26/11/2022 - 09:09

Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ

Ðộng lực phát triển mới 

Bài, ảnh: T. TRINH

TP Cần Thơ vừa tổ chức khởi công dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng. Dự án không chỉ mở rộng không gian phát triển mới phía Tây thành phố, còn được kỳ vọng là mẫu mực, tiêu biểu của sự hợp tác giữa Trung ương và địa phương, tạo hình mẫu cho các dự án tiếp theo…

Dự án nhận được sự quan tâm của người dân Cần Thơ.

Kỳ vọng

Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C) đi qua các địa phương: quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Ðiền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,4km; trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn và các cống thoát nước theo địa hình. Ðiểm đầu giao với quốc lộ 91 (tại Km20+370 quốc lộ 91) và giao với đường tỉnh 922 và điểm cuối giao với quốc lộ 61C (tại Km1+400 quốc lộ 61C). Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.837 tỉ đồng, gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 829 tỉ đồng; chi phí xây dựng hơn 2.684 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 16 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 94 tỉ đồng; chi phí khác hơn 38 tỉ đồng và chi phí dự phòng hơn 174 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2026. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn là 3.392 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỉ đồng; ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác 1.392 tỉ đồng). Giai đoạn sau năm 2025, tiếp tục bố trí các kinh phí còn lại sau khi dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ cho biết: Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ hình thành trục vành đai ngoài quan trọng của thành phố, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng ÐBSCL như quốc lộ 91, quốc lộ 61C, quốc lộ 1A. Từ đó, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa thành phố với các địa phương lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn. Bên cạnh đó, trên tuyến có xây dựng cầu Ba Láng qua sông Cần Thơ, không những đảm trách vai trò cầu nối giao thông, cầu còn có kiến trúc đẹp, nâng tầm mỹ quan khu vực đô thị. Cầu Ba Láng còn mang một ý nghĩa lịch sử, cùng với việc đang xây dựng cầu Phong Ðiền và cầu Vàm Xáng mới vừa đưa vào khai thác sử dụng sẽ ngày càng khẳng định vùng đất: “Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Ðiền”, một vùng đất đã  ghi dấu ấn sâu đậm trong ký ức của rất nhiều thế hệ người dân thành phố nói riêng và người dân miền Tây nói chung trong suốt quá trình lịch sử, hình thành và phát triển vùng đất Cần Thơ.

Với ý nghĩa như trên, dự án nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của nhân dân TP Cần Thơ cho sự phát triển mới của các địa phương có dự án đi qua. Anh Nguyễn Văn Thành ở phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy chia sẻ: “Ðại lộ sinh đại phú”, hy vọng dự án triển khai và hoàn thành đúng tiến độ sẽ tạo ra động lực phát triển cho địa phương và các vùng lân cận trong tương lai...

Quyết tâm đúng tiến độ

Sở Giao thông vận tải thành phố đã phát hành hồ sơ mời thầu 3 gói thầu xây lắp thuộc dự án và có 3 đơn vị trúng thầu. Cụ thể, gói 16: thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km03+000 - Km06+080); gói 17: thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km06+080 - Km09+340) và gói 20: thi công xây dựng cầu Ba Láng. Các gói thầu còn lại tiếp tục triển khai trong năm 2023-2024. Là đơn vị trúng thầu gói 20, ông Lê Quý Hợi, đại diện Liên danh Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường - Công ty CP Ðầu tư Xây dựng hạ tầng Khang Nguyên, cho biết: Ðơn vị cam kết sẽ huy động trang thiết bị, nguồn nhân lực, lao động tinh nhuệ với công nghệ thi công hiện đại, đảm bảo dự án hoàn thành đúng chất lượng, tiến độ và an toàn vệ sinh môi trường.

Dự án đi qua 5 quận, huyện, tổng số diện tích đất bị ảnh hưởng là 180,49ha với tổng số trường hợp bị ảnh hưởng khoảng 1.399 trường hợp. Trong đó, quận Ô Môn là 495 trường hợp, quận Bình Thủy là 396 trường hợp, huyện Phong Ðiền 300 trường hợp, quận Cái Răng là 38 trường hợp, quận Ninh Kiều là 170 trường hợp. Ðến nay, đã tiến hành kiểm đếm nhà, vật kiến trúc, cây trồng được 1.378/1.399 trường hợp. UBND các quận, huyện đã và đang phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 300 trường hợp và đang tiến hành chi trả.

Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: Dự án tạo điều kiện vô cùng thuận lợi, mở rộng phát triển không gian đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, dự án còn giảm áp lực ùn tắc giao thông cho quận, nhất là tại các nút giao trung tâm hiện đang quá tải. Quận sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư các vấn đề có liên quan theo thẩm quyền của địa phương. Nhất là phối hợp thực hiện hoàn thành sớm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định, đảm bảo tình chính xác, công khai minh bạch và quyền lợi hợp pháp của người dân ảnh hưởng bởi dự án. Song song đó, tích cực vận động, đối thoại, tuyên truyền, tạo đồng thuận của nhân dân đối với chính sách, chủ trương thực hiện dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để có mặt bằng sạch, thực hiện hoàn thành dự án đúng kế hoạch, tiến độ đề ra…

Tại lễ khởi công các gói thầu thuộc Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án dài gần 20km nhưng có ý nghĩa cả về kinh tế, phát triển đô thị, mỹ quan, sinh kế của người dân và không gian phát triển mới phía Tây TP Cần Thơ. Chủ đầu tư, các nhà thầu phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công bằng việc thay đổi các biện pháp thi công, huy động tối đa nguồn lực, tiềm lực của các nhà thầu. UBND TP Cần Thơ và đơn vị chủ đầu tư tập trung chăm lo ổn định đời sống an sinh xã hội, nơi ăn chốn ở và sinh kế cho các hộ dân ảnh hưởng dự án. TP Cần Thơ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt để làm một dự án mẫu mực của sự hợp tác giữa Trung ương và địa phương, sự kết hợp sức mạnh của Trung ương và sức mạnh của địa phương, sức mạnh của nhân dân và sức mạnh của Nhà nước, đảm bảo an toàn, hiệu quả, không có tham nhũng tiêu cực; là dự án kiểu mẫu cho các dự án tiếp theo…

Chia sẻ bài viết