04/07/2019 - 14:02

“Làm quen” trước, “làm ăn” sau 

Trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, TP Cần Thơ nhận định Nhật Bản là đối tác tiềm năng, đáng tin cậy. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật Bản cũng được biết đến là nhà đầu tư khó tính. Chính vì vậy, thành phố xác định, quá trình làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản phải đi từ giao lưu để hiểu về nhau, tin tưởng nhau rồi mới tính đến chuyện làm ăn lâu dài.

Doanh nghiệp Nhật Bản trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một hội thảo do TP Cần Thơ tổ chức.

► Tích cực thu hút đầu tư

Để tăng thu hút đầu tư của Nhật Bản vào TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, Tổ công tác Nhật Bản tại Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ) đã chính thức được ra mắt vào cuối năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Japan Desk Cần Thơ tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong việc giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các dự án TP Cần Thơ đang mời gọi đầu tư. Qua đó, các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu thị trường, khảo sát các dự án; đồng thời có những buổi trao đổi và đề xuất về phương thức làm việc, hợp tác giữa doanh nghiệp 2 bên.

Từ đầu năm đến nay, Japan Desk Cần Thơ đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã đến thăm và làm việc với một số đơn vị, doanh nghiệp thành phố (Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, Công ty TNHH Bột mì Đại Phong, Công ty Cổ phần Thủy sản Tâm Phương Nam, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ…). Trong tháng 6-2019, thành phố tiếp Tập Đoàn Kato và Công ty Wons đến tìm hiểu cơ hội đầu tư; xúc tiến đưa doanh nghiệp Nhật Bản đến tham dự Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 tại TP Cần Thơ. Ngoài ra, Japan Desk Cần Thơ cũng xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ mời gọi đầu tư các dự án liên quan đến các đối tác Nhật Bản triển khai trên địa bàn: Khu Công nghiệp Việt Nam-Nhật Bản, Dự án Nông trường kiểu mẫu, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, cũng nhìn nhận, phần lớn nhà đầu tư Nhật Bản chưa biết nhiều đến TP Cần Thơ. Nói đến Việt Nam, họ chủ yếu nghĩ đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng do tiện đường bay trực tiếp. Trong khi đó, việc quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của TP Cần Thơ chỉ thông qua Website của Trung tâm, chưa có điều kiện tương tác, trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản một cách trực tiếp. Hiện nay, TP Cần Thơ chủ yếu dừng lại ở mức độ giới thiệu và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng thể hiện mối quan tâm ở mức độ khảo sát, thăm dò...

► Hiểu để làm ăn lâu dài

 Theo nhiều chuyên gia, văn hóa đầu tư, kinh doanh của Nhật Bản là tìm hiểu thật kỹ thị trường trước khi quyết định đầu tư. Mặt khác, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản thường theo hướng liên kết chuỗi. Nghĩa là nhiều doanh nghiệp sẽ cũng tham gia đầu tư để cùng hỗ trợ nhau. “Thậm chí, trước khi quyết định đầu tư người Nhật có xu hướng “làm quen” để có tình cảm khắn khít trước rồi mới quyết định đầu tư. Vì vậy, theo tôi bước đầu tiên chúng ta nên giao lưu về văn hóa để hiểu nhau hơn rồi hãy tính đến chuyện làm ăn lâu dài” - ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ.

Trên thực tế, thời gian qua, TP Cần Thơ đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức khá thành công Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản (Lễ hội Văn hóa Việt - Nhật) và trong năm 2019 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11-2019. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Đánh dấu cột mốc lần thứ 5 tổ chức chương trình, Lễ hội Văn hóa Việt - Nhật năm nay có nhiều hoạt động thiết thực, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng và môi trường đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư, từ đó góp phần tạo điều kiện và cầu nối thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản đến với khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Các hoạt động chính của Lễ hội Văn hóa Việt Nhật gồm: Tổ chức chuyến bay trực tiếp Nhật Bản - Cần Thơ; trưng bày gian hàng, triển lãm; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ; Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Nhật Bản - Mekong 2019…”.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ mới đây, ông Ninomyya Norihito, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Wons đề xuất giải pháp thu hút đầu tư của Cần Thơ nên tập trung vào truyền thông, quảng bá thông qua các trang Website thiết kế hình ảnh ấn tượng, khơi gợi mong muốn khám phá, tìm hiểu và đầu tư vào TP Cần Thơ. Đơn cử như xây dựng các Website ứng dụng đồ họa tạo ra những hình ảnh động sáng tạo và ấn tượng thu hút người xem nhưng vẫn đảm bảo được những yếu tố quan trọng hàng đầu “chất lượng thông tin”, “dễ sử dụng”, “đáng tin cậy”; sử dụng sức mạnh hình ảnh để liên tưởng đến “sức hút của TP Cần Thơ”, môi trường đầu tư của thành phố này.

Để gây dựng niềm tin, tạo nền tảng mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản đến với TP Cần Thơ, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển thống nhất ban hành 10 cam kết với nhà đầu tư tại Khu Công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản liên quan đến vấn đề hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu; tạo quỹ đất sạch; đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn… Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tham mưu UBND thành phố ký công văn mời Tập đoàn Kato mở Văn phòng đại diện tại Cần Thơ. Và đây sẽ là đầu mối để mời gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Cần Thơ, đặc biệt là dự án Phòng khám đa khoa quốc tế tiêu chuẩn Nhật Bản.

Tính đến tháng 6 - 2019, TP Cần Thơ hiện có 82 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư khoảng 719 triệu USD. Trong đó, có 8 dự án có vốn đầu tư của Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký 26,7 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản của TP Cần Thơ là 43,9 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy hải sản, may mặc, lông vũ, nông sản chế biến… và nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là nguyên liệu dược, hóa chất, vải, vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị...

Bài,  ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết