22/07/2008 - 15:19

37 hộ dân (ở phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) ổn cư nhiều năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Trách nhiệm thuộc về ai?

Ổn cư mấy chục năm liền, 37 hộ dân (ở khu vực Rạch Sung, phường Thới Long, quận Ô Môn) nhiều lần làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Nhưng nhiều năm trôi qua, yêu cầu của người dân vẫn chưa được chính quyền địa phương và các ngành chức năng xem xét, giải quyết dứt điểm. Vì sao như vậy?

* Đùn đẩy!

Khoảng cuối năm 2005, 37 hộ dân ở khu vực Rạch Sung, phường Thới Long làm thủ tục xin tách quyền sử dụng đất (QSDĐ), thuộc thửa số 39, tờ bản đồ số 06, diện tích 5.498m2 đất. Phần đất này, trước đây do bà Trịnh Chi kê khai, bao trùm và được cấp giấy CNQSDĐ. Từ đó cho đến nay, yêu cầu của người dân vẫn chưa được chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương giải quyết dứt điểm. Bức xúc trước tình trạng này, bà con đã có đơn khiếu nại, yêu cầu chính quyền địa phương thu hồi giấy CNQSDĐ đã cấp cho gia đình bà Trịnh Chi, đồng thời, cấp lại QSDĐ cho 37 hộ dân theo diện tích thực tế...

Được biết, trong thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở quận Ô Môn đã nhiều lần đưa vụ việc ra giải quyết. Nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ, còn nhiều tranh cãi xung quanh thẩm quyền giải quyết. Cụ thể: Ngày 14-3-2008, bà Lê Thị Thu Hà, Chánh án TAND quận Ô Môn có Công văn số 06/2008/CV.TAQ cho rằng: Yêu cầu của các đương sự thuộc trường hợp quy định tại Nghị định 84/2007/NĐ-CP (ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy CNQSDĐ, thu hồi đất, thực hiện QSDĐ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai). Do đó, các đương sự phải nộp hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ theo thủ tục hành chính, không thuộc trường hợp khởi kiện tại tòa án. Vì những lẽ trên, TAND quận Ô Môn chuyển đơn và các tài liệu kèm theo của các đương sự đến UBND phường Thới Long, quận Ô Môn giải quyết theo thẩm quyền. Nhưng, ba tháng sau, ông Dương Duy Hiệp, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Ô Môn, có Công văn số 425/TNMT ngày 17-6-2008, lại cho rằng: “Căn cứ khoản 1, Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, tranh chấp về QSDĐ mà đương sự có giấy CNQSDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết. Do đó, trường hợp xin cấp giấy CNQSDĐ của 37 hộ dân thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận Ô Môn. Nay, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Ô Môn chuyển toàn bộ hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của 37 hộ dân đến UBND phường Thới Long hướng dẫn các đương sự nộp đơn khởi kiện đến TAND quận”.


* Thẩm quyền giải quyết thuộc về ai?


Đó là vấn đề mà các hộ dân đặt ra, khi tiếp xúc với chúng tôi. Ông Lê Văn Nam, một trong số 37 hộ dân, bức xúc nói: “Chúng tôi là dân nghèo, không rành về những quy định pháp luật. Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở quận Ô Môn lại đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Vậy chúng tôi biết liên hệ ở đâu? Và vụ việc này, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?”.

37 hộ dân ở khu vực Rạch Sung, phường Thới Long  đã ổn cư trên thửa đất 39  trong mấy chục năm liền. 

Các tài liệu có trong hồ sơ pháp lý cho thấy: Phần đất mà 37 hộ dân xin cấp giấy CNQSDĐ, trước đây có nguồn gốc do ông Lê Nhựt Tân sử dụng. Sau đó, ông Tân bán lại cho một người Ấn Độ (không rõ họ tên). Đến năm 1937, người này bán lại cho ông Trần Hí, diện tích trên 1 mẫu, giá bán khoảng 1.000 đồng. Diện tích đất trước khi ông Hí mua thì đã có một số tá điền cất nhà ở và sinh sống trên phần đất này. Hàng năm, các hộ dân này đều nộp tiền thuê đất cho ông Hí. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), các hộ dân này không nộp tiền thuê đất cho gia đình ông Hí mà chuyển sang làm nghĩa vụ thuế cho Nhà nước và ổn cư cho đến nay. Năm 1991, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hậu Giang (cũ) tiến hành đo đạc, thiết lập hồ sơ địa chính và cấp giấy CNQSDĐ số 00274 ngày 31-7-1991 cho hộ bà Trịnh Chi (vợ ông Hí), bao trùm lên cả phần đất 37 hộ dân hiện đang sử dụng. Sau đó, bà Trịnh Chi chuyển quyền thừa kế cho con trai là ông Trần Tiên đứng tên QSDĐ tại thửa 39, có tổng diện tích 5.498m2.

Theo Công văn số 01/UB do ông Lý Hữu Hồ, nguyên Chủ tịch UBND quận Ô Môn, ký ngày 5-1-2005 thì “thực tế thửa đất 39 hiện tại có 37 hộ dân đang sử dụng, cất nhà ở ổn định trên 50 năm, nay lại thay đổi mục đích sử dụng từ đất thổ cư (5.498m2) sang lâu năm khác là hoàn toàn sai với quy định của Nhà nước, cần phải thu hồi diện tích điều chỉnh cho đúng thực tế đất sử dụng. Hơn nữa, trình tự thủ tục cấp giấy CNQSDĐ cho bà Trịnh Chi, sau đó chuyển quyền thừa kế cho con là ông Trần Tiên là không đúng với quy định tại khoản 5, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND phường Thới Long, kiến nghị: “Theo tinh thần Công văn số 01/UB ngày 5-1-2005 của UBND quận Ô Môn, việc chuyển QSDĐ cho ông Trần Tiên, con bà Trịnh Chi thừa kế và chuyển đổi mục đích sử dụng thửa 39 từ đất ở đô thị sang đất cây lâu năm là không đúng thực tế và không đúng với quy định của Nhà nước. Xét yêu cầu xin cấp giấy CNQSDĐ của 37 hộ dân có quá trình ở và sử dụng lâu đời trên thửa đất 39 là phù hợp với tinh thần Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 84/2007/NĐ-CP. Vì thế, chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND quận, Thanh tra quận và Văn phòng Đăng ký QSDĐ quận Ô Môn xem xét, thu hồi để điều chỉnh đúng mục đích sử dụng và tách thửa số 39 để xét cấp giấy CNQSDĐ cho 37 hộ trên cơ sở đo đạt thực tế”.

Tại khoản 2 và 3 Điều 21 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP (ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy CNQSDĐ, thu hồi đất, thực hiện QSDĐ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai) có quy định về việc thu hồi giấy CNQSDĐ đã cấp trái pháp luật. Theo đó, cơ quan, tổ chức, công dân phát hiện giấy CNQSDĐ đã cấp trái pháp luật thì gởi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan Nhà nước đã cấp giấy CNQSDĐ. Sau đó, UBND cấp huyện sẽ có văn bản giao Thanh tra cùng cấp tiến hành xác minh, làm rõ. Nếu qua thẩm tra có kết luận là giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan Nhà nước đã cấp giấy CNQSDĐ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.

Như vậy về cơ bản, gút mắt của vấn đề đã được làm rõ. Rõ ràng là cơ quan chức năng có sai sót trong việc cấp giấy CNQSDĐ cho bà Trịnh Chi, dẫn đến khiếu nại dai dẳng của 37 hộ dân ở khu vực Rạch Sung. Vì vậy theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phải chủ động phối hợp bàn hướng giải quyết dứt điểm vụ việc này, thể hiện đúng tinh thần: Nhìn thẳng sự thật và sửa sai khi để xảy ra sai sót. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần hạn chế các vụ khiếu nại đông người, kéo dài nhiều năm.

Nhóm PV XH- PL

Chia sẻ bài viết