18/12/2017 - 14:31

6 nhóm giải pháp phát triển Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải ở ĐBSCL 

(CTO) - “Vùng ĐBSCL đang có 4 phương thức vận tải chủ yếu: đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không. Việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải sẽ là nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển Logistics và gia tăng giá trị của các mặt hàng thế mạnh của vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL, đất nước” - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật khẳng định tại Hội nghị phát triển Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải khu vực ĐBSCL, tại tỉnh Đồng Tháp sáng 18-12.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể (giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: ANH KHOA

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Trong những năm qua, Trung ương đã ưu tiên nguồn lực đáng kể đầu tư hệ thống kế cấu hạ tầng giao thông cho vùng, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã hoàn thành, nhất là các cầu lớn trong vùng như: cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn giúp hệ thống giao thông vùng thuận lợi. Hoàn thành xây dựng các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng với các nước trên thế giới. Song, phát triển cơ sở hạ tầng của vùng, đặc biệt là logistics trong lĩnh vực hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế.

Do vậy, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến của các đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các địa phương vùng ĐBSCL và TP HCM; các hiệp hội vận tải, logistics, các đơn vị khai thác, kinh doanh hạ tầng, vận tải, dịch vụ logistics đường bộ, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không; các trường Đại học, cao đẳng… Bộ GTVT và các địa phương đặt mục tiêu tận dụng tối đa thế mạnh của khu vực ĐBSCL, thúc đẩy sự phát triển của vùng thông qua việc cải thiện hệ thống logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn 6 nhóm giải pháp lớn để phát triển logistics trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Cụ thể, các nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng kết nối: khả năng đáp ứng nhu cầu của các phương thức vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không đối với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có; nếu chưa đáp ứng đủ cần xem xét đầu tư. Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ vận tải: cần tập trung vào phương thức vận tải nào cho phù hợp với tiềm năng của vùng; vấn đề kết nối các phương thức vận tải; giải quyết những vấn đề trọng tâm để có thể cải thiện được dịch vụ vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không.

Nhóm giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics: hình thành các trung tâm Logistics lớn (tại các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang) nhằm tạo hạ tầng quan trọng để phát triển dịch vụ logistics, góp phần đáp ứng nhu cầu trong tương lai của khu vực nói chung và của ĐBSCL nói riêng.

Nhóm giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giao nhận, dịch vụ logistics: đẩy mạnh việc phát triển các đầu mối vận tải phục vụ dịch logistics và tăng cường kết nối các phương thức vận tải.

Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực: triển khai chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng được nhu cầu của khu vực. Nhóm giải pháp về các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đối với hoạt động của dịch vụ logistics: trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính để khuyến khích, nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết