22/10/2011 - 09:15

Âm vang 50 năm con đường huyền thoại trên biển

* Bút ký: Phạm Trung

Bài 2: TÌNH QUÂN DÂN Ở CÁC BẾN, BÃI

Nhắc đến con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta không thể nào quên những đóng góp to lớn của quân và dân các bến, bãi trực thuộc Đoàn 962. Đây chính là những bức tường thành vững chắc che chắn, bảo vệ các kho vũ khí an toàn trong suốt gần 15 năm trước sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù...

Tồn tại giữa lòng dân...

Bến Vàm Lũng (Cà Mau) - nơi đón chuyến tàu “không số” đầu tiên vào miền Nam năm 1962. Ảnh: T.L 

Ở tuổi 79, ông Nguyễn Văn Nghiệp (ngụ ấp Thạnh Hưng B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)- người phụ trách Ban An ninh xã Thạnh Phong năm xưa - vẫn nhớ như in những năm tháng sát cánh cùng đồng đội bảo vệ bến A101 (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Ông Nghiệp nhớ lại: “Nhân dân Thạnh Phong (sau năm 1985 xã Thạnh Phong tách thành 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải) đã tích cực hỗ trợ cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 vận chuyển vũ khí khi các con tàu cập bến. Điển hình như việc vận chuyển vũ khí tại ấp 6, xã Thạnh Phong khi ta có một chiếc tàu bị mắc cạn tại rạch ông Năm Kiền vào năm 1964”.

Do đi lạc đường nên chiếc tàu của ta bị mắc cạn. Trước tình thế đó, Chi bộ ấp 6 đã vận động người ở các cơ sở cách mạng đến vận chuyển vũ khí. Tuy nhiên, do con tàu có trọng tải hơn 100 tấn nên trong đêm đầu tiên chỉ vận chuyển được một phần. Lãnh đạo bến quyết định vận động quân dân các nơi đến sơ tán vũ khí trong 2 đêm liền (từ 300 người đêm thứ hai lên 500 người đêm thứ ba) nhưng vẫn không thể vận chuyển hết. Nhắc lại chuyện xưa, bà Đặng Thị Thanh (89 tuổi, ngụ ấp 6, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú), xúc động kể: “Lúc đó, cha mẹ tôi, tôi và chồng đều tham gia vận chuyển vũ khí. Chồng tôi lúc đó là Trưởng Ban cán sự thanh niên nên hai chiều liền đều vác cái loa làm bằng quả bầu khô nhắc mọi người trong xóm đi ra chỗ con tàu đưa vũ khí vào các kho đúng giờ. Vũ khí thì vận chuyển bằng ghe, hoặc đặt trên ván rồi kéo đi trên bùn, hoặc thi nhau vác,.. Cứ thế ba ngày liền chúng tôi làm từ 5 giờ chiều cho đến tờ mờ sáng”. Ở ấp 6, xã Thạnh Phong từng có cả gia đình tham gia vận chuyển vũ khí trên chiếc tàu này. Đó là gia đình ông Ngô Văn Lắm (89 tuổi). Ông Lắm cho biết: “ Tôi cùng người em trai và 5 đứa con đều tham gia vác vũ khí. Lúc phá hủy con tàu, dây cháy chậm đặt ở nhà tôi nối với khối thuốc nổ trên tàu cách nhà gần 1 km. Tiếng nổ của nó làm chấn động cả góc biển Thạnh Phong khiến địch chú ý, điều tàu và máy bay đến kiểm tra. Sau đó, chúng ném bom, bắn phá ác liệt khu vực này nhằm ngăn chặn ta chuyển vũ khí từ các kho trong rừng”.

Nhằm đảm bảo bí mật cho các chuyến tàu, người dân ở các bến, bãi tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “ba không” là: “không hay, không biết, không tò mò”. Bà Nguyễn Thị Nổi (Tư Nổi) ngụ ở ấp 4, xã Thạnh Phong, cho biết: “Người dân chúng tôi khi có nhiệm vụ thì chỉ biết hoàn thành, tuyệt đối không thắc mắc. Nhiều người đi giăng lưới, bắt cua, bắt cá, đốn củi,... dọc các bãi biển gặp nơi giấu vũ khí do tàu “không số” chuyển không kịp để lại đều giữ im lặng. Nhờ thế mà bí mật về các bến bãi và những con tàu “không số” luôn là điều bí ẩn với kẻ thù”. Năm nay 83 tuổi, bà Tư Nổi vẫn còn minh mẫn kể rành mạch cho chúng tôi nghe chuyện mình cùng chị em trong ấp vận chuyển vũ khí từ 2 con tàu cập bến Bồn Bồn năm 1963. Những người phụ nữ chân yếu tay mềm như bà lúc đó căng sức khiêng, vác những thùng vũ khí nặng trên 50 kg chỉ với một lý do thật đơn giản: “Cái khổ chân tay không bằng cái khổ của kiếp người lầm than, nô lệ”. Đặt biệt, để đảm bảo an ninh cho bến, nhiều Tổ an ninh đã được thành lập ở các ấp. Nhờ thế các đối tượng lạ mặt không thể nào xâm nhập vào căn cứ. Ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết: “Ngoài lực lượng vũ trang các đơn vị thuộc Đoàn 962 thì nhân dân các ấp cũng có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ bến. Nhiều lần các Tổ an ninh đã bắt khi phát hiện các tên tình báo, gián điệp cài vào căn cứ của ta. Điển hình như vụ Tổ An ninh và nhân dân ấp Hồ Cỏ bắt tên Hoàng Thanh Sơn làm việc cho Nha tình báo Sài Gòn, tên Báo làm việc tình báo hải thuyền địch,...”.

Kiên cường giữ bến...

Không chỉ tham gia vận chuyển vũ khí, nhiều người dân ở các bến, bãi đã tự nguyện nhổ bỏ các hàng đáy trên các rạch để tàu chở vũ khí cũng như ghe vận chuyển vũ khí dễ dàng hoạt động, hoặc không đánh bắt thủy sản gần các bến, bãi bởi tàu chở vũ khí của ta khá lớn trong khi tàu của ngư dân rất nhỏ. Sự chênh lệch về kích thước này sẽ dễ dẫn địch tìm đến ném bom, bắn phá,... Ông Trầm Thanh Lái ( 72 tuổi, ngụ phường 1, thành phố Trà Vinh) nguyên là Chính trị viên Đại đội phòng thủ bến Trà Vinh, nhớ lại: “Năm 1963, chuyến tàu “không số” đầu tiên vào bến Trà Vinh bị mắc cạn ở ấp Phước Thiện, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải. 20 hộ dân đang đóng đáy gần đó đã vội thu đáy để phủ lên tàu ngụy trang. Sau đó, họ cùng cán bộ, chiến sĩ bến vận chuyển hơn 10 tấn vũ khí, giúp tàu vượt cạn”. Quân và dân bến Trà Vinh cũng có những chiến công oanh liệt như đập tan cuộc tấn công 22 ngày đêm của tiểu đoàn biệt kích Mỹ vào bến năm 1967 nhằm phá hủy các kho vũ khí của ta tại đây. Trong trận này ta tiêu diệt 45 tên địch. Ông Trầm Thanh Lái cũng nhớ như in sự kiện ngày 19-6-1966. Ông kể: “Có một chiếc tàu “không số” của ta vào bến Trà Vinh nhưng tới Côn Đảo thì bị địch phát hiện. Chúng cho 2 tàu chiến bám đuổi quyết liệt. Lãnh đạo bến Trà Vinh đã điều ngay 1 tàu gỗ chở 10 đồng chí dũng cảm chạy ra “chia lửa” với tàu “không số”. Sau khi lực lượng tiếp viện của ta bắn hỏng 1 tàu địch, tàu “không số” của ta thoát được vào bến an toàn. Các chiến sĩ địa phương hy sinh 1 đồng chí và bị thương 2". Lòng của quân dân bến Trà Vinh đối với đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là sự đối đầu kiên cường với địch mà còn là sự đùm bọc của nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 suốt ngần ấy năm ác liệt như chính lời khẳng định của ông Trầm Thanh Lái: “Suốt thời gian chúng tôi đóng quân tại bến Trà Vinh, nhân dân 2 xã Trường Long Hòa, Long Vĩnh chính là hậu phương vững chắc của chúng tôi”.

Và bao tấm lòng son...

Cô Bùi Thị Hồng Cúc (nhà số 95/50 đường Nguyễn Thông, phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), không sao quên được những ngày làm y tá ở trạm xá bến Vàm Lũng (Cà Mau) từ 1970-1975. Cô Cúc kể: “Trạm xá của Trung đoàn 962 chúng tôi lúc đó đóng tại Vàm Lũng có 8 người, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ tàu “không số” còn kiêm việc khiêng đạn, làm kho cất giấu vũ khí, bắt cá cải thiện bữa ăn,...”. Ngày nào không có việc cô Cúc lại cùng đồng đội chưng cất nước mặn bằng cái thùng phuy to đùng để lấy từng giọt nước ngọt cho cán bộ, chiến sĩ tàu “không số” sử dụng; lo giặt giũ, chăm sóc để sức khỏe các anh mau hồi phục để quay ra miền Bắc. Hơn 5 năm công tác tại bến Vàm Lũng, nhiều kỷ niệm đã khắc sâu vào trí nhớ cô Cúc. Như lần cô cùng đồng đội an táng một chiến sĩ tàu “không số” vào năm 1972. Cô Cúc kể: “Tôi không biết đồng chí đó tên gì, tôi chỉ biết ảnh vừa theo tàu “không số” từ miền Bắc vào thì bị biệt kích địch bắn chết. Tôi và 3 đồng chí nữa lo chôn cất anh mà lòng đau đớn lắm vì không có một nén nhang để thắp cho anh”. Cô Cúc không sao quên tấm lòng các má, các chị ở Tân Ân-Ngọc Hiển đã gởi từng trái bí, củ khoai, cọng rau muống vào căn cứ “cho các con ăn khỏi bị chứng phù nề”. Các má cứ đặt rau, củ ở một điểm nào đó rồi đơn vị cử người đến lấy. Cô không biết các má, các chị là ai nhưng điều cô Cúc cùng cán bộ, chiến sĩ bến Vàm Lũng đều tin chắc đó là những con người yêu hòa bình, thiết tha mong đất nước thống nhất.

Còn đại tá Nguyễn Đắc Thắng thì cứ nhắc đi nhắc lại rằng cả đời ông không thể nào quên ân tình của nhân dân Đức Phổ nói chung và các y bác sĩ bệnh xá do bác sĩ Đặng Thùy Trâm làm bệnh xá trưởng nói riêng. Họ là những người sẻ chia cùng cán bộ, chiến sĩ tàu 43 từng chén cơm, hạt muối, viên thuốc trong suốt hơn một tháng ròng ở đây. Và trong cuộc đời mình, hình ảnh nữ y tá Lý đi tìm lương thực, thuốc men cho anh em tàu 43 đã bị máy bay địch bắn chết khi chưa tròn 17 tuổi vẫn đau đáu trong lòng Đại tá Thắng. Ông tâm sự: “Tôi ước gì được trở lại đó một lần để nói lời tri ân với những người từng cưu mang anh em chúng tôi. Hôm rồi, qua cầu truyền hình tôi gặp cô Thúy Phượng, y tá ở bệnh xá Đức Phổ năm xưa mà không sao kềm được nước mắt. Tôi và anh em từng đi tàu 43 đang còn sống vẫn thấy mình mang nợ với nhân dân nơi đó!”.

Nhắc đến chiến công của quân dân các bến, bãi, Đại tá Khưu Ngọc Bảy, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, cho biết: “Để đảm bảo an toàn, bí mật cho các bến bãi thuộc 4 tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, gần 600 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 962 đã ngã xuống trong gần 15 năm ác liệt đó. Còn sự hy sinh, mất mát của nhân dân các bến, bãi thì không thể nào kể hết được. Và nếu nói đường Hồ Chí Minh trên biển là một bông hoa của dân tộc ta trên Biển Đông, cán bộ, chiến sĩ tàu “không số” là nhụy hoa thì quân và dân các bến, bãi chính là những cánh hoa đã góp phần điểm tô nên bông hoa tươi thắm này “.

-------------

Bài cuối: NHỮNG NGƯỜI GÌN GIỮ DẤU TÍCH OAI HÙNG

Chia sẻ bài viết