26/08/2024 - 14:11

“Mỏi mắt” mới thấy được dơi quý 

Từ chỗ có hàng chục ngàn con dơi quý trú ngụ, hiện nay số lượng dơi ở chùa Dơi (tỉnh Sóc Trăng) còn rất ít.

Chùa Dơi (tỉnh Sóc Trăng) nơi có đàn dơi quý đang trú ngụ.

Tỉnh Sóc Trăng có hàng trăm ngôi chùa, chùa nào cũng có nhiều cây xanh nhưng chỉ duy nhất chùa Dơi ở phường 3, TP Sóc Trăng, là có đàn dơi trú ngụ, sinh sống. Theo kết quả điều tra và nghiên cứu (giai đoạn 2013-2015) của nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Cần Thơ, đàn dơi sinh sống trong khuôn viên chùa Dơi là dơi ngựa Thái Lan và dơi ngựa bé. Loài dơi này được đánh giá là quý hiếm, trọng lượng trung bình từ 0,5kg đến trên 1kg/con, sải cánh rộng từ 1-1,5m, cá biệt có con nặng đến 1,5kg, sải cánh dài khoảng 2m. Số lượng thường xuyên thay đổi theo mùa, tập trung từ tháng 9 đến hết tháng 2 năm sau, dao động từ 450-1.753 cá thể.

Giống dơi này không có chân mà chỉ có 5 móng ở mỗi cánh. Dơi móc móng vào cành cây và treo ngược thân. Loài dơi này có vú nên đẻ con, mỗi năm chỉ đẻ 1 lần và đẻ duy nhất 1 con. Khi đẻ con, 1 cánh của dơi móc vào cành cây, cánh còn lại đỡ con sắp chào đời, đẻ xong thì ôm con suốt 3-4 tháng. Khi dơi con biết bay, sẽ tự đi kiếm ăn.

Đàn dơi ở chùa Dơi hiện đang suy giảm về số lượng nên phải nhìn rất kỹ mới thấy dơi.

Theo Thượng tọa Lâm Tú Linh, Phó Trụ trì chùa Dơi, trước đây dơi rất nhiều, có đến hàng chục ngàn con đậu dày trên các cành cây. Dơi ở đây rất thân thiện, không sợ âm thanh ồn ào hay khi du khách đến gần để ngắm.

“Trước đây dơi nhiều lắm, tối chúng bay đi ăn, sáng lại quay về. Bây giờ còn rất ít, chỉ đậu tập trung một vài cây, du khách phải quan sát rất kỹ mới thấy được dơi” - Thượng tọa Lâm Tú Linh nói.

Ông Thanh Phương ở tỉnh Hậu Giang, du khách đến tham quan chùa Dơi, chia sẻ: “Hơn 10 năm trước tôi đến để xem đàn dơi, lúc ấy còn rất đông. Vừa vào cổng đã nghe tiếng dơi kêu inh ỏi, nhưng bây giờ số lượng không còn nhiều như trước. Chúng tôi tìm mỏi mắt mới thấy đàn dơi đậu tít trên ngọn cây”.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, trong quá trình bay đi kiếm ăn, dơi bị săn bắt để bán cho các nhà hàng, quán ăn. Ngoài ra, sự thay đổi cơ cấu cây lâu năm trồng trong khu vực chùa Dơi và vùng lân cận cũng ảnh hưởng đến sự suy giảm số lượng cá thể của đàn dơi.

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã phối hợp một số nhà khoa học nghiên cứu đề ra giải pháp bảo tồn. Trong đó ưu tiên thực hiện một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sự tác động của con người đến đàn dơi ngựa trong khuôn viên chùa Dơi. Về lâu dài, cần trồng thêm cây xanh tại khuôn viên sau chùa để cung cấp thức ăn tại chỗ cho dơi, tránh tình trạng bị săn bắt trong quá trình bay đi kiếm ăn.

Bài, ảnh: HẬU GIANG

Chia sẻ bài viết