18/04/2019 - 08:35

“Lật mặt: Nhà có khách”- Vui nhưng chưa thấm 

Là phần 4 của loạt phim ăn khách “Lật mặt” do Lý Hải sản xuất kiêm đạo diễn, “Lật mặt: Nhà có khách” kết hợp thể loại kinh dị với yếu tố hài-  điều mà điện ảnh Việt còn hiếm. Phim nhiều yếu tố giải trí, mang lại tiếng cười; nhưng thông điệp và kết phim chưa thuyết phục.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại cụm rạp CGV và Lotte Cinema.

4 chàng trai nhiều phen kinh sợ vì những hiện tượng kỳ lạ trong phim.

Các phần của “Lật mặt” độc lập, không liên quan nhau và lần này cũng vậy. Chuyện kể về nhóm bạn làm nghề chụp ảnh cưới cùng về quê Vy, một thành viên trong nhóm, vừa để thăm nhà Vy, vừa tìm bối cảnh mới lạ để chụp hình theo yêu cầu của khách. Căn nhà nằm ở nơi hẻo lánh, băng qua một nghĩa địa u ám, ma mị, nhiều hiện tượng lạ. Người dân địa phương nhắc nhở nhóm bạn không được nói từ “ma” vì kiêng kỵ mà phải dùng từ “khách”. 4 chàng trai trong nhóm lần lượt phát hiện những dấu hiệu cho thấy trong nhà Vy đang có “khách”. Họ hoảng sợ và tìm cách báo cho Vy biết. Mọi việc dần ngoài tầm kiểm soát và chuyện gì đến cũng phải đến…

Khác hẳn với 3 phần trước là hành động- hài, ở phần 4, những người sản xuất đã thử nghiệm cách làm mới là thể loại kinh dị- hài giống phim Thái Lan và đã thành công. Đây là điểm sáng nhất của phim khi khán giả xem phim vừa sợ, vừa cười không dứt, có những cảnh ma quái chưa kịp sợ đã cười. Cười xong chuyển sang lo lắng, hoang mang cùng nhân vật, rồi tò mò suy đoán chuyện gì xảy ra và ai là ma. Cứ thế, các tình huống, tình tiết đan xen nhau rất tốt, dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và lôi cuốn khán giả không ngừng. Tiếng cười trong phim duyên và tự nhiên, không lố, không nhảm, không phản cảm. Yếu tố kinh dị của bộ phim cũng được xây dựng tốt, khán giả nhiều phen bị hù dọa bởi những lần xuất hiện thình lình của “khách”, của những hình ảnh và âm thanh ma mị. Từ tiếng đóng cửa, tiếng đung đưa của xích đu, tiếng bước chân, tiếng gió đến cả tiếng chuông điện thoại cũng đầy ám ảnh. Bối cảnh được đầu tư chỉn chu, đặc biệt là căn nhà gỗ cũ kỹ với không gian u ám, tăm tối.

Ghi điểm trong phần diễn xuất là Mạc Văn Khoa trong vai Phương. Lối diễn tự nhiên, nói câu nào khiến khán giả cười câu đó của anh tăng yếu tố hài hước cho phim. Huy Khánh trong vai Thông và Hoàng Mèo trong vai Bình với kinh nghiệm diễn xuất đã tung hứng ăn ý với Mạc Văn Khoa, làm nên bộ ba sợ ma lầy lội, khiến người xem cười trong mọi tình huống. Tuy nhiên cặp trai xinh, gái đẹp Katleen Phan Võ (vai Vy), Jay Quân (vai Huân, người yêu Vy) dù cố gắng nhưng chưa lột tả hết được cảm xúc của nhân vật. Nghệ sĩ Tú Trinh trong vai người mẹ đã có màn trình diễn xuất sắc trong nhiều tình huống khác nhau, khiến người xem nhiều phen rợn tóc gáy.

Đáng tiếc, sự chờ đợi của khán giả để xem màn lật mặt cuối phim không được như mong đợi. Cách giải quyết có phần vội vàng, giải thích thiếu thuyết phục về “khách”; thông điệp về tình yêu thương gia đình khá mờ nhạt… đã làm phim đuối về cuối. Đặc biệt, lấy bối cảnh ở Đà Lạt nhưng phim lại mắc lỗi cơ bản khi diễn viên quần chúng mặc trang phục của đồng bào dân tộc ở Tây Bắc.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết