29/08/2020 - 09:45

Ðổi thay ở vùng đồng bào dân tộc 

Nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chính sách đầu tư đặc thù của Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên.

Khuôn viên Trường THCS Thới Xuân đạt chuẩn quốc gia.

Anh Trương Thanh Sang, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cờ Ðỏ, thông tin: Ðồng bào Khmer ở huyện Cờ Ðỏ sống đan xen với các dân tộc khác ở tất cả 10 xã, thị trấn trên địa bàn; trong đó, tập trung đông tại các xã Thới Ðông, Thới Xuân, Ðông Thắng, thị trấn Cờ Ðỏ… Ngoài các chương trình, dự án đầu tư chung của huyện, thành phố, vùng đồng bào dân tộc còn được thụ hưởng nhiều chính sách đặc thù. Nổi bật là chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 117 hộ đồng bào Khmer ở Khu dân cư dành cho đồng bào DTTS tại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Ðỏ, với tổng kinh phí 9,6 tỉ đồng; 273 hộ DTTS được vay trên 3,3 tỉ đồng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất; 79 hộ được vay gần 2 tỉ đồng để sửa chữa nhà. Thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn II) của Chính phủ, 2 ấp đặc biệt khó khăn của xã Thới Xuân là Thới Trường 1 và Thới Trường 2 được đầu tư 1,7 tỉ đồng để phát triển hạ tầng… Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Ðỏ, các hộ ở Khu dân cư dành cho đồng bào DTTS tại ấp Thới Hòa B được Nhà nước cấp nền nhà và cất nhà Ðại đoàn kết, nên an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo, như hộ ông Lý Sung, anh Lâm Thế Hiển…

Các chương trình, dự án có tính chất đặc thù của Nhà nước đầu tư cho xã Thới Xuân đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống đồng bào Khmer. Chị Thạch Thị Sà Lang ở ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, kể: “Vợ chồng tôi làm thuê, khi căn nhà vách lá, nền đất xuống cấp, chúng tôi không thể cất nhà mới. Nhà nước cất căn nhà Ðại đoàn kết và hỗ trợ bò giống cho gia đình tôi. Từ con bò này, tôi đã có thêm 1 con bò thịt và bò mẹ đang mang thai. Chồng tôi được Nhà nước hỗ trợ vay vốn để mua bình xịt thuốc, xịt thuê cho người làm lúa, trồng cây ăn trái quanh vùng. Khi có được căn nhà khang trang để ở, có điều kiện phát triển kinh tế, cuộc sống của gia đình tôi thay đổi rất nhiều”.

Cách nhà chị Sà Lang không xa là căn nhà tường nhỏ của đôi vợ chồng trẻ Dương Thị Thúy và Lâm Ngọc Phương. Không chăn nuôi như chị Lang, chị Thúy cất thêm căn tiệm phía trước để bán tạp hóa. Chị Thúy bộc bạch: “Nhờ Nhà nước cất nhà Ðại đoàn kết, cho vay vốn ưu đãi mà vợ chồng tôi có nhà tường để ở. So với trước đây, cuộc sống vợ chồng tôi ổn định lắm, 2 đứa con học bán trú gần nhà, nên tôi có thời gian mua bán, tăng thêm thu nhập”.

Anh Lê Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, chia sẻ: “Tạo điều kiện cho các hộ DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, xã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện phát vay nhiều gói hỗ trợ, như: xây dựng nhà ở, chuyển đổi ngành nghề, nước sạch…”. Theo anh Việt, không chỉ hỗ trợ vốn vay, xã còn phối hợp đào tạo và giới thiệu việc làm cho 80 lao động địa phương làm việc tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy. Ðể đảm bảo an toàn cho người lao động, hằng ngày, xe của công ty đưa đón công nhân tại Trung tâm Văn hóa Thể thao của xã... Năm 2019, bình quân thu nhập của xã Thới Xuân đạt 45,7 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 3 hộ DTTS nghèo.

“Các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư vào vùng dân tộc tập trung xây dựng điện, đường, trường, trạm, nên 100% trục đường chính đều được bê tông hóa, nhựa hóa theo chuẩn nông thôn mới, tạo thuận lợi để đồng bào thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp, tăng thu nhập. Trường học, trạm y tế trên địa bàn được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, điện, nước tới từng nhà… nên vùng đồng bào dân tộc huyện Cờ Ðỏ như được thay áo mới, đời sống đồng bào khởi sắc, sung túc hơn” - anh Trương Thanh Sang, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cờ Ðỏ, phấn khởi nói.

Bài, ảnh: HÀ THANH  

Chia sẻ bài viết