01/05/2013 - 14:00

Ăn như thế nào để phòng tránh axít uric trong máu cao

 

Nồng độ axít uric trong máu cao là nguyên nhân dẫn đến bệnh gút, một dạng viêm khớp thường gây sưng, viêm và đau đớn ở các khớp tay, chân hoặc nhiều nơi khác của cơ thể. Theo các chuyên gia, tình trạng tăng axít uric có thể kiềm chế bằng cách thay đổi chế độ ăn, nhằm tăng cường đào thải axít uric. Những lời khuyên dưới đây của Tiến sĩ Sharad Kasarle, Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng DSK (Ấn Độ) sẽ cho chúng ta biết “nên” và “không nên” ăn món gì để phòng tránh tăng axít uric máu.

Nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ. Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (Mỹ), việc bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ (có nhiều trong các loại trái cây và rau củ) có thể giúp giảm nồng độ axít uric trong máu. Lý do là chất xơ có thể giúp hấp thụ axít uric, đồng thời loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể thông qua thận.

Nên dùng dầu ô-liu. Nên sử dụng dầu ô-liu trong việc nấu ăn thay vì dùng mỡ, bơ hay dầu thực vật do chúng làm thức ăn mau thiu, dẫn đến tình trạng hủy hoại vitamin E, vốn cần thiết đối với việc kiểm soát nồng độ axít uric, trong cơ thể. Ngoài ra, dầu ô-liu cũng giúp bạn tránh được tình trạng sản sinh axít uric thừa. 

 

Bổ sung vitamin C. Những người bị tăng axít uric máu thường xuyên bổ sung vitamin C với liều lượng khoảng 500 mg có thể giảm nồng độ axít uric chỉ trong 1-2 tháng. Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi như cam, chanh, bưởi, quýt, củ cải trắng, bông cải xanh, tiêu, khoai tây, cải brussel, cà chua…

Dùng tinh dầu cần tây. Từ lâu, hạt cần tây đã được dùng để điều trị bệnh gút, thấp khớp và viêm khớp. Lý do là cần tây chứa chất giảm đau, chất chống ôxy hóa, cũng có tác dụng lợi tiểu và được xem là chất sát trùng đường tiết niệu.

Thêm thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa vào thực đơn. Các loại trái cây và rau củ như ớt chuông đỏ, cà chua, quả việt quất, bông cải xanh và nho thường nguồn cung cấp chất chống ôxy hóa dồi dào. Các dưỡng chất này không những có tác dụng giúp ngăn chặn các gốc tự do tấn công các mô và cơ quan trong cơ thể mà còn giúp giảm nồng độ axít uric trong máu.

 

Dùng giấm táo. Giấm táo nguyên chất có thể giúp giảm nồng độ axít uric bằng cách thay đổi độ pH trong máu.

Ăn quả anh đào. Loại trái cây này có chứa một hợp chất hóa học có thể giúp trung hòa nồng độ axít uric, cho phép cơ thể loại bỏ axít này.

Uống nhiều nước. Người bị tăng axít uric máu nên uống ít nhất 3,5 lít nước mỗi ngày. Nước được xem là “trợ thủ đắc lực” giúp thận đào thải các tạp chất ra khỏi cơ thể.

Hạn chế ăn các loại bánh ngọt. Nên tránh ăn các loại bánh ngọt và các loại thực phẩm nhiều đường do chúng chứa rất nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa vốn là nguyên nhân làm giảm khả năng loại bỏ axít uric của cơ thể.

Tránh Siro bắp có hàm lượng đường fructose cao. Loại chất làm ngọt thường có trong nước giải khát và một số loại thực phẩm chế biến này có thể làm tăng nồng độ axít uric và triglyceride, loại chất béo có hại cho mạch máu.

Hạn chế tiêu thụ đạm động vật. Nguồn đạm từ động vật như thịt heo và thịt gia cầm thường có hàm lượng purine rất cao, nguyên nhân khiến nồng độ axít uric tăng cao.

Hạn chế thức uống có cồn. Rượu cản trở việc đào thải axít uric ra khỏi cơ thể, trong khi bia có liên quan đặc biệt đến các cơn đau do bệnh gút. Vì vậy, những người có axít uric cao chỉ được phép uống 1 ly bia (rượu) và tối đa 3 lần/tuần.

 

Nên chọn tinh bột phức hợp. Ngũ cốc nguyên hạt, nhất là gạo lứt, được xem là nguồn tinh bột phức hợp có lợi cho sức khỏe, không như tinh bột tinh chế thường được dùng làm bánh mì, bánh ngọt và kẹo. Tinh bột phức hợp được cho có tác dụng no lâu và ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều, dẫn đến béo phì vốn làm cho bệnh gút nặng thêm.

TRÍ VĂN (Theo Health Me Up)

 

Chia sẻ bài viết