27/08/2023 - 14:07

AI tác động đến ngành công nghiệp âm nhạc 

BẢO LAM (Tổng hợp từ The Guardian,
Hollywoodreporter)

Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh đến ngành công nghiệp âm nhạc. Vấn đề bản quyền liên tục gây nên những tranh cãi và đặt ra thách thức sống còn cho nhân lực trong ngành.

Ca sĩ Drake (trái) phản đối khi phát hiện giọng của anh xuất hiện trong bài hát “Heart on My Sleeve” do AI tạo ra.

Hồi tháng 4-2023, hãng thu âm Universal Music Group đã gửi thông báo cho các dịch vụ phát trực tuyến, như Spotify, Apple... kêu gọi ngăn chặn các công cụ AI lấy giai điệu, lời bài hát từ các ca khúc hiện hành. Hành động này xuất phát từ việc Drake phản ứng dữ dội khi phát hiện giọng của anh xuất hiện trong bài hát “Heart on My Sleeve” do người dùng TikTok sử dụng AI tạo ra. Bài hát này đã gây sốt với hơn 20 triệu lượt nghe và xuất hiện trên nhiều nền tảng: Apple, Spotify, Soundcloud, Deezer… Dù ngay sau phản ứng của Drake và giới chuyên môn, “Heart on My Sleeve” đã bị xóa bỏ trên các nền tảng trực tuyến; nhưng không ai có thể chắc chắn vi phạm bản quyền tương tự sẽ không tiếp diễn.

Giới chuyên môn cho rằng AI không được chấp nhận vì vẫn hoạt động trên cơ chế nhận biết và nhân bản các mẫu có sẵn nằm trong kho cơ sở dữ liệu trên Internet. Tuy nhiên, nếu có một chính sách quy định phù hợp thì AI vẫn được chấp nhận. Do đó, mới đây Google và Universal Music (UMG) bắt tay đàm phán một thỏa thuận về việc cấp phép giọng nói và giai điệu của các nghệ sĩ cho các bài hát do AI tạo ra. Nội dung cuộc đàm phán tập trung các vấn đề: khả năng phát triển một công cụ dành cho người hâm mộ - nơi các cá nhân có thể tạo các bài hát do AI tạo ra nhưng chủ sở hữu bản quyền có liên quan sẽ vẫn được trả bản quyền. Các nghệ sĩ có quyền chọn lựa việc tham gia hay không gia nhập vào quá trình này. Như vậy, khi các nghệ sĩ cho phép Google và Universal Music được sử dụng giọng nói của họ cho các bài hát do AI tạo ra thì sẽ nhận được một phần tiền bản quyền từ những bài hát đó. Tiền bản quyền dựa trên một số yếu tố như: mức độ phổ biến của bài hát, thời lượng sử dụng giọng hát của nghệ sĩ. Ngược lại, thỏa thuận này sẽ cho phép các mô hình AI của Google học hỏi các phong cách thanh nhạc và biểu cảm từ các ca sĩ của Universal Music, đồng thời tạo ra các bài hát mới có âm hưởng tương tự. Thực tế, có không ít nghệ sĩ chấp nhận việc phát triển nhạc do AI tạo ra, điển hình như Grimes cho phép điều đó miễn là nhận được 50% tiền bản quyền.

Thỏa thuận giữa Google và Universal Music được đánh giá là phù hợp với bối cảnh công nghệ hiện tại và nhu cầu của nhiều người. Ðiều này cũng góp phần giải quyết sự tranh cãi trong việc AI thu thập thông tin.

Bên cạnh dựa trên những dữ liệu có sẵn, các công ty công nghệ cũng muốn đưa AI lấn sân như một đơn vị sáng tác, sản xuất thực sự. Cụ thể, công ty Alphabet (công ty mẹ của tập đoàn Google) đã phát triển một công cụ sáng tạo âm nhạc mang tên MusicLM. Theo đó, các nhà phát triển đã huấn luyện AI bằng cơ sở dữ liệu 280.000 giờ âm nhạc, cho phép nó tạo ra các bản nhạc phức tạp với đa dạng thể loại khác nhau. Trong khi đó, Meta cũng đã tung ra AudioCraft. Với AudioCraft, người dùng chỉ cần nhập dữ liệu bằng văn bản, nó có thể tạo ra được giai điệu hoặc âm thanh. Meta cho biết AudioCraft đã được đào tạo từ cơ sở dữ liệu hơn 20.000 giờ âm nhạc mà Meta sở hữu hoặc được cấp phép đặc biệt cho mục đích huấn luyện AI.

Như vậy, sự phát triển của AI buộc các đơn vị trong ngành công nghiệp âm nhạc phải có những phương án, định hướng thích nghi. Robert Kyncl, Giám đốc điều hành của Warner Music Group cho rằng các nghệ sĩ nên cân nhắc khi sử dụng âm nhạc do AI tạo ra và các ca sĩ cần được đảm bảo quyền lợi đó. Còn Lucian Grainge, Giám đốc điều hành của Universal Music Group (UMG), cho rằng xác định nội dung vi phạm bản quyền là một yếu tố quan trọng trong bối cảnh AI phát triển. Do đó, UMG chỉ cấp phép bản quyền cho các doanh nghiệp hợp pháp và mang tính hỗ trợ cho những bên nắm quyền sở hữu bản quyền.

Chia sẻ bài viết