đoàn Tây Đô là những đơn vị đầu tiên nổ súng mở đầu cuộc TTC&ND xuân Mậu Thân ở Cần Thơ. Ông Tám Nghĩa kể: “Ban đầu, địch bị đánh bất ngờ nên bỏ chạy, nhưng sau đó, chúng cho trực thăng, pháo kích cùng bộ binh đánh trả quyết liệt. Các chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô chiến đấu với tinh thần quyết chiến quyết thắng, từng bước làm chủ được trận địa. Vài ngày sau đó, do tình hình không thuận lợi, Tiểu đoàn được lệnh lui ra vùng ven Lộ Vòng Cung, phá ấp chiến lược và đánh địch phản kích”. Ở khu vực sân bay Lộ Tẻ, Tiểu đoàn chủ lực 303 (Quân khu 9) liên tục mở nhiều đợt tấn công, uy hiếp địch. Tiểu đoàn 307 (Quân khu 9) đánh Đài phát thanh, gây cho địch tổn thất nặng nề. Sau 4 ngày chiến đấu giằng co với địch, do ít hơn địch cả về lực lượng và phương tiện chiến đấu, nên ta tạm thời rút vùng ven để củng cố lực lượng.

Ngoài các lực lượng chủ lực tấn công vào nội ô thành phố, lực lượng địa phương quân ở các huyện vùng ven cũng tổ chức chiến đấu anh dũng. Huyện Châu Thành (cũ) là nơi được chọn là điểm tập kết của lực lượng ta trước khi tổ chức tiến công vào Cần Thơ và phục vụ hậu cần. Ông Nguyễn Thanh Bình (Bảy Thanh Bình), Phó Chính trị viên Huyện đội Châu Thành khi ấy, nhớ lại: “Khi các đơn vị chủ lực tấn công vào nội ô thành phố, LLVT huyện Châu Thành cũng tổ chức tấn công vào đồn Rạch Kè ở Vàm Xáng để “mở cửa” Lộ Vòng Cung, phục vụ hậu cần”. 40 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của ông Bảy Thanh Bình, trận đánh tiêu diệt đồn Rạch Kè trong đợt TTC&ND Xuân Mậu Thân vẫn còn nguyên trong ký ức. Ông kể: “Đêm 30 Tết, ta tổ chức lực lượng áp sát mục tiêu, đến 2 giờ sáng thì dùng hỏa lực đánh chiếm lô cốt đầu cầu, sau đó triển khai thành 2 mũi tấn công các trại lính. Lúc này, trong đồn có khoảng 70 tên lính, nhưng do không đề phòng nên không kịp chống cự. Đêm đó, bà con trong khu vực hay tin bộ đội tấn công đồn cũng kéo đến hỗ trợ. Rạng sáng hôm sau, đồn Rạch Kè đã bị LLVT và nhân dân Châu Thành san bằng”...

Sau khi rút lực lượng ra vùng ven, ta tiếp tục mở thêm hai đợt tiến công, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Tiêu biểu như trận tấn công đồn Rạch Nhum ở xã Thới Thạnh; trận tập kích Đoàn bình định của địch ở Hưng Thạnh, trận tập kích Sân bay Lộ Tẻ... Nhân dân ở các địa phương đã hết lòng giúp đỡ, đùm bọc, chở che các đơn vị LLVT của Cần Thơ và Quân khu 9 trong giai đoạn ác liệt này. Ông Khưu Ngọc Bảy, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1-Tiểu đoàn H52, đơn vị được Quân khu 9 điều động tăng cường cho LLVT Cần Thơ trong đợt 2 của cuộc TTC&ND Xuân Mậu Thân, kể: “Trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, bà con vẫn nhường cơm, sẻ áo để tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội. Một lần, 3 đồng chí trong Tiểu đoàn H52 đi nghiên cứu địa hình Sân bay Trà Nóc về bị địch phục kích, đồng chí Năm Kim hy sinh, đồng chí Hoàng bị thương nặng. Mặc dù lúc đó 2 tiểu đoàn của địch thường xuyên ruồng bố, tra xét, nhưng chị Trần Thị Bảy, một người dân địa phương, đã không ngại đưa đồng chí Hoàng về chăm sóc, băng bó vết thương và móc nối đưa về đơn vị an toàn”.

Đại tá Vũ Cao Quân, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ, khẳng định: “Ôn lại thắng lợi của cuộc TTC & ND Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi rất tự hào trước sự dũng cảm, mưu trí, tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết thắng, lập công của LLVT Cần Thơ. Khí thế và tinh thần ấy là bài học lớn, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố hôm nay phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng bộ và nhân dân thành phố giao phó, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của LLVT thành phố...”.

Hoàng Thanh

Bài có sử dụng tư liệu trong quyển “Lực lượng vũ trang Cần Thơ 30 năm kháng chiến - tập 2”.

Chia sẻ bài viết