28/08/2014 - 20:03

5 công nghệ nhận dạng sinh trắc học đáng chú ý

Công nghệ nhận dạng bằng đặc điểm sinh trắc học – như quét dấu vân tay, mống mắt – hiện đã được áp dụng tại một số sân bay Mỹ để đẩy nhanh tốc độ kiểm tra an ninh. Ngày nay, công nghệ này càng trở nên tân tiến hơn, với các thiết bị có khả năng nhận dạng mỗi cá nhân bằng chính tĩnh mạch, sóng não và thậm chí là mùi cơ thể của họ…

Mùi cơ thể rất đáng tin cậy

Lấy cảm hứng từ khả năng phân biệt mùi cơ thể người của những con chó, các nhà khoa học mong muốn tạo ra loại cảm biến hoạt động giống như mũi của chúng. Từ năm 2009, các chuyên gia tại Đại học Kỹ thuật Madrid (Tây Ban Nha) bắt đầu hợp tác với công ty tư vấn công nghệ Ilía Sistemas để phát triển công nghệ nhận dạng cá nhân dựa trên các kiểu mùi hóa chất của cơ thể.

Mục tiêu chính của dự án sinh trắc học này là kết hợp sử dụng cách nhận dạng mùi hương với phương pháp quét dấu vân tay, mống mắt nhằm tăng tỷ lệ nhận dạng chính xác, đồng thời giảm nguy cơ gian lận trong khâu kiểm soát tại các cửa khẩu. Kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống đạt tỷ lệ nhận dạng chính xác lên tới 85%. Hiện tại, công nghệ này đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Nhận diện dựa vào điện thoại cá nhân

Sau sự kiện chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị phanh phui, Hristo Bojinov – nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ) – đã có một khám phá thú vị, đó là các cảm biến trong điện thoại không hoàn hảo. Vì vậy, Bojinov và cộng sự đã phối hợp với Phòng thí nghiệm An ninh Stanford tạo ra một chương trình máy tính có thể tìm ra những lỗi nhỏ xíu trong các gia tốc kế và mi-crô của điện thoại thông minh. Khi chạy thử, chương trình đã nhận diện thành công dấu tích của hơn chục chiếc điện thoại.

Cùng thời gian này, các kỹ sư tại Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức) đã phát triển một phương pháp theo dõi dựa trên các phát hiện mới cho rằng các tín hiệu vô tuyến của mỗi chiếc điện thoại chứa một "dấu hiệu kỹ thuật số" độc nhất. Họ tin tưởng công nghệ nhận dạng bằng tín hiệu vô tuyến có thể giúp truy lùng ngay cả những tên tội phạm đã vứt bỏ SIM điện thoại, sử dụng số thuê bao trả trước hoặc đốt điện thoại để che giấu tung tích.

Mở khóa bằng nhịp tim

 

Thay vì phải nhập một chuỗi mật khẩu phức tạp hoặc sử dụng kiểu quét màn hình đặc trưng để mở khóa, vòng tay Nymi (ảnh) sử dụng nhịp tim để nhận diện. Sản phẩm do hãng Bionym (Canada) phát triển nhận diện bằng cách sử dụng các thuật toán để đọc kiểu sóng trong điện tâm đồ (ECG) vốn chỉ thể hiện hoạt động điện tim đặc trưng của từng người. Một khi đã xác nhận người đeo, Nymi sẽ gửi kết quả dưới dạng một dãy số qua sóng Bluetooth tới các thiết bị thông minh (như điện thoại, máy tính, xe cộ và thậm chí là cửa phòng khách sạn) để mở khóa.

Theo kết quả thử nghiệm trên hơn 1.000 người, công nghệ nhận dạng ECG của Bionym đạt độ chính xác cao hơn so với công nghệ nhận dạng bằng khuôn mặt.

Thanh toán bằng cách quét tĩnh mạch

BiyoWallet (tên gọi ban đầu PulseWallet) là mẫu máy thiết kế riêng cho các nhà bán lẻ nhằm giúp họ nhận dạng khách hàng bằng cách quét nhanh các mạch máu. Khi sử dụng, người khách chỉ việc đặt lòng bàn tay lên một màn hình nhỏ phía trên BiyoWallet để máy tiến hành quét tĩnh mạch. Một khi đã xác nhận danh tính, máy sẽ tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng của khách.

Tuy nhiên, người dùng cần đăng ký một tài khoản cá nhân trước khi sử dụng máy, cho phép họ đặt hàng và theo dõi việc mua sắm của bản thân. Theo công ty phát triển BiyoWallet, mục đích của công nghệ thanh toán sinh trắc học này nhằm là tạo ra một mạng lưới thanh toán giúp giảm bớt hành vi gian lận và ăn trộm danh tính, đồng thời giúp người tiêu dùng bảo vệ an toàn tài khoản ngân hàng.

Suy nghĩ

 

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia tại Đại học California ở Berkeley (Mỹ), cách xác nhận danh tính dựa vào các đặc điểm sinh trắc học như mống mắt, khuôn mặt và giọng nói dù an toàn nhưng khá tốn kém. Do đó, giáo sư John Chuang và các cộng sự tại Khoa Thông tin đã thử nghiệm phương pháp nhận dạng bằng cách đọc sóng não.

Họ đã phát triển "NeuroSky MindWave" (ảnh) - một tai nghe không dây có chứa các cảm biến sinh học để đọc dữ liệu điện não đồ (EEG) khi áp lên vùng trán. Sau khi yêu cầu người tham gia thực hiện những nhiệm vụ khác nhau bằng suy nghĩ (như tập trung vào hơi thở hoặc tưởng tượng ngón tay di chuyển lên xuống) trong khi đeo tai nghe này. Nhóm nghiên cứu nhận thấy dữ liệu điện não đồ từ chính "những suy nghĩ thoáng qua đầu" đủ để xác nhận danh tính của một người. Họ kết luận rằng các tín hiệu sóng não từ tai nghe có thể giúp xác nhận người đeo nó với độ chính xác cao.

AN NHIÊN (Theo Live Science)

Chia sẻ bài viết