27/09/2020 - 09:04

“Quà mưa” từ “Quê nhà yêu dấu” 

“Quê nhà yêu dấu” là cuộc thi viết tạp bút do tập san Áo Trắng (NXB Trẻ) tổ chức, vừa công bố kết quả chung cuộc. Những trang viết, đa phần của các cây bút trẻ, về quê hương, xứ sở, về ký ức tuổi thơ khiến người đọc rưng rưng. Thành công của “Quê nhà yêu dấu” còn đánh dấu bước trưởng thành của Áo Trắng tuổi 30.

Ấn phẩm “Quê nhà yêu dấu”. Ảnh: HUYỀN ĐỨC

Ấn phẩm “Quê nhà yêu dấu”. Ảnh: HUYỀN ĐỨC

Cuộc thi viết tạp bút “Quê nhà yêu dấu” sau hơn 3 tháng phát động đã có trên 500 tác phẩm dự thi. Ban giám khảo đã chọn 202 tác phẩm vào vòng chung khảo. Trong số này, có 15 tác phẩm đoạt giải gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. Danh sách các tác giả đoạt giải hầu hết đều là những cây bút quen thuộc của Áo Trắng trong suốt thời gian qua hoặc đã khẳng định vị trí trong làng văn học trẻ.

“Bắp chuối mà gói sầu đâu. Đời dù chát đắng bạc đầu cũng thương”, từ câu ca xưa, tác giả Tống Phước Bảo (TP Hồ Chí Minh) đưa người đọc về với một trời thương nhớ miệt An Giang núi rộng sông dài qua tạp bút “Bắp chuối mà gói sầu đâu”. Tác phẩm này đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi. Món quê của người quê, mà cụ thể là câu chuyện “muối mặn gừng cay” của ông bà mình, Tống Phước Bảo kể lại bằng giọng văn mượt mà, đằm thắm. Đoạn cuối cho tạp bút “Bắp chuối mà gói sầu đâu”, anh viết: “Chiều chớm hạ, tôi đứng giữa lòng thành phố, thấy Sài Gòn chênh chao qua giọt nước mắt mưa”.

Một tác phẩm khá thú vị khác là “Mẹ và mùa rau đắng đất”, đoạt giải Ba của cuộc thi. Tác giả tạp bút là Phạm Văn Trung, một nhà báo trẻ ở Cần Thơ. Anh chia sẻ những nỗi nhớ niềm thương về mùa rau đắng đất tuổi thơ nơi quê nhà, xanh rộ sau tháng Giêng. Nhớ mùa rau xưa, tác giả lại nhớ đến người mẹ tần tảo nơi quê nhà, nhớ những bữa cơm quê đong đầy hoài niệm. “Vì đời rau như đời mẹ, đắng từ ngọn đến gốc, chưa bao giờ bình yên, không bao giờ hết lo lắng cho các con. Dù hôm nay chúng tôi đã trưởng thành, có những lựa chọn và con đường đi riêng...”, trích “Mẹ và mùa rau đắng đất”.

Đọc những tác phẩm tham gia cuộc thi, dường như câu văn nào cũng chạm vào ký ức của chính mình, lưu luyến và nhớ thương. Một bụi kèo nèo cũng đủ nhớ trong tác phẩm của Em Nguyên; một ký ức về mùa thị trong tạp bút của Đinh Hạ hay mùa tép biển thơm nồng của Đức Hợp... cũng thấm thía làm sao. Các tác giả ở ĐBSCL khá thành công tại cuộc thi lần này, như Nguyễn Hữu Trung (Đồng Tháp) với “Mắm ơi”, Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh) với “Miễu Ông Tà”, Trương Chí Hùng (An Giang) với “Mót tràm ở Xà Tón” hay Khét (Cà Mau) với “Quê tôi mặc áo nâu sồng”...

Có thể nói, cuộc thi “Quê nhà yêu dấu” đã thực sự là nơi để các tác giả trải nghiệm và thử sức. Đặc biệt, ngày 26-9, tuyển tập tạp bút dự thi “Quê nhà yêu dấu” với tên gọi “Quà mưa”, do Công ty Văn hóa Huyền Đức liên kết với NXB Trẻ thực hiện chính thức ra mắt bạn đọc. “Quà mưa” tuyển chọn và giới thiệu 51 tạp bút hay nhất từ các tạp bút dự thi. Đây cũng là ấn phẩm kỷ niệm tuổi 30 của tập san Áo Trắng, một sân chơi quen thuộc của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ.

 DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết