19/03/2018 - 21:22

“Khai tử” điểm sàn- ứng phó ra sao?  

Những năm gần đây, việc tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn gặp khó khăn về nguồn tuyển, bởi tâm lý chung của học sinh vẫn còn chuộng vào đại học (ĐH). Và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ càng vất vả hơn khi quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy 2018 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành đã “khai tử” điểm sàn (trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên). Báo Cần Thơ ghi nhận ý kiến của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Cần Thơ về vấn đề này.

Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ tư vấn cho học sinh về việc chọn ngành nghề của trường sao cho phù hợp năng lực, điều kiện gia đình... 

Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ: Chuyển dần theo hướng ứng dụng thực hành

- Trong quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy 2018 của Bộ GD&ĐT, tôi đồng tình với quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và thí sinh dự tuyển vào ĐH sư phạm phải có học lực đạt loại giỏi; dự tuyển vào cao đẳng sư phạm phải đạt học lực loại khá... Quy định này không những nâng cao chất lượng ở các trường đào tạo sư phạm, mà còn khẳng định tầm quan trọng của người thầy trong xã hội hiện nay. Trường CĐ Cần Thơ tuy đào tạo đa ngành nhưng vẫn duy trì tuyển sinh các ngành sư phạm. Trong 8 ngành cao đẳng sư phạm (tổng chỉ tiêu 240 sinh viên), năm nay, trường có thêm 3 ngành học mới là Khoa học tự nhiên, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật. Trường không lo thiếu nguồn tuyển, bởi chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo, trường đều dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương cũng như năng lực đào tạo của trường.

Tuy nhiên, với các ngành ngoài sư phạm, việc quy định bỏ điểm sàn ĐH sẽ khiến các trường cao đẳng, trung cấp, nghề gặp khó khăn về nguồn tuyển. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã rà soát chương trình đào tạo các ngành sư phạm và đổi mới theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế giảng dạy ở trường phổ thông; với các ngành ngoài sư phạm thì chuyển dần theo hướng ứng dụng thực hành, tăng giờ học thực hành, thực tập, giảm giờ lý thuyết. Trường đã thành lập Trung tâm Tư vấn việc làm - đầu mối liên kết với doanh nghiệp để học sinh, sinh viên có điều kiện cọ xát với đơn vị sử dụng lao động trong đi thực tế, thực tập, tiếp cận những thiết bị, công nghệ mới, làm quen với môi trường lao động. Qua đó, nhà trường cập nhật, bổ sung những điểm mới vào chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Thạc sĩ Phạm Việt Ngoan, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ: Gắn kết với doanh nghiệp và giúp người học giảm chi phí

- Tuy không trực thuộc Bộ GD&ĐT, nhưng việc Bộ bỏ điểm sàn trong quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy 2018, chắc chắn nguồn tuyển sinh sẽ nghiêng về phía các trường ĐH. Để đảm bảo sự công bằng, tôi nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ở trình độ ĐH; tránh trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu, ảnh hưởng nguồn tuyển của các trường trung cấp, cao đẳng.

Trong các năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở các địa phương. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho du lịch, Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ tập trung xây dựng chương trình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, theo hướng tiếp cận với thực tế tại doanh nghiệp; rút gọn chương trình, giúp người học giảm chi phí, sớm tham gia thị trường lao động. 

Trường đồng thời tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, giúp học sinh sinh viên có cơ hội tìm được việc làm cao sau khi tốt nghiệp. Những năm qua, học sinh sinh viên tốt nghiệp của trường đã có việc làm đúng chuyên môn, lương thưởng hợp lý. Lại thêm gần đây du lịch Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của doanh nghiệp, người học ngành du lịch; nên trường cũng an tâm với nguồn tuyển. Hơn 9 năm qua, tập thể thầy trò nhà trường nỗ lực dạy và học, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu đào tạo nghề du lịch trên địa bàn thành phố và ĐBSCL. Trường hiện có 50 cán bộ, giảng viên (10 thạc sĩ, 3 nghiên cứu sinh). Hầu hết giảng viên của trường đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành du lịch. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư ở điểm mới, kiện thuận lợi cho hoạt động đào tạo.

Với chính sách bỏ điểm sàn của Bộ GD&ĐT, nguồn tuyển có thể bị chia sẻ, chất lượng đầu vào có thể thấp, nhưng trường tin tưởng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đề ra.

Thạc sĩ Phan Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Cần Thơ: Phụ huynh, học sinh cân nhắc chọn trường, ngành phù hợp

- Mùa tuyển sinh năm nay, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp sẽ khó khăn hơn so với mọi năm bởi các trường thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không xuất hiện trong danh sách nguyện vọng trên hồ sơ của thí sinh, vì không chung hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, trừ những trường CĐ sư phạm. Bất lợi nữa là chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH tăng; nhiều trường chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT. Qua thống kê, năm 2016, cả nước có hơn 200 trường xét tuyển bằng học bạ, năm 2017 tăng lên gần 300 trường và năm nay con số này sẽ còn tăng. 5 năm gần đây, các trường trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyển sinh không đạt so với mục tiêu và liên tục giảm qua các năm. Năm nay quy chế tuyển sinh ĐH 2018 của Bộ GD&ĐT chính thức bỏ điểm sàn, lại càng hút học sinh học ĐH. Với quy chế mới này, phương thức xét tuyển ĐH năm nay cũng gần giống như hệ CĐ, cơ hội đậu ĐH của học sinh ngày càng cao. Trong khi đó, công tác tư vấn hướng nghiệp ở các trường THPT còn hạn chế và nhiều bất cập trong việc tuyên truyền phổ biến nghề nghiệp.

Tôi nghĩ, để thu hút thí sinh đến với trường nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nâng cao chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu của doanh nghiệp. Về quy định bỏ điểm sàn, các trường ĐH tốp dưới và trường tư sẽ dễ tuyển sinh hơn; nhưng chắc chắn các trường sẽ cân nhắc bài toán thương hiệu và bài toán về tuyển sinh bởi nếu tuyển sinh nhiều, điểm chuẩn thấp, sẽ ảnh hưởng đến đầu ra. Nếu tình trạng đó kéo dài, các trường chỉ tuyển được vài khóa, sinh viên ra trường không có việc làm và không được thị trường lao động chấp nhận; đến lúc nào đó, các trường sẽ không tuyển được thí sinh. Mặt khác, theo quy chế, mỗi trường có một chỉ tiêu cố định và trường nào tuyển quá, cần phải xử phạt nghiêm. Các trường THPT cần đẩy mạnh, làm tốt hơn công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Phía phụ huynh, học sinh hãy cân nhắc, chọn lựa ngành, trường phù hợp. Nếu học sinh không đủ năng lực học ĐH (vì sẽ có một số trường ĐH tuyển mức điểm đầu vào thấp), mà cố gắng dự tuyển vào, dễ bỏ học, gây lãng phí. 

B.KIÊN  (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết