30/11/2022 - 09:02

“Tìm về di sản” để thêm yêu quê hương, đất nước 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Các em học sinh Trường THCS Chu Văn An, quận Ninh Kiều, vừa có chuyến hành trình “Tìm về di sản” tại Di tích quốc gia Khám Lớn Cần Thơ. Ðược tận mắt chứng kiến những chứng tích chiến tranh, được nghe kể về sự hào hùng, kiên trung của những người tù kháng chiến, các em học sinh càng thêm tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An tham quan Khám Lớn Cần Thơ.

Trong không khí thiêng liêng, với sự hướng dẫn của thuyết minh viên di tích, các em học sinh bắt đầu chuyến tham quan bằng nghi thức dâng hương các anh hùng liệt sĩ. Trong điệu nhạc bài “Hồn tử sĩ”, các em thành kính cúi đầu tưởng niệm. Sau đó, các em được tham quan các hạng mục của di tích như dãy nhà giam nam, dãy nhà giam nữ, toàn cảnh mô hình Khám Lớn Cần Thơ, nhà trưng bày... Những hiện vật nhuốm màu thời gian, những mô hình tái hiện tội ác của giặc và sự kiên trung của người tù cộng sản... đã tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh và nói lên giá trị của hòa bình. Em Phan Thanh Tuyền, học sinh Trường THCS Chu Văn An, cho biết: “Em rất xúc động và tự hào khi tham quan Khám Lớn Cần Thơ. Qua đây, em biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh tất cả vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc”.

Tham gia hành trình “Tìm về di sản” lần này, có em đến đây lần đầu nhưng cũng có em đã đến đây đôi ba lần, nhưng đều có chung cảm xúc như Thanh Tuyền. Biết ơn và tự hào - một cảm xúc thật đẹp. Có những giọt nước mắt đã rơi khi nghe câu chuyện về người mẹ sinh con trong lao tù và người bạn tù đã nuôi con của bạn đến tận bây giờ; chuyện hai đồng chí Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh bị giặc xử bắn vẫn hiên ngang khí thế cách mạng... Em Lê Nguyễn Gia Hân, học sinh Trường THCS Chu Văn An, chia sẻ: “Chuyến đi này cho em nhiều bài học ý nghĩa lắm. Em càng cảm nhận sâu sắc về giá trị hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng biết bao xương máu của thế hệ cha ông. Em tự nhủ cố gắng học tập, sống có ích để xứng đáng với truyền thống của đất nước mình”.

Trong hành trình “Tìm về di sản”, các em còn được tham gia các hoạt động thi đố kiến thức, trò chơi trải nghiệm về văn hóa, lịch sử TP Cần Thơ. Những câu hỏi về di tích lịch sử, di sản văn hóa, về đất và người Cần Thơ... được các em trả lời gãy gọn, chính xác, cho thấy sự đam mê, tìm tòi của thế hệ trẻ với truyền thống quê hương.

Chương trình “Tìm về di sản”  nằm trong kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ về việc phối hợp giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường, năm học 2022-2023. Lãnh đạo Bảo tàng TP Cần Thơ cho biết: Hoạt động “Tìm về di sản”, tham quan và trải nghiệm di tích, địa chỉ văn hóa ở Cần Thơ sau thời gian tạm hoãn do dịch COVID-19 đã được tái khởi động trong năm học này. Học sinh trên địa bàn thành phố sẽ được tham gia các hoạt động phong phú, ý nghĩa để các em cảm nhận rõ hơn nét đẹp, giá trị di sản.

Riêng với Trường THCS Chu Văn An, việc giáo dục di sản cũng được thực hiện bằng những cách làm cụ thể, sáng tạo. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục di sản cho học sinh vào các tiết học như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm... Việc tham quan thực tế sẽ giúp các em thêm tích cực, hào hứng tham gia. Từ đó, các em sẽ lồng ghép vào bài học một cách cụ thể và sinh động.

Rõ là vậy, qua mỗi hành trình tìm về di sản, học sinh được vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc. Ðó là những giá trị vững chắc để các em tự tin vào đời.

Chia sẻ bài viết