02/03/2023 - 14:35

5 lý do rớt phỏng vấn xin việc dù có học vấn tốt 

Học vấn là nền tảng quan trọng để làm được việc. Tuy nhiên đây không phải là cơ sở duy nhất để nhà tuyển dụng chấp nhận ứng viên. Bên cạnh trình độ học vấn chuyên môn thì các yếu tố như kinh nghiệm, kỹ năng và thái độ quan trọng không kém quyết định thành công của bạn. 5 lý do sau đây khiến bạn thất bại ngay trong vòng phỏng vấn xin việc vì không “được lòng” nhà tuyển dụng.

Bạn thiếu kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương

Hiện nay có rất nhiều công ty có nhiều job online và sẵn sàng tuyển dụng nhân viên chưa có kinh nghiệm. Có thể do đặc thù công việc không cần đến kinh nghiệm hoặc họ có tổ chức các khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng cho nhân viên mới trước khi sử dụng vào làm việc chính thức. Còn lại hầu hết các vị trí tuyển dụng đều đánh giá cao những ứng viên có kinh nghiệm bên cạnh yếu tố học vấn.

Thực tế nếu ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương thì khả năng cạnh tranh cao hơn. Muốn thành công ở những công ty lớn, bạn nên bắt đầu tích lũy quá trình làm thêm, (làm partime) cũng như làm chính thức công việc đúng chuyên ngành của mình trước (có thể bắt đầu ở công ty rất nhỏ). Đó sẽ là kinh nghiệm làm việc quý giá giúp bạn làm nền tảng khi muốn tìm kiếm cơ hội công việc tốt hơn như mong đợi.

Các kỹ năng mềm còn yếu

Khi bạn có trình độ học vấn tốt, đáp ứng tiêu chí tuyển dụng, để được đánh giá cao và ghi điểm với nhà tuyển dụng bạn còn cần nhiều yếu tố, trong có việc giỏi các kỹ năng mềm.

Một số kỹ năng mềm bao gồm: kỹ năng giao tiếp; làm việc nhóm; lập kế hoạch; thích nghi, học hỏi; ra quyết định… Giỏi các kỹ năng mềm sẽ giúp bạn làm tốt công việc và giữ vững được các mối quan hệ đồng nghiệp, đối tác, khách hàng... Môi trường làm việc đòi hỏi mỗi người phải phát huy được năng lực của mình một cách linh hoạt tùy theo đặc tính công việc. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng đánh giá cao kỹ năng mềm của ứng viên.

Bạn thiếu cá tính

Sẽ như thế nào nếu như nhà tuyển dụng tiếp xúc với rất nhiều ứng viên và bạn cũng “một màu nhạt nhòa” không có gì đặc biệt? Tất nhiên bạn cũng sẽ bị xếp trong số đông đó. Vậy làm thế nào để tạo được ấn tượng nổi bật chinh phục nhà tuyển dụng?

Lời khuyên là đừng đưa ra các câu trả lời chung chung, rập khuôn và quá “an toàn”. Để làm được điều này, trước khi tham dự buổi phỏng vấn xin việc bạn nên tìm hiểu sâu về công ty, về vị trí tuyển dụng, đặc tính sản phẩm, dịch vụ, phân khúc khách hàng, đối thủ cạnh tranh… để từ đó đưa ra những câu trả lời sâu sắc, thực tế nhất. Cũng đừng quên đề cập đến những ưu thế đặc biệt của bản thân giúp ích cho công việc

Thái độ tiêu cực, thiếu năng lượng

Những người làm công việc tuyển dụng nhân sự cho biết thái độ của ứng viên là yếu tố quan trọng quyết định việc họ có được nhận cơ hội hay không. Một ứng viên có thái độ tiêu cực sẽ làm cho chính bản thân họ giảm đi nguồn năng lượng với công việc.

Một số biểu hiện như: “Tôi không thích làm việc tăng ca; Tôi e ngại nếu làm về quá trễ; Nếu công ty không nghỉ ngày thứ bảy thì rất chán; Ở công ty cũ tôi chẳng bao giờ phải mất thời gian đi even với công ty sau giờ làm…”. Tất cả những đề cập này cho thấy bạn thiếu đi nguồn năng lượng, nhiệt huyết với công việc. Hơn thế thái độ tiêu cực này có thể sẽ giảm sút năng suất làm việc của chính bạn cũng như tới tinh thần của những đồng nghiệp khác.

Bạn quá tự tin về bản thân hoặc quá rụt rè

Cuộc phỏng vấn xin việc là sự gặp mặt và đánh giá từ hai phía: Đơn vị tuyển dụng và người tìm việc. Trong đó ứng viên bị “soi xét” từng cử chỉ, hành động và thái độ.

Có hai tuýp ứng viên “không được lòng” nhà tuyển dụng, đó là quá tự tin và quá rụt rè. Tự tin là rất tốt, nhưng khi đang đối mặt với phỏng vấn viên bạn không nên tự tin thái quá vì sẽ dễ dẫn đến tự kiêu. Tất nhiên thái độ này sẽ làm cho đối phương khó chịu vì dù sao bạn cũng mới chỉ là ứng viên, hơn nữa không ai có thiện cảm với người quá tự tin vào bản thân. Ngược lại, quá rụt rè cũng là vật cản khi đi làm. Do đó bạn nên dung hòa hai điểm yếu này để trở thành điểm mạnh, đó là một người vừa tự tin, vừa khiêm tốn.

Một nhân viên có năng lực giỏi thì học vấn tốt thôi chưa đủ, bạn cần hội tụ các kỹ năng, tư duy và thái độ làm việc. Hy vọng những thông tin hữu ích trên giúp bạn tham khảo, áp dụng để chinh phục nhà tuyển dụng, vượt qua vòng phỏng vấn xin việc suôn sẻ để có cơ hội làm được công việc mình mong muốn.

Đặng Hảo

Chia sẻ bài viết