29/06/2022 - 09:06

1C - con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương sáu mươi hai

TIẾNG HÁT MO SO

 

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Chú Long dẫn đội bảo vệ sục sạo theo dấu của những tên cướp người. Trong doanh trại nhận được báo cáo sự việc xảy ra, đã ra lệnh gọi các cô vào trình bày đầu đuôi sự việc. Nghe xong, chú Bảy Bình kết luận:

- Mấy bữa rày có một đám thanh niên địa phương cứ theo mấy đứa con gái của mình với thái độ dòm ngó và thầm thì lẩn lút. Xứ này có phong tục vác con gái nhà người lúc họ đi tắm, đi tiểu, đem về làm vợ. Không chịu thì nó nhốt trong nhà kho, trong buồng tối cho đến chết. Nó cưỡng hiếp phải ưng nó làm chồng thời mới sống được. Nhưng cũng phải nói nó chiều lụy, năn nỉ để thuyết phục cho cô gái bị nó vác ưng thuận nó. Hai cô gái của ta coi như mất tích. Và đó là một trong những trường hợp hy sinh của người nữ chiến binh thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C huyền thoại.

Nghe chú Bảy Bình là người am hiểu phong tục tập quán xứ bạn, chú Tư Khánh và chú Bảy Lúa cùng tất cả cán bộ chiến sĩ trong doanh trại rất buồn. Ðang bàn tính làm sao để tìm cứu hai nữ đồng đội thân yêu của mình, thì đội bảo vệ về tới. Chú Long:

- Báo cáo các đồng chí, chúng tôi theo dấu, thấy bọn này vác người của ta vào hướng sóc Pị Chơn. Nhưng đi đến cuối con đường thì không thể nhìn được vết chân trên cát nữa. Chúng tôi quay về để xin ý kiến của Ban chỉ huy.

Chú Tư Khánh:

- Tôi đề nghị các đồng chí phân công tôi đến gặp Xã ủy và Ban chỉ huy Xã Ðội của bạn. Ðề nghị họ có cách truy lùng kẻ cướp người, để trả lại cho đơn vị ta.

Chú Bảy Bình:

- Anh Tư nói đúng, tôi xin đi để làm thông dịch. Ði ngay bây giờ vì để trễ, coi như các cháu của ta đêm nay không còn nguyên vẹn. Mình chịu trách nhiệm thế nào với gia đình và với các cháu đây?

Hai chú được tập thể Ban chỉ huy nhất trí phương án trên. Nhưng hai chú cùng đội bảo vệ và chánh quyền, Ðảng bộ địa phương bạn đi lục tìm mấy phum sóc chung quanh cho tới sáng, và từ sáng truy tìm tiếp tục cho tới trưa cũng không moi ra được tông tích gì. Hai nữ chiến sĩ thanh niên xung phong Tiến và Hiền từ bấy giờ mất tích…

Chú Long:

- Con Hiền mất tích, không biết ta phải báo tin về địa phương và gia đình thế nào? Nó cũng như Kim Lài, như Tám Hoa, từ hôn, trả sính lễ cho đàn trai để đi tòng quân vào thanh niên xung phong lên tuyến đường 1C ác liệt này. Mấy năm vận chuyển vũ khí đầy gian nan vất vả, hai lần bị thương mà vẫn không sao. Không ngờ nay lại mất tích - còn đau đớn hơn hy sinh để đồng đội được làm lễ truy điệu và có thơ báo tử cho gia đình và địa phương làm chánh sách liệt sĩ.

Nghe chú Long thốt những lời như vậy, mấy cô lặng lẽ nghẹn ngào. Chú Tư Khánh là một cán bộ thông minh hoạt bát. Nhưng gặp trường hợp này chú cũng không nói nên lời. Ngồi trầm ngâm một lát, chú Tư ngước lên tâm tình với hai chú Bảy:

- Tôi nói cho hai đồng chí thông cảm, cháu Tiến và cháu Hiền đều có người yêu. Tiến thì yêu Ðịnh, còn Hiền thì yêu Long nhưng còn trong vòng cam kết thực hiện “ba khoan” với Ban Chỉ huy Liên đội, nên các cháu dẹp chuyện yêu đương qua một bên để hy sinh việc riêng, dồn sức cho việc chung thắng lợi. Vậy mà nay hai cháu lâm vào cảnh rủi ro, thật thương hết sức. Nó như con gái của anh em mình sinh ra vậy thôi!

Chú Bảy Bình:

- Tôi thật rất ân hận. Hồi chiều anh Bảy Lúa đã bố trí cho đội bảo vệ ra phục kích canh chừng đám con gái xuống đìa tắm. Nhưng vì đám con trai ra sớm quá, đám con gái ngó thấy, nó mắc cỡ, đuổi đám con trai vác súng về, về chưa khỏi cầu thì có tiếng la.

Chú Bảy Lúa:

- Mình nghĩ cũng tức. Tôi linh cảm thấy có chuyện gì xảy ra cho các cháu nên mới bố trí cho tổ bảo vệ đi gác cho nó tắm. Vậy mà mình cũng sơ hở để chuyện xảy ra. Giờ biết tính sao, không lẽ cam chịu để mất 2 đứa con gái thương yêu của mình như vậy?

Chú Tư Khánh:

- Ta đã kiếm khắp chỗ và khai thác mọi cách rồi. Giờ tìm nữa thì gây nguy hiểm cho sinh mạng các cháu. Bọn này dựa vào hủ tục của địa phương, đi vác gái đẹp về làm vợ, đơn giản thế thôi, mà gây khó khăn cho chúng ta quá lớn. Tôi nghĩ làm cách mạng, cũng như đánh giặc, có những việc ta phải cam chịu. Người xưa có câu “Kiến dĩ thất giả thận, tương thất ố kỳ tích giả dự tỵ chi”, nghĩa là xem việc đã thất bại để mà thận trọng, thấy việc sắp thất bại thì phải sợ giẫm vết chân mà lo tránh trước đi. Vậy việc thất bại rồi, ta rút bài học kinh nghiệm mà thận trọng để bảo vệ các cháu gái đang còn lại bên ta…

Ðêm đó chú Sáu Phước từ bên kia biên giới vừa về tới. Nghe chuyện bốn cháu gái của mình bị kẻ thất phu bất ngờ vác chạy, hai cháu tự giải thoát, còn hai cháu mất tích, chú Sáu buồn, sau khi mọi người đã lên sạp, hoặc treo võng nằm yên, tiếng sáo trúc của chú Sáu lại vi vút trong không gian buồn lặng. Ðàn gà từ trong sóc như cảm thông nỗi lòng của chú, cất lên tiếng gáy đồng cảm cùng tiếng sáo…

(Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết