03/12/2016 - 15:31

6 bệnh nguy hiểm ít biểu hiện nhưng âm thầm hủy hoại sức khỏe

Theo cảnh báo từ các chuyên gia sức khỏe, một số căn bệnh nghiêm trọng thường bị phớt lờ vì ít biểu hiện triệu chứng, hoặc triệu chứng mờ nhạt đến nỗi chúng ta không nhận ra, vô tình để chúng tiến triển và phá hoại sức khỏe. Dưới đây là cách nhận diện và biện pháp phòng ngừa những bệnh này:

Huyết áp cao

Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), gần 50% số người bị huyết áp cao không biết bản thân có bệnh. Chuyên gia tim mạch kiêm phát ngôn viên Hiệp hội Tim Mỹ Mary Bauman cho biết người bệnh thường không để ý bệnh rất lâu cho đến khi xảy ra biến cố, như nhồi máu cơ tim, đột quị hoặc phát triển bệnh thận. "Dù bạn có nhận biết bệnh hay chưa, thì nó cũng đã âm thầm gây tổn thương mạch máu" – bà nói thêm.

Phòng ngừa: Kiểm tra huyết áp 1 lần/năm, ngay cả khi chưa phát hiện yếu tố nguy cơ nào. Nếu có dấu hiệu "tiền tăng huyết áp" (chỉ số huyết áp tâm thu từ 120-129 mmHg và huyết áp tâm trương trong khoảng 80-89 mmHg), bác sĩ sẽ cho lời khuyên thích hợp để điều chỉnh thói quen sinh hoạt, như giảm cân chẳng hạn. Theo nghiên cứu, giảm khoảng 4kg có thể giảm 4,5 đơn vị huyết áp tâm thu.

 

Ngừng thở khi ngủ

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển, ngoài những người thừa cân thì có tới 50% phụ nữ từ 20-70 tuổi cũng mắc chứng ngừng thở khi ngủ. Căn bệnh khiến hơi thở bị gián đoạn trong lúc ngủ này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường típ 2. "Phụ nữ ít khi được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ, thường là do triệu chứng của họ khó phát hiện hơn. Thay vì ngáy to và luôn thấy buồn ngủ vào ban ngày (triệu chứng điển hình), họ thường đau đầu vào buổi sáng, cảm thấy bồn chồn và hơi mệt mỏi – những biểu hiện dễ bị bỏ qua", Phó giáo sư Richard Rose thuộc Khoa Y Đại học California, San Diego (Mỹ) giải thích.

Một triệu chứng khác là mất ngủ. Ví dụ, một số phụ nữ giật mình thức giấc vào nửa đêm, do hơi thở bị gián đoạn đẩy họ vào trạng thái bị đánh thức mạnh mẽ.

Phòng ngừa: Hãy gặp bác sĩ chuyên khoa khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Họ sẽ giúp bạn tầm soát bằng cách đo nhịp tim, nhịp thở và nồng độ ôxy trong máu. Nếu có bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) dùng kèm với một mặt nạ hỗ trợ hô hấp khi ngủ.

Tăng nhãn áp

Đây là căn bệnh cướp đi thị lực bằng cách làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Bác sĩ nhãn khoa Joel Schuman ở Trung tâm Y khoa thuộc Đại học New York cảnh báo, bệnh có thể diễn tiến chậm nên bệnh nhân thường không cảm thấy bị giảm thị lực, cho đến khi nó chuyển sang giai đoạn toàn phát.

 

Tuy vậy, vẫn có một số manh mối giúp nhận diện bệnh là hay bị vấp khi đi trên lề đường hoặc lên xuống bậc thang, dễ va vào đồ vật như ly và vách kính do mất khả năng cảm nhận chiều sâu không gian. Bạn cũng có thể gặp vấn đề khi lái xe vào ban đêm, do khả năng phân biệt hoàn cảnh hơi sáng hoặc hơi tối suy giảm.

Phòng ngừa: Theo Viện Nhãn khoa Mỹ, chúng ta nên tầm soát bệnh tăng nhãn áp từ tuổi 40, sau đó tùy yếu tố nguy cơ mà kiểm tra định kỳ 2-4 năm/lần. Những người từ 65 trở lên nên kiểm tra hàng năm.

Tiểu đường

 

Theo chuyên gia Bauman, những người mắc bệnh này có mức đường huyết bất thường trong một thời gian nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào, trong khi các dấu hiệu rất nhỏ như khô miệng, luôn thấy khát, đi tiểu nhiều, nhìn mờ dễ bị bỏ qua do người bệnh tưởng đó là vì họ đang mệt hoặc căng thẳng thần kinh.

Một dấu hiệu cảnh báo khác là bệnh nhân tiểu đường có thể mắc bệnh gai đen (những mảng da màu nâu hoặc đen xuất hiện ở gáy hoặc những vùng da dưới cánh tay hoặc háng). Lúc này, tuy chưa có triệu chứng rõ ràng để kết luận mắc bệnh tiểu đường nhưng cơ thể họ đã bắt đầu sản xuất insulin nhiều hơn bình thường.

Phòng ngừa: Tầm soát tiểu đường định kỳ 3 năm/lần sau tuổi 45. Riêng những người thừa cân và có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao hay cholesterol cao thì nên tầm soát bệnh thường xuyên hơn.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Theo tổ chức phi chính phủ PCOS Foundation, khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (20-30 tuổi) bị PCOS – tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hoóc-môn sinh dục nam, cản trở quá trình rụng trứng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường típ 2. Bác sĩ David Keefe thuộc Trung tâm Y khoa Langone Đại học New York cho biết, việc chẩn đoán PCOS có thể bị bỏ sót trong nhiều năm, đặc biệt ở những người đang dùng thuốc ngừa thai, và chỉ được phát hiện khi họ muốn mang thai mà không được. Trong khi một nửa số chị em mắc bệnh sẽ bệnh tiền tiểu đường hoặc tiểu đường đáng lo ngại là chưa tới 50% bệnh nhân được chẩn bệnh kịp thời, trong khi PCOS là yếu tố nguy cơ khiến chị em phát triển bệnh tiểu đường trước tuổi 40, bên cạnh các bệnh như huyết áp cao, ngừng thở khi ngủ, cholesterol cao và ung thư màng trong dạ con.

 

Phòng ngừa: Gặp bác sĩ chuyên khoa để tầm soát PCOS, thông qua các biện pháp siêu âm, xét nghiệm máu và kiểm tra đường huyết. Chị em cũng cần lưu ý các triệu chứng điển hình như kinh nguyệt không đều, nổi mụn, mọc nhiều lông trên mặt và cơ thể, rụng tóc. Tin tốt là có thể kiểm soát PCOS bằng thuốc và thay đổi lối sống.

Ung thư phổi

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả hai giới nhưng bệnh hoàn toàn không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Chuyên gia ung thư phổi Nasser Hanna tại Đại học Indiana (Mỹ) cho biết, các dấu hiệu chỉ xuất hiện rõ rệt khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, khi nguy cơ tử vong ở mức cao.

 

Phòng ngừa: Những người trên 55 tuổi từng hút hoặc đang hút thuốc (trên 30 năm) nên chụp CT phổi hằng năm, bởi cách này được chứng mình giúp giảm 20% nguy cơ tử vong vì ung thư phổi. Với người chưa từng hút thuốc, nếu bị ho khan suốt 2 tuần mà không hết hoặc đột nhiên thở khò khè, đau ngực, thở gấp, khản giọng thì nên cân nhắc tầm soát bệnh.

AN NHIÊN (Theo Prevention)

Chia sẻ bài viết