Nguyễn Ngọc
Lịch sử nước ta có phong trào "Xếp bút nghiên" của sinh viên Nam kỳ những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Họ truyền ngọn lửa yêu nước qua những hoạt động, những hành khúc bất hủ.
Từ phong trào học sinh yêu nước
Năm 1935, trại trường trung học Pétrus Ký, Sài Gòn có cuộc hội ngộ giữa Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ (Cần Thơ); Huỳnh Văn Tiểng (Sài Gòn), Trần Văn Khê (Mỹ Tho)
Họ hoạt động sôi nổi trong phong trào dân chủ của học sinh Sài Gòn lúc bấy giờ.
|
Nhóm Hoàng- Mai- Lưu. Ảnh: Tư liệu |
Thời gian này, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước kết thành bộ 3 Hoàng- Mai- Lưu, thành lập Câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club) ở trường trung học Petrus Ký, hội tụ học sinh, sinh viên yêu nước. Năm 1939, Lưu Hữu Phước sáng tác bài hát "La Marche des Étudiants" ("Hành khúc học sinh"), Mai Văn Bộ đặt lời tiếng Pháp làm bài hát chính thức của câu lạc bộ.
Năm 1941, nhóm ra Hà Nội, học tập ở Học viện Đại học Đông Dương. Ở đây họ lập Hội Nam kỳ tương tế vào Tết nguyên đán Tân Tỵ (1941), có biểu diễn hợp xướng "Mừng Xuân Hà Nội" của Lưu Hữu Phước. Nhóm cũng có vai trò khá quan trọng trong Đại hội Tổng hội Sinh viên năm 1941: Cả 3 được bầu vào Ban chấp hành, Mai Văn Bộ phụ trách cơ quan ngôn luận của Tổng hội, trong đó có trưởng ban âm nhạc là Lưu Hữu Phước.
Lưu Hữu Phước chỉnh lý bài "Hành khúc học sinh" thành bài "Tiếng gọi sinh viên". Tổng hội treo giải thưởng cho người viết lời bài hát này. Năm 1942, giải nhất thuộc về sinh viên Y khoa, người Huế- Lê Khắc Thiềng. Lời bài hát hùng tráng, cuốn hút mọi tầng lớp thanh niên:
"Này sinh viên ơi! Đứng lên
đáp lời sông núi!
Đồng lòng cùng đi, đi đi
mở đường khai lối
Vì non sông nước xưa,
ngàn năm ta chớ quên
Nào anh em bắc Nam
cùng nhau ta kết đoàn"
Đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942) bài hát được biểu diễn ở lễ giỗ, cùng với những bài nổi tiếng khác của Lưu Hữu Phước viết nhân lúc viếng các di tích lịch sử ở miền Bắc: "Bạch Đằng Giang", "Ải Chi Lăng", "Người xưa đâu tá!"... Tổng hội xem "Tiếng gọi sinh viên" là bài hát chính thức.
đến "Xếp bút nghiên"
Năm 1944 cục diện chiến tranh thế giới lần thứ II báo hiệu chiến thắng của phe đồng minh, cũng là lúc Nguyễn Ái Quốc về Cao Bằng với tên gọi mới Hồ Chí Minh xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị giành chính quyền về tay nhân dân.
Lúc này Tổng bộ Việt Minh chỉ đạo cho Tổng hội Sinh viên: Các sinh viên miền Nam tạo phong trào về Nam tham gia tổng khởi nghĩa, bắt liên lạc và hoạt động theo sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ.
Tổng bộ Sinh viên họp khẩn cấp tại nhà số 80 phố Jackin (nay là Ngô Thời Nhiệm) Hà Nội. Cuộc họp cuối cùng ngày 5-1-1944, quyết định: Tạo phong trào bỏ học trong sinh viên với lý do máy bay Mỹ ném bom Hà Nội; giao nhóm Hoàng- Mai- Lưu sáng tác bài hát cổ động học sinh sinh viên "Xếp bút nghiên"; tổ chức lên đường về Nam càng sớm càng tốt.
|
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (trái) cùng hai nhà văn Nguyễn Văn Bổng (giữa) và Lý Văn Sâm tại chiến trường miền Nam. Ảnh Tư liệu |
Đây là quyết định không phải dễ với nhiều người, bởi việc học của họ mang theo kỳ vọng của gia đình. Ông Huỳnh Văn Tiểng viết trong hồi ký: Trong tâm trí tôi vang lên lời dặn dò của mẹ tôi, thầy dạy học
Nhưng tôi đành phải phụ công mẹ, phụ lòng thầy. Phía trước là bạn bè tôi lao vào phong trào cứu nước!
Mở đầu phong trào "Xếp bút nghiên", Lưu Hữu Phước viết nhạc, Đặng Ngọc Tốt viết lời bài hát: "Mau về Nam". Kế tiếp Lưu Hữu Phước viết bài "Xếp bút nghiên", khẳng định dừng việc học là để đi làm cách mạng cứu nước, là lý tưởng của sinh viên. Từ đây phong trào bùng lên:
"Xếp bút nghiên lên
đường tranh đấu
Xếp bút nghiên coi thường công danh, như phù vân; sơn hà
xao xuyến.
Tiến! Ta tiến!
Một lòng yêu non sông,
vì dân ta liều thân..."
Sinh viên Nam kỳ được chia ra làm 3 nhóm. Nhóm nhỏ những sinh viên sắp hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp thì đợi thi xong rồi về sau cùng. Nhóm chủ lực là sinh viên 2 năm đầu, về Nam sớm nhất bằng xe lửa. Nhóm thứ ba có 9 người, gồm những sinh viên sức khỏe tốt về Nam bằng xe đạp, gồm: Nguyễn Việt Nam (trưởng đoàn), Huỳnh Văn Tiểng (phó đoàn), Đặng Ngọc Tốt, Nguyễn Tôn Toàn, Tạ Bá Tòng, Lưu Hữu Phước, Trương Cao Phước, Lê Văn Ký, Dương Văn Lễ.
Đoàn sinh viên đi xe đạp được hàng trăm sinh viên cùng trường tiễn bằng xe đạp tới Phủ Lý, vừa đi vừa hát vang bài "Xếp bút nghiên", "Tiếng gọi sinh viên"
Khi đoàn đi hết địa phận Ninh Bình để vào Thanh Hóa, bất ngờ bị mật thám chặn bắt. Tất cả bị đưa về giam ở Hà Nội vì tình nghi gây bạo loạn. Sau một tuần, chúng giữ lại 2 người, còn lại 7 người tiếp tục lên đường về Nam.
Trên đường về ghé Huế giao lưu với học sinh ở đây, Lưu Hữu Phước sáng tác bài "Nam tiến", qua phà sông Gianh viết bài "Hờn sông Gianh"
Đoàn đã đạp xe về tới Sài Gòn trong 15 ngày, sau đó phân tán về Sài Gòn, Mỹ Tho và Cần Thơ, tìm nghề làm việc để tạo vỏ bọc hợp pháp.
Ở Sài Gòn, nhóm sinh viên này thành lập "Hội truyền bá chữ quốc ngữ" do Michel Nguyễn Văn Vĩ, Phó Giám đốc Pháp- Hoa ngân hàng và có vợ đầm, đứng đầu để làm vỏ bọc. Hội tranh thủ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, chủ tờ tuần báo Thanh Niên giao lại làm cơ quan ngôn luận, đóng trụ sở ở số 9 đường Lucia-Lacouture (nay là Nam Quốc Cang). Đầu trang báo có câu: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách!".
"Khúc khải hoàn"
Ngày 26-9-1944 mật thám vây tuần báo Thanh Niên bắt hết nhân viên, phóng viên, kể cả khách vãng lai. Đích thân giám đốc Sở Mật thám Sài Gòn thẩm vấn từng người.
Trong một đêm ở khám lớn trên đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), Huỳnh Văn Tiểng và Lưu Hữu Phước bỗng nghe tiếng rao đêm. Lưu Hữu Phước vùng dậy: Tiếng người đời nhắc ta chớ quên nhiệm vụ! Và họ lập tức cùng nhau sáng tác bài hát: "Xin giữ lời nguyền!" được chuyển ra ngoài và nhanh chóng được yêu thích. Lưu Hữu Phước lại nói: Phải có niềm tin vào chiến thắng! Vậy là ông lao vào viết "Khúc khải hoàn" ngay khi còn ở trong tù:
"Dân ta hằng anh dũng.
Dân ta vẫn oai hùng.
Dân ta dù nguy biến
không nao!
Non sông còn yên vững
Non sông sẽ vang lừng, muôn
đời rèn nung thêm chí cao".
Điệp khúc: "Nhìn ánh sáng, tim thắm tươi, ta hát vang khải hoàn ca anh dũng, luồng gió mới chứa chan vui mừng, trong đời mới. Cờ phấp phới, vươn khí thiêng trong áng mây bay, vờn cùng cùng khói say".
Ngày 19-8-1945, tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo Sài Gòn, bài hát "Khúc khải hoàn" được sử dụng trong lễ ra mắt chính thức của Việt Minh trước ngày tổng khởi nghĩa.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, nhóm sinh viên "Xếp bút nghiên" được tự do, tham gia Phong trào Thanh niên Tiền phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đề xướng. Hội đồng quản trị gồm 25 nhân sĩ, trí thức, Chủ tịch là Phạm Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Thủ và các ủy viên Huỳnh Tấn Phát, Đặng Ngọc Tốt, Trần Bửu Kiếm, Mai Văn Bộ. Bài hát chính thức của Thanh niên Tiền phong là "Lên đàng" của Lưu Hữu Phước.
Phong trào "Xếp bút nghiên" đã khuấy động phong trào yêu nước, tập hợp lực lượng làm nên những cuộc cách mạng .
Tài liệu tham khảo:
1. Lưu Hữu Phước, cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc, NXB Giáo dục
2. Lưu Hữu Phước con người và sự nghiệp, Mai Văn Bộ, NXB Trẻ
3. Xếp bút nghiên lên đàng, Huỳnh Văn Tiểng, NXB Trẻ.