07/12/2017 - 13:49

“Mẹ chồng”- Có ý tưởng nhưng nhiều hạn chế 

Quy tụ dàn diễn viên nữ nổi bật cùng với ý tưởng khá độc đáo, bộ phim “Mẹ chồng” của đạo diễn Lý Minh Thắng thu hút sự quan tâm của công chúng từ lúc sản xuất cho đến khi ra rạp. Tuy nhiên, để làm nên một bộ phim hay thì bấy nhiêu đó chưa đủ.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của Lotte Cinema và CGV.

Poster phim “Mẹ chồng”.

Lấy bối cảnh làng Đại Điền vào những năm 1950, câu chuyện của “Mẹ chồng” tập trung vào cuộc sống trong gia đình của Hội đồng Lịnh qua nhiều thế hệ. Ba Trân (Thanh Hằng) làm dâu đã lâu nhưng không sinh được con nối dõi, bà Hai Lịnh (Diễm My) cưới vợ lẽ là Bảy Loan (Ngọc Quyên) cho con trai. Ít lâu sau, cả Ba Trân và Bảy Loan đều hạ sinh con trai. Bà Hai Lịnh vì sốc sau cái chết đột ngột của con trai nên bị liệt ngồi một chỗ, mọi quyền hành trong gia đình rơi vào tay Ba Trân. Bi kịch một lần nữa lặp lại khi vì áp lực sinh con nối dõi tông đường mà Ba Trân cưới vợ lẽ cho con trai mình. Những ân oán, mâu thuẫn, ghen tuông và tranh giành quyền lực giữa những người phụ nữ trong gia đình gây nên giông tố…

Bên cạnh mâu thuẫn giữa mẹ chồng- nàng dâu, phim mở rộng và phát triển đường dây kịch bản, tính cách nhân vật theo mô-típ đấu đá chốn thâm cung của các phim truyền hình Hoa ngữ. Ý tưởng này đã làm mới mạch phim và thu hút được sự quan tâm của khán giả. Phim có bối cảnh hoành tráng, trang phục cầu kỳ, diễn xuất khá tốt, nội dung có sáng tạo, nhiều kịch tính. Đặc biệt là tái hiện lại nỗi khổ và áp lực của người phụ nữ trong thời phong kiến.

Tuy nhiên, ngoài bi kịch của tham vọng, ghen tuông, tội ác, khán giả không hiểu thông điệp của phim. Bởi từ bà Hai Lịnh, đến Ba Trân rồi Tư Thì, cứ nàng dâu này tiếm quyền của mẹ chồng xong thì thế hệ sau lặp lại y như thế. Việc cưới vợ lẽ để sinh con nối dõi tông đường cũng tiếp nối từ đời này sang đời khác. Tất cả là một vòng luẩn quẩn. Trong khi, kịch bản có thể thay đổi để tìm lối thoát các nhân vật và chính bộ phim. 

Mặt khác, một số tình huống xây dựng không logic, không thuyết phục người xem. Việc Ba Trân giết người tình khi bị con dâu phát hiện là điều không cần thiết. Bởi với tài trí của bà thì có thể xử lý nàng dâu non tơ và thu xếp mọi việc êm đẹp mà không cần hạ thủ người tình để rồi khóc lóc, đau khổ. Việc Ba Trân đã nắm mọi quyền hành rồi mà luôn ép bà Hai Lịnh giao ra chìa khóa gia bảo của gia tộc mà không giải thích rõ tầm quan trọng của chìa khóa cũng khó hiểu. Chi tiết bà Bảy Loan tự tử vì lỗi lầm của con trai cũng khiến khán giả chưng hửng. Việc sử dụng tà thuật điều khiển rắn rết và quyến rũ đàn ông thật sự không cần thiết với một người đẹp, thông minh, sắc sảo như Ba Trân…

Những bộ bà ba của các nhân vật nữ trong phim được thiết kế công phu, cầu kỳ, bắt mắt nhưng lại có phần lạc lõng với bối cảnh phim bởi nó được cách tân quá đà. Kiểu trang điểm quá chải chuốt cùng phong thái đi đứng như người mẫu, hoa hậu của các diễn viên nữ (Thanh Hằng, Lan Khuê) khó tạo được thiện cảm với người xem.

Nội dung phim còn thiếu sự thuyết phục và tính nhân văn, “Mẹ chồng” tuy có sáng tạo nhưng vẫn chưa thể làm hài lòng người xem.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết