28/09/2020 - 08:15

“Ròm” - Vòng đời khắc nghiệt trong vòng quay của số đề 

Bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy đã ra rạp ngày 25-9, sau nhiều lần hoãn chiếu vì dịch COVID-19. Tác phẩm được mong đợi vì đã gây tiếng vang và chiến thắng ở các liên hoan phim quốc tế. Tại Cần Thơ, phim đang chiếu ở các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Trần Anh Khoa (ảnh lớn) vai Ròm trong phim.

“Ròm” là dự án điện ảnh được đạo diễn Trần Thanh Huy phát triển từ phim ngắn “16h30” của anh, từng đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2012. “Ròm” chiến thắng hạng mục New Currents tại Liên hoan phim Busan năm 2019; hạng mục “Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Fantasia năm 2020.

Phim kể về cậu bé đường phố Ròm (Trần Anh Khoa đóng), thất lạc cha mẹ, sống bằng nghề dắt mối chơi đề, tư vấn số đề và bán giấy dò vào 16 giờ 30 mỗi ngày. Ðối thủ của Ròm là Phúc (Anh Tú Wilson thủ vai), luôn giành mối với cậu bằng nhiều thủ đoạn. Cả hai đua tranh quyết liệt để mưu sinh. Một lần, nhờ đoán trúng số mà Ròm được những người chơi đề ở khu chung cư nghèo tin tưởng, nhờ cho số mỗi ngày. Ròm dành dụm tiền với mong ước đi tìm ba mẹ. Nhưng ước mơ của cậu vỡ tan khi bi kịch do chơi đề bao trùm cả xóm mà Ròm là một mắt xích trong đó…

Ðánh đề là tệ nạn nhức nhối. Khai thác vấn nạn này, đạo diễn Trần Thanh Huy đã khắc họa chi tiết, cụ thể những phận người trong trò may rủi này. Tất cả được gói gọn trong một khu chung cư cũ với những người lao động. Ðời sống hằng ngày của họ được tái hiện rõ nét trong từng khung hình, diễn biến của phim. Cảnh rượt đuổi nhốn nháo, cảnh đòi nợ của bọn cho vay nặng lãi, cảnh giải mộng, đoán số, đặt cược, ghi đề, cảnh người mất hết nhà cửa, tiền bạc vì chơi đề… cứ thế vẽ lên những sắc màu ảm đạm và cảnh tỉnh những con người chỉ biết phó mặc cuộc sống vào phép màu.

Cuộc sống hằng ngày của Ròm là những cuộc đua để giành mối ghi đề. Nếu cho số trúng thì được ca tụng, được thưởng, còn cho sai thì bị đánh chửi. Nó khắc nghiệt đến mức Ròm và Phúc hầu như tranh giành nhau suốt từ đầu đến cuối phim mà vẫn không có lối thoát. Giây phút cả hai ngồi trên mui xe nói về mơ ước của mình có lẽ là khoảnh khắc khiến người xem thương nhất, vì đó là khoảng bình lặng hiếm hoi trong vòng tròn luẩn quẩn của số phận. Không chỉ có những đứa trẻ bụi đời như Ròm, Phúc mà những người lớn cũng có những nỗi niềm riêng. Ðó là cảnh bà Ghi (người ghi đề) ôm chiếc áo đứa con bị ung thư thở dài chua xót; là ông Khắc luôn nhìn hai hũ đựng tro cốt của vợ con đã vắn số mà thương nhớ; là một gia đình nhỏ trong nỗi lo cho tương lai… Mỗi khung hình chỉ lướt qua vài giây nhưng đủ sức nặng gieo vào lòng người xem sự thương cảm cho những phận người có số phận không may.   

Diễn xuất của Trần Anh Khoa trong vai Ròm, Anh Tú Wilson trong vai Phúc cùng dàn diễn viên phụ thực sự chinh phục khán giả từ ngoại hình đến ánh mắt, biểu cảm. Hình ảnh đặc tả qua từng góc máy cùng âm thanh chân thực góp phần đẩy cảm xúc của người xem lên cao. Ðặc biệt, những cảnh quay rượt đuổi trong phim, nhất là cảnh Ròm và Phúc đánh nhau giữa lòng đường giữa giờ cao điểm và trên đường ray xe lửa, khiến người xem giật mình thảng thốt khi cả hai thoát khỏi tử thần chỉ trong tích tắc. Bên cạnh những ưu điểm, phim vẫn còn một số tình tiết bị lướt quá nhanh và không được giải thích rõ gây khó hiểu cho người xem.  

CÁT ĐẰNG    

Chia sẻ bài viết