12/07/2021 - 13:16

30 năm “chở quê lên phố” 

Ở chân cầu Hưng Lợi (quận Ninh Kiều), có một điểm bán dừa nước. Ðặc sản quê được bày bán giữa lòng phố thu hút nhiều người tìm đến. Ðó cũng là nghề mưu sinh suốt 30 năm qua của một đại gia đình chọn Cần Thơ lập nghiệp.

Bà Hòa bán dừa nước cho khách.

Dừa nước phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, nhất là các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang... Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những rẫy dừa nước mênh mông, bạt ngàn chạy dọc theo sông rạch miền Tây. Lá dừa nước dùng để lợp nhà, sóng lá dùng để chằm lá hoặc làm củi. Riêng trái dừa nước là một món ăn dân dã, từ món “ăn chơi” của người nhà quê nay là đặc sản ở phố thị. Trái dừa nước khi vừa ăn được chẻ ra, lấy muỗng múc ruột (cơm) để ăn. Cơm dừa nước có thể ăn ngay cũng rất ngon nhưng ngon hơn nữa là pha thêm ít đường, cho thêm đá lạnh. Kỳ công hơn, cơm dừa nước dùng để nấu chè, làm nên một món ăn đặc biệt. Dừa nước vì vậy mà được nhiều người ưa chuộng.

Bà Võ Thị Kim Hòa (60 tuổi) là người chủ công trong đại gia đình bán dừa nước ở Cần Thơ bây giờ. Nhiều chỗ bán dừa nước ở chân cầu Hưng Lợi, đường 3 Tháng 2, đường Nguyễn Văn Cừ... đều do các con bà bán. Bà Hòa kể, quê bà ở Long Mỹ, Hậu Giang, lớn lên từ những đám dừa nước bạt ngàn bên bờ kinh nhỏ. Rồi bà lấy chồng, các con lần lượt ra đời nhưng ở quê không có đất canh tác, cảnh nghèo bủa vây nên vợ chồng, con cái đùm túm trên chiếc ghe nhỏ, rời quê lên Cần Thơ lập nghiệp. Không có nghề, lại không có vốn, bà Hòa đi bẻ mớ rau, chồng đi bắt cá, ốc bán đắp đổi qua ngày. Rồi bà tình cờ thấy ghe lái chở dừa nước bán. Bà ngoắc lại để tìm hiểu và quyết định mua để chẻ bán. Cái nghề “chở quê lên phố” bắt đầu từ đó, đến nay đã ngót nghét 30 năm.

Chồng qua đời, bà Hòa cùng 6 người con cũng sống bằng nghề chẻ dừa nước bán. Bây giờ, ngoài bà Hòa còn có 5 người con, dâu, rể theo nghề này. Chị Trần Thị Ngọc Giàu, con dâu thứ hai của bà Hòa, cho biết: Lúc vợ chồng mới cưới nhau về không biết làm gì, mẹ truyền cho cái nghề rồi nhường lại chỗ cho bán. Nghề này không giàu có gì nhưng đủ ăn, thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Bạch Nhạn, con rể thứ ba của bà Hòa thì bán ở chân cầu Hưng Lợi phía bờ quận Cái Răng, với quy mô khá lớn. Ðể phục vụ nhu cầu thị trường, anh Nhạn còn thuê nhân công địa phương ở các khâu chẻ và múc cơm dừa nước. Mỗi người một công đoạn, thoăn thoắt đều tay để kịp có sản phẩm bán cho khách.

Bà Kim Hòa cho biết, dừa nước quầy được bà mua từ các thương lái từ miệt Cầu Kè (Trà Vinh), Long Phú, Ðại Ngãi (Sóc Trăng). Trung bình, 100 quầy dừa nước được mua giá 1,1 triệu đồng, bỏ công chẻ, bán ra được khoảng 2 triệu đồng. Lúc bán đắt hàng thì khoảng 3 ngày, chậm thì 4-5 ngày. Với thu nhập như thế thì không nhiều nhưng có thể trang trải cuộc sống bình dân của các gia đình nhỏ. Trong năm, những tháng mùa hạn nhiều khi dừa nước “cháy hàng” nhưng tới mùa mưa dầm như hiện tại, dừa nước rất nhiều mà lại ngon.

30 năm gắn bó với trái dừa nước, bà Hòa chỉ cần nhìn thôi đã biết quầy dừa nước nào vừa ăn hoặc đã cứng cạy, hoặc còn non. Bàn tay thô sần, lấm lem nhựa dừa nước của bà Hòa và các con cho thấy thâm niên của mọi người. Ðộng lực khiến bà Hòa và các con gắn bó với trái dừa nước còn ở tình cảm của khách mua hàng. “Nhiều người thấy mình bán dừa nước thích lắm, họ nói nhớ quê hương. Nhiều người còn nói nhờ mình mà được ăn món của ngày xưa. Nghe họ nói vậy mình rất vui”, bà Hòa kể.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết