DUY KHÔI

Hình ảnh cắt từ clip trên TikTok của N.L. Ảnh chụp màn hình
1. Mấy ngày qua, dư luận bức xúc trước một đoạn video trên mạng xã hội TikTok của chủ tài khoản tên N.L. N.L, là sinh viên của một trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ, nổi tiếng trên TikTok với trên 1,8 triệu lượt theo dõi. Trong một clip kể về chuyện "Một ngày bình thường của N.L. không đến trường học sẽ như thế nào?", sau khi quay cảnh đi trên đường, ăn cơm, uống cà phê ở quán, anh chàng còn quay cảnh uống thuốc với lời thuyết minh cho clip thế này: "Có một số giảng viên cũng đang bị F0 nên phải học online. Ðiển hình như tui nè, đang yên đang lành tự nhiên cái dính, buồn ghê. Uống thuốc mấy ngày liền rồi, cái họng nó muốn thay đổi luôn rồi, chán ghê chứ!".
Câu nói này khiến người xem không thể nghĩ khác hơn là N.L đang bị mắc COVID-19 và vẫn vô tư đi ngồi quán ăn, uống, tụ tập bạn bè và khoe trên mạng xã hội. Dư luận phản ứng, N.L đã xóa clip và quay một clip khác để "đính chính". Anh cho rằng, không có từ nào anh nói mình bị mắc COVID-19, mà nói từ "dính" nên mọi người hiểu lầm, thật ra chỉ là bị cảm và còn quay cảnh test nhanh COVID-19 như một cách chứng minh mình vô tội. Cách giải thích có phần ngô nghê này của anh khiến không ít người giận dữ vì cách ứng xử "cả vú lấp miệng em".
Khoan hãy xét đến việc N.L mắc COVID-19 hay chưa, nhưng cả 2 clip có liên quan cho thấy sự dại miệng của anh ta trên mạng xã hội.
2. Một câu chuyện khác cũng diễn ra trên mạng xã hội từ một nữ nghệ sĩ, là vợ của một nghệ sĩ hài nổi tiếng và là mẹ của một cậu bé được nhiều người yêu thích. Chuyện của gia đình nhỏ này sẽ ấm êm nếu không phải một ngày đẹp trời, người mẹ lên facebook chia sẻ rằng mình mới vừa đập điện thoại của con vì phát hiện em xem hình ảnh, tin nhắn nhạy cảm, khiêu dâm. Cậu bé gần đến tuổi dậy thì thật "chẳng còn mặt mũi" với cách ứng xử bốc đồng, không đẹp tí nào của chính mẹ mình.
Dư luận phản ứng, cho rằng cách xử trí "vạch áo cho người xem lưng" của người mẹ này sẽ phản tác dụng, làm xấu con mình. Thay vì cha mẹ bảo ban, giáo dục giới tính cho con một cách nhỏ nhẹ, thủ thỉ cùng nhau, thì lại ồn ào cho cả thiên hạ biết. Vậy nhưng người mẹ này vẫn đăng đàn đáp trả, rằng đừng có "thương vay khóc mướn", không ai thương con bằng mẹ!
Người mẹ này nói đúng, "không ai thương con bằng mẹ"! Nhưng lỗi của con mà chị "công bố" trên mạng xã hội một cách cho "hả dạ" như vậy thì cầm bằng "lấy sai chữa sai". Ðáng nói, gia đình này lại là một gia đình nổi tiếng, cậu bé ấy được nhiều người biết đến, yêu quý, từng tham gia nhiều chương trình
truyền hình…
*
* *
Hai câu chuyện tuy khác nhau về bản chất, sự việc; nhưng gặp nhau ở chuyện phát ngôn trên mạng xã hội. Ông bà ta dạy "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" và khi đăng gì lên mạng xã hội thì con số bảy ấy có khi còn phải tăng thêm. Một khi chúng ta chấp nhận "sân chơi" mạng xã hội thì không còn là cuộc giao tiếp của 2 người, 3 người mà với cả thế giới. Sự cẩn trọng lời văn, tiếng nói, hình ảnh khi đăng tải mạng xã hội là rất cần thiết.