17/05/2019 - 10:06

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019)

60 năm bản hùng ca Trường Sơn 

Trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng tại Hà Nội do Bác Hồ chủ trì vào tháng 1-1959, Đảng ta đã  giao nhiệm vụ cho Quân đội chủ động mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình cách mạng. Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ cho Đoàn Công tác quân sự đặc biệt mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam...

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”

Biên chế ban đầu của Đoàn Công tác quân sự đặc biệt là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng. Đoàn 559 tổ chức tiểu đoàn vận tải đường bộ mang tên 301, gồm 11 đội (9 đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 đội trinh sát bảo vệ, 1 đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ xây dựng kho, bao gói hàng hóa, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm..). Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 bắt đầu khảo sát mở đường vào miền Nam. Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã được đưa đến chiến trường tuyệt đối bí mật, an toàn. Sau 18 tháng làm nhiệm vụ chi viện, Đoàn 559 đã giành được thắng lợi bước đầu: Mở tuyến giao liên, vận tải quân sự trên đường Trường Sơn.

Bộ đội Trường Sơn mở đường cho xe vận chuyển vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường. Ảnh: Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu.

Bộ đội Trường Sơn mở đường cho xe vận chuyển vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường. Ảnh: Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu.

Từ tháng 10-1959, Đoàn 559 phát triển tương đương cấp sư đoàn, đồng thời được Bộ Quốc phòng bổ sung 800 tân binh từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc quân tình nguyện. Năm 1961, Đoàn 559 thực hiện vận chuyển bằng cơ giới để chi viện cho chiến trường. Sau hơn 5 năm, Đoàn 559 đã mở hệ thống đường gùi thồ, đường ô tô dã chiến... dài gần 2.000km; vận chuyển giao cho các chiến trường 2.912 tấn hàng, đưa hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ vào các chiến trường công tác và chiến đấu.

Khi đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá các tuyến đường giao thông Trường Sơn, các đơn vị trên toàn tuyến đã đánh trả địch bằng mọi thứ vũ khí, trên mỗi địa hình, trong mọi thời tiết, đảm bảo giao thông thông suốt. Các binh trạm hoàn thành vượt mức kế hoạch vận chuyển vũ khí, thiết bị và cán bộ, chiến sĩ chi viện kịp thời cho các chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, bộ đội Trường Sơn trực tiếp chiến đấu đã tiêu diệt 839 tên Mỹ, ngụy, bắn rơi 86 máy bay các loại. Nhiều đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND).

Sau khi buộc phải tạm ngừng ném bom miền Bắc, lực lượng quân sự Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã ra sức đánh phá hệ thống giao thông này để ngăn cản bước tiến của bộ đội Trường Sơn. Mặc dù vậy, với quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, những người lính Trường Sơn đã cống hiến tâm lực, xương máu, tuổi xuân của mình để xây dựng, duy trì sức chiến đấu mãnh liệt của đường Hồ Chí Minh dưới mưa bom bão đạn. 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, quân đội Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng nhiều loại máy bay, trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom, đạn các loại - chiếm 50% tổng số bom mà Mỹ đã ném xuống toàn Việt Nam. Ông Phạm Khắc Hòe, cựu thanh niên xung phong, hiện nay sống ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, kể: “Tôi tham gia thanh niên xung ở Trường Sơn từ năm 1971 đến năm 1975, với các nhiệm vụ vận chuyển hàng lên xuống xe, sửa đường, đưa xe qua ngầm... Ngày nào địch cũng dội bom xuống chỗ đơn vị tôi đóng quân. Có hôm, Đại đội của tôi hy sinh 22 người vì trúng bom tọa độ, nhưng hôm sau thì mọi người tạm gác đau thương, tiếp tục làm nhiệm vụ”.

16 năm chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác, bộ đội công binh Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17.000km đường xe cơ giới. Trong đó có 3.140km đường kín đảm bảo xe chạy ban ngày. Lực lượng vận tải với 2 sư đoàn ô tô đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực… chi viện cho các hướng chiến trường. Từ 1973-1975, các đơn vị đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 sư đoàn binh khí, kỹ thuật vào chiến trường. Lực lượng bộ binh ở Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch...

Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Đường Trường Sơn là một biểu tượng nổi bật của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước, và thực sự là một con đường đã nối liền Nam - Bắc ngay từ lúc kẻ thù còn chia cắt đất nước; là biểu tượng của sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh vật chất và kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ, là biểu tượng của mối tình đoàn kết của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia”. “Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, của Quân đội và Nhân dân ta, sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, sẽ tồn tại mãi trong ký ức và trong tình cảm thiêng liêng Nam - Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam ta”.

Nghĩa tình đồng đội 

Giai đoạn 1959-1975, trên tuyến đường Trường Sơn đã có 22.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong bị thương khi tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn, năm 1989, Ban Liên lạc (BLL) Bộ đội Trường Sơn khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận ra đời. Năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập. Hội Truyền thống Trường Sơn -  Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ra đời là cơ hội để các cựu chiến binh Trường Sơn có điều kiện mới trong việc tập hợp, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm với truyền thống lịch sử hào hùng của lớp lớp cha ông đã làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Nữ chiến sĩ tham gia xây dựng đường ống xăng dầu trên đường Trường Sơn. Ảnh: Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu.

Nữ chiến sĩ tham gia xây dựng đường ống xăng dầu trên đường Trường Sơn. Ảnh: Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu.

BLL Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam TP Cần Thơ được thành lập ngày 9-12-2013 với 60 thành viên. BLL là tổ chức xã hội, tập hợp những cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, thanh niên xung phong đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong các đơn vị bộ binh, phòng không, công binh, vận tải, đường ống xăng dầu, thông tin liên lạc, các binh trạm, giao liên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Sau 5 năm hoạt động, các Chi hội đã kết nạp thêm nhiều hội viên mới nâng tổng số hội viên hiện nay là 150 người; trong đó, có 113 nam, 37 nữ. Nhiều hội viên là thương binh, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam dioxin. Các hội viên BLL tuy tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn giữ vững và phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn gương mẫu, tích cực tham gia công tác xã hội và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ góp phần xây dựng cuộc sống và phát triển TP Cần Thơ giàu đẹp. Trong đó, có 62 hội viên đã và đang tham gia công tác Đảng, chính quyền và các đoàn thể tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng.

Theo ông Đặng Hồng Toàn, Trưởng BLL, hiện nay, BLL đã thành lập 6 Chi hội trực thuộc theo địa bàn dân cư để hội viên thuận tiện trong sinh hoạt. Các thành viên trong BLL đoàn kết, thường xuyên trao đổi công việc, phân công nhiệm vụ cụ thể. Các Chi hội, BLL đã cử người tham dự, kịp thời phổ biến văn bản của hội cấp trên, nhất là các chính sách đối với người có công. BLL và các Chi hội rất quan tâm đến đời sống tinh thần của hội viên, động viên thăm hỏi kịp thời hội viên lúc đau yếu hay gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 43 triệu đồng. Hiện nay, BLL đã xây dựng quỹ 156,6 triệu đồng để giúp đỡ các hội viên có khó khăn đột xuất, thăm hỏi hội viên khi ốm đau, qua đời…        

BLL Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, như: Hành trình “Trở lại chiến trường xưa - tri ân đồng đội, “Một hành trình ba quốc gia Việt Nam - Lào - Thái Lan”; thăm các địa danh Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô, đường 20 Quyết thắng, Nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị… Các hội viên còn cung cấp nhiều thông tin về mộ liệt sĩ ở các chiến trường. Kết quả đã tìm kiếm được 9 hài cốt liệt sĩ. Với những thành tích nổi bật, 5 năm qua, BLL đã có 11 tập thể, cá nhân được Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.

BLL Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam TP Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, vận động hội viên hưởng ứng nhắn tin đóng góp vào quỹ “Nghĩa tình Trường Sơn”, tiếp tục quan tâm giúp đỡ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vận động xây dựng nhà cho gia đình hội viên khó khăn về nhà ở.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết