31/05/2008 - 23:34

Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6)

Ấm áp vòng tay cộng đồng...

Thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể trong thành phố xây dựng nhiều mô hình đội thanh niên tình nguyện “Vì trẻ em”, “CLB trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, lớp học tình thương... với những hoạt động hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tình thương, sự chăm lo dìu dắt của các thầy, cô, của nhiều cán bộ đoàn thể và sự nỗ lực của chính các em đã giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được học tập, được vui chơi, vững bước vào đời…

Lễ “Báo công dâng Bác” và hội thi “nét đẹp tuổi thơ” tại Trường Tiểu học Thị Trấn Thốt Nốt 3 được tổ chức vào những ngày cuối tháng 5 với nhiều hoạt động sôi nổi. Cờ nước, cờ Đoàn, cờ Đội được giương cao tung bay trong gió, những bài hát ca ngợi Bác được cất cao, rộn ràng cả sân lễ... Nhìn đứa cháu nội vui đùa hớn hở, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, 53 tuổi, ở ấp Qui Thạnh 2, Xã Trung Kiên, nở nụ cười tươi như xua đi bao mệt nhọc vì phải lội bộ một quãng đường xa từ nhà đến trường. Bà tâm sự: “Cháu Thanh Mai bị mẹ bỏ từ nhỏ, cha thì bị mất sức lao động. Ngày ngày, tôi phải đi phụ giúp việc nhà cũng chỉ đủ kiếm tiền mua gạo và trả tiền mướn nhà... May nhờ được nhà trường hỗ trợ, tặng tập sách, trao học bổng... nên cháu mới có điều kiện đi học đến nay”.

Cũng có hoàn cảnh khó khăn như Thanh Mai là trường hợp của em Nguyễn Thị Ngọc Thảo, học sinh lớp 3A1. Chị Nguyễn Thị Nương, mẹ của Thảo, kể: “Cháu Thảo rất ham học, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình tôi nhiều lần định cho Thảo nghỉ học. Mỗi lần như thế, các thầy cô giáo lại đến tận nhà, động viên gia đình cho cháu tiếp tục đến lớp. Ban Giám hiệu nhà trường đã miễn các khoản đóng góp, đồng thời Liên đội còn hỗ trợ Thảo quần áo, tập, sách, khăn quàng... tạo điều kiện tốt cho Thảo đến trường”. Sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè đã giúp cháu Thảo vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Suốt 3 năm liền, Thảo luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ôm chặt phần quà được tặng trong dịp Lễ “Báo công dâng Bác”, Thảo xúc động, nói: “Em sẽ luôn phấn đấu học giỏi để không phụ lòng thầy cô và sự giúp đỡ của bạn bè”.

 Học sinh Trường Tiểu học Thị Trấn Thốt Nốt 3, dâng hoa lên bàn thờ Bác Hồ trong buổi lễ “Báo công dâng Bác”. 

Cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị Trấn Thốt Nốt 3, cho biết: “Trường có tổng số 562 học sinh, trong đó gần 100 em có hoàn cảnh khó khăn. Để hỗ trợ các em đến trường, Ban Giám hiệu và Hội Phụ huynh học sinh đã phối hợp vận động phụ huynh học sinh ủng hộ tiền để trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi. Mỗi đoàn viên giáo viên còn tự nguyện đóng góp mỗi tháng 2.000 đồng để mua sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo”. Ngoài ra, Liên đội còn phát động phong trào áo trắng tặng bạn, quyển vở, khăn quàng tặng bạn... nhằm tạo điều kiện cho học sinh nghèo đến lớp.

Lời tâm sự của cô Phượng làm tôi nhớ đến những hôm cùng các cán bộ phường Long Hòa, quận Bình Thủy đội mưa vào các khu vực để vận động kinh phí tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi cho các em trên địa bàn. Vuốt những giọt nước mưa còn thấm đẫm trên mặt, chị Trần Thị Vinh, cán bộ chuyên trách công tác Dân số – Gia đình và Trẻ em (DSGĐ&TE), bộc bạch: “Chịu khó vất vả một chút để các em có hoàn cảnh khó khăn có một ngày vui thật ý nghĩa”. Vừa đi vận động, các anh chị vừa kết hợp ghé thăm hỏi các em có hoàn cảnh khó khăn.

Gặp các cô chú cán bộ phường, em Dương Hồng Hận, 14 tuổi, ở khu vực Bình Chánh, Long Hòa, reo lên vui mừng: “Năm nay có tặng tập nữa không cô ? Hổm rày bà ngoại con bán rau, ốc ế lắm, không biết có tiền sắm tập không”. Nghe Hận nói, bà Nguyễn Thị Nhung -bà ngoại của Hận- se sẽ thở dài. Lần những ngón tay gầy guộc, sạm đen lên những bó nhãn lồng mà hai bà cháu bỏ công gần nửa ngày trời đi hái từ những khu vườn của bà con xung quanh, bà Nhung cúi mặt, mắt ngân ngấn nước. Mẹ mất, cha bỏ nhà đi từ khi Hận lên 7, Thành Nam, em trai của Hận mới được 2 tháng tuổi. Hai ông bà phải còng lưng lo cho 2 đứa cháu ngoại suốt 7 năm nay. Từ 4-5 giờ sáng, bà Nhung đã đội sề rau ra chợ; còn ông Sáu Tập (ông ngoại của Hận và Nam), gò mình trên chiếc xe đạp cọc cạch, vượt gần 5km ra Cảng Cần Thơ bốc vác hàng. Bà Nhung kể: “Vất vả như thế nhưng cũng chỉ đủ chạy gạo hàng ngày, chuyện học hành của 2 cháu đều dựa vào các cô chú ở phường, thầy cô ở trường giúp đỡ...”. Hận khoe: “Năm nào cũng vậy, chuẩn bị nhập học là các cô, chú ở phường đến nhà cho tập sách, quần áo. Mấy dịp lễ, Tết Trung thu, cô chú ưu tiên dành quà cho 2 anh em con. Nếu không có các cô chú, chắc anh em con phải nghỉ học lâu rồi”. Khoe với chúng tôi những tấm giấy khen của Hận trong những năm học qua, bà Nhung xoa đầu đứa cháu cưng: “Cố gắng học để nhờ tấm thân nghe con...”. Rồi bà nói với chúng tôi: “Thằng Hận, thằng Nam ham học lắm, lại được chính quyền quan tâm, giúp đỡ tận tình, chắc ước mơ 2 cháu học thành tài của tôi sẽ thành hiện thực...”.

Chị Trần Thị Vinh, cán bộ phụ trách công tác DSGĐ&TE phường Long Hòa, cho biết: “Hiện phường có 19 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ bảo trợ xã hội với số tiền 120.000 đồng/tháng. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, hàng năm vào Ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu... các đoàn thể phối hợp vận động kinh phí, tổ chức cho thiếu nhi đi tham quan các khu di tích lịch sử, khu vui chơi Đầm Sen, Suối Tiên..., từ đó động viên tinh thần các em phấn đấu học tập tốt. Chúng tôi cũng thường xuyên rà soát những trường hợp các em có hoàn cảnh để kịp thời giúp đỡ, không để các em vì hoàn cảnh mà phải bỏ học”.

Nhằm chăm sóc lo cho các em có hoàn cảnh khó khăn, 6/6 Chi đoàn khu vực thuộc Đoàn phường An Cư đã thành lập CLB “Cánh hồng ước mơ” để tập hợp các em đến sinh hoạt, vui chơi. Chị Nguyễn Lệ Huyền, Bí thư Đoàn phường, cho biết: “Hàng tháng, hàng quí, các chi đoàn đều tổ chức tập hợp các em để sinh hoạt theo từng chủ đề “Thiếu nhi chăm ngoan”, “Thiếu nhi học tập và làm theo lời Bác”... Thông qua những hoạt động này, ngoài việc tạo cho các em một sân chơi, các bộ Đoàn còn sớm phát hiện ra những em lười học, lêu lổng, có dấu hiệu phạm pháp để kịp thời uốn nắn giáo dục”. Chị Huyền cho biết thêm, Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, Đoàn phường sẽ phối hợp với các đoàn thể tổ chức với nhiều hoạt động tặng quà, giao lưu văn hóa, văn nghệ...

Cầm thơ mời dự họp mặt trên tay, em Nguyễn Duy Tấn, 8 tuổi, khu vực 4, hớn hở: “Vậy là năm nay em lại được dự lễ, được vui chơi tặng quà, vui quá!”. Tấn mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, đang sống với người cô thứ hai là chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt. Chồng chị Nguyệt làm nghề sửa xe đạp, còn chị đi làm mướn, cuộc sống rất khó khăn. Để giúp gia đình chị Nguyệt và cháu Tấn, ngoài chế độ bảo trợ xã hội, các đoàn thể phường còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền, gạo... vào mỗi dịp lễ tết. Không phụ tấm lòng của cô và những người đã chăm lo cho mình, Tấn luôn chăm chỉ học hành, năm lớp 1 Tấn đạt học sinh khá. Ngoài giờ học, Tấn còn giúp cô dọn dẹp để nhà cửa luôn ngăn nắp, gọn gàng.

Để chăm lo cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tại quận Ninh Kiều, nhiều lớp học tình thương đi vào hoạt động hiệu quả, như lớp học tình thương ở Trường Tiểu học Cái Khế 1, lớp học tình thương phường Xuân Khánh... Từ sự dìu dắt của các thầy cô, nhiều lớp học tình thương đã trở thành mái ấm, là điểm tựa của các em.

Chị Vũ Thị Kim Chi, cán bộ chuyên trách công tác DSGĐ&TE phường Xuân Khánh, đồng thời là người dạy và quản lý lớp học tình thương của phường, cho biết: “Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm qua phường luôn duy trì lớp học tình thương để tạo điều kiện cho các em được học hành. Nhiều em có kết quả học rất tốt, được giới thiệu vào các trường tiểu học, THCS để tiếp tục học lên lớp cao hơn”. Chị Chi vẫn nhớ như in những khó khăn trong thời gian đầu mới thành lập lớp. Đa số các em tham gia lớp học có nhiều lứa tuổi, tâm sinh lý khác nhau, có em phải lao động trước tuổi, có em cha mẹ là những người phạm pháp. Sự va chạm, tranh giành công việc để mưu sinh khiến các em chai lỳ, ương bướng, khó dạy. Vào lớp, em thì chửi thề, em thì gác chân lên ghế... Có hôm giận quá, chị lỡ lớn tiếng, lập tức hôm sau học trò không thèm đến lớp! Thế là chị lại phải đến tận nhà tìm, năn nỉ các em đi học lại. “Ngoài việc đứng lớp dạy kiến thức cho các em, chúng tôi còn kết hợp các đoàn thể của địa phương vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em tập sách, quần áo và gạo. Nhờ vậy các em phần nào đỡ vất vả trong cuộc sống”- Chị Chi bộc bạch với chúng tôi như thế.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày hội của thiếu nhi đã đến. Chia tay các CLB “Vì trẻ em”, lớp học tình thương, tôi nhớ mãi nụ cười tươi tắn, rạng ngời của các em và cả những giọt mồ hôi của các cán bộ đoàn thể địa phương khi đi vận động những phần bánh kẹo, quà của cộng đồng để sẻ chia cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Cũng ngay thời điểm này, các thầy cô giáo, các chủ nhiệm CLB, đang tiếp tục đi vận động để bước vào năm học mới các em có được tập sách, quần áo. Hy vọng những nỗ lực đó sẽ chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các em có hoàn cảnh khó khăn ngày được bay cao, bay xa hơn...

Bài, ảnh: SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết