07/07/2019 - 12:17

Ðịa danh Vàm Cống:
Những ghi chú liên quan 

Nói đến địa danh Vàm Cống, chúng ta biết “Vàm” là cửa của một dòng nước nhỏ nơi nó đổ ra sông lớn, nhưng “Cống” là gì và ở đâu? Qua đối chiếu các tư liệu từ triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc và thực tế hiện nay, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến địa danh này. Do điều kiện tư liệu còn hạn chế và bất nhất, hy vọng những kiến giải dưới đây có thể là những thông tin bước đầu đáng ghi nhận.

Các bản đồ thể hiện những ghi chú có liên quan.

Một kiến giải về địa danh Vàm Cống

Trước tiên, chúng tôi khảo sát ba bản đồ do Pháp vẽ: hạt Long Xuyên năm 1886, tỉnh Long Xuyên năm 1901 và tỉnh Long Xuyên năm 1925. Trong đó, đoạn sông Hậu từ rạch Long Xuyên đến rạch Cái Sắn có một số cù lao/cồn (Pháp viết không dấu) như sau:

- Cồn Ba Que (Bà Quế) nằm sát bờ Đông (bờ thành phố Long Xuyên ngày nay).

- Một cồn nhỏ không đọc được tên, nằm sát bờ Tây (bờ huyện Chợ Mới ngày nay).

- Một cồn nhỏ không đọc được tên, nằm sát bờ Đông, bên dưới cồn Bà Quế.

- Cồn Cai Cong (có thể là Cái Cống) nằm giữa sông Hậu.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với thực tế hiện nay lại không thấy có cồn nào trên đoạn sông này. Cồn Bà Quế tức cồn Phó Quế đã dịch chuyển và dính vào bờ Long Xuyên trở thành khóm Phó Quế thuộc phường Mỹ Quý, nhưng cồn Cái Cống sau một thế kỷ đã biến đi đâu?

Quay lại bản đồ 1901, phía bờ Đông sông Hậu nhìn từ Bắc xuống Nam có rạch Cái Đôi, rạch Cái Gia, rạch Trường Tiền và cuối cùng là rạch Lấp Vò - cả bốn cùng đổ ra sông Hậu. Trong đó rạch Lấp Vò lớn nhất, chảy từ chợ Lấp Vò đến sông Hậu, chính là rạch Cái Tàu Thượng.

Đối chiếu với bản đồ vệ tinh của Google hiện nay, cả bốn con rạch đó vẫn còn. Song điểm đáng chú ý là chúng không còn đổ trực tiếp ra sông Hậu như bản đồ 1901 mà bị chắn bởi một cái cồn. Cồn này được chú thích là cồn An Thạnh, thuộc hai xã Hòa Bình và Hòa An của huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang). Rất có thể nó chính là cồn Cai Cong (có thể là Cái Cống) đã dịch chuyển gần về bờ Đông sông Hậu hơn so với đầu thế kỷ XX, nên hiện nay đã án ngữ bốn con rạch nói trên.

Cũng trên bản đồ 1901 có một đường vạch ngang sông Hậu nhưng không chú thích, vị trí ở dưới cồn Cái Cống và ở trên rạch Cái Sắn. Có thể hiểu đây là một tuyến đường thủy (đò ngang) và cũng dễ nhận ra đó là vị trí của phà Vàm Cống. Như vậy nơi đây từ trước đã có bến đò tự phát của người dân, đến năm 1925 chính quyền Pháp mới xây dựng bến bac Vàm Cống. Trong tiếng Pháp “bac” nghĩa là phà, người miền Nam quen gọi là “bắc”.

Đến đây, một số vấn đề khác lại tiếp tục được đặt ra. Chẳng hạn, làm sao khẳng định cồn An Thạnh chính là cồn Cái Cống? Nếu cồn Cái Cống từ đầu thế kỷ XX đến nay đã thay đổi cả địa hình lẫn địa danh, vậy trước thế kỷ XX nó từng như thế nào? Chúng tôi tiếp tục tra cứu các thư tịch triều Nguyễn và phát hiện một số chi tiết quan trọng.

Sự thay đổi địa giới thôn An Hòa

Các sách địa chí khi đề cập đến khu vực này đều không thấy địa danh Cái Cống. Chỉ riêng “Địa bạ” (1836) triều Minh Mạng có chi tiết: “An Hòa thôn ở ba xứ Cái Súc, Châm Ba châu, Cái Cùng” (Nguyễn Đình Đầu 1995: 229). Về mặt từ ngữ, Cái Cùng gần với Cái Cống, có thể người Pháp khi viết địa danh bằng hệ chữ Latinh đã có sự nhầm lẫn.

Thôn An Hòa từ triều Nguyễn đến thời Pháp cơ bản không có nhiều thay đổi. Trung tâm của thôn là phần đất bờ Đông sông Hậu (đối diện thành phố Long Xuyên ngày nay) có diện tích lớn nhất. Ngoài ra còn có phần đuôi cù lao Ông Hổ và cồn bãi nhỏ trên sông. Năm 1916, phần đuôi cù lao Ông Hổ tách ra khỏi làng An Hòa để nhập với hai làng Mỹ Hội Tiểu và Hưng Châu thành làng Mỹ Hòa Hưng. Lúc này làng An Hòa chỉ còn phần đất bờ Đông sông Hậu và cù lao trên sông.

Năm 1939, làng An Hòa nhập với làng Bình Thành Tây thành làng Hòa Bình. Năm 1979, xã Hòa Bình lại tách thành hai xã là Hòa Bình và Hòa An, trong đó xã Hòa Bình gần tương ứng với làng An Hòa xưa và xã Hòa An gần tương ứng với làng Bình Thành Tây xưa. Ngày nay, dấu tích còn lại liên quan tới địa danh thôn An Hòa chính là bến phà An Hòa, nối từ thành phố Long Xuyên sang huyện Chợ Mới. “Địa bạ” cho biết, cồn Cái Cùng thuộc thôn An Hòa, mà cồn An Thạnh ngày nay thuộc hai xã Hòa Bình và Hòa An - hậu thân của thôn An Hòa, từ đó có thể hiểu cồn An Thạnh cũng là hậu thân của cồn Cái Cùng (Cái Cống).

 Thế nhưng, nếu tiếp tục lấy Cái Cùng làm từ khóa để tra cứu, chúng tôi nhận thấy các thư tịch ra đời trước “Địa bạ” (1836) đều không có địa danh này.

Những ghi chú về các cù lao

“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (1806) chép: “500 tầm, phía bên phải sông có cồn, tục gọi là cù lao Cái Phí, phía trên giáp rạch Cái Đôi, trên đó có dân cư, đến rạch Cái Phí, rạch ở phía trái (…) 500 tầm, giữa sông có cồn, tục gọi là cù lao Bần, phía dưới giáp với rạch Cá Hồ, trên đó không có dân cư, đến rạch Lấp Vò, rạch ở phía bên trái” (Lê Quang Định 2005: 331).

“Gia Định thành thông chí” (1820) chép: “Qua châu: Tục gọi là cù lao Bí, ở phía Tây sông Cường Thành, thuộc hạ lưu Hậu giang. Trên giáp cù lao Châm Pha đồng thời làm ruộng vườn thôn An Hòa, dưới giáp cù lao Thủy Liễu (cù lao Bần)” (Trịnh Hoài Đức 2004: 15).

Thông tin từ hai tư liệu nói trên khá thống nhất: cù lao Cái Bí nằm trên, cù lao Bần nằm dưới. Song khi đem những thông tin này so sánh với “Địa bạ” triều Nguyễn và với bản đồ thời Pháp lại có sự khác biệt. Theo “Địa bạ”, “An Hòa thôn ở ba xứ Cái Súc, Châm Ba châu, Cái Cùng” và “Bình Thành Tây thôn ở năm xứ Tây An, Thủy Liễu, Thông Đạo, Tang Điền, Thủ Ngãi” (Nguyễn Đình Đầu 1995: 229). Điều đó nghĩa là cù lao Cái Cùng nằm trên và thuộc thôn An Hòa, cù lao Bần nằm dưới và thuộc thôn Bình Thành Tây. Thế nhưng, bản đồ lại thể hiện cù lao Cái Bí nằm trên và thuộc thôn An Hòa, cù lao Cái Cùng nằm dưới và thuộc thôn Bình Thành Tây.

Rõ ràng là từ đầu triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc, hai cù lao cơ bản không thay đổi về địa hình, nhưng lại xuất hiện đến ba địa danh. Trong đó, chắc chắn tên cù lao Cái Bí chỉ được sử dụng cho cù lao phía trên và tên cù lao Bần chỉ được sử dụng cho cù lao phía dưới. Riêng tên cù lao Cái Cùng lại không rõ ràng, vào triều Nguyễn nó được dùng để chỉ cù lao phía trên, nhưng thời Pháp nó lại được dùng để chỉ cù lao phía dưới.

Chúng ta không thể khẳng định “Địa bạ” triều Nguyễn đã nhầm hay bản đồ thời Pháp đã nhầm, chỉ biết rằng từ thời Pháp thuộc, cù lao Bần được ghi tên là cù lao Cai Cong. Nếu đã xác định sự tồn tại của cù lao Cái Bí và cù lao Bần, đồng thời biết được trong hai cù lao ấy có một được gọi là Cái Cùng/Cái Cống và nó chính là cồn An Thạnh ngày nay, vậy một còn lại đã đi đâu?

Câu trả lời là nó không đi đâu cả. Theo “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, cù lao Cái Bí nằm bên phải sông và phần đầu ngang với rạch Cái Đôi, cù lao Bần nằm giữa sông và phần đầu ngang với rạch Cái Bí. Hiện nay hai con rạch nầy vẫn còn, nếu lấy chúng đối chiếu với thực địa thì ngang rạch Cái Đôi là đầu cồn An Thạnh và ngang rạch Cái Bí vẫn là cồn An Thạnh. Tại vị trí ngang rạch Cái Bí, trên cồn An Thạnh có một con rạch nhỏ chia cồn làm hai phần: 2/3 phía trên thuộc xã Hòa Bình (thôn An Hòa xưa) và 1/3 phía dưới thuộc xã Hòa An (thôn Bình Thành Tây xưa). Điều này phù hợp với các thư tịch triều Nguyễn: cù lao trên thuộc thôn An Hòa, cù lao dưới thuộc thôn Bình Thành Tây. Như vậy, chính cù lao Bần đã dịch chuyển vừa gần về bờ Đông, vừa sát vào cù lao Cái Bí.

*

*   *

Qua những phân tích bên trên, có thể nhận định khu vực các cù lao phía trên phà Vàm Cống đã không chỉ thay đổi về địa danh mà cả địa hình. Dưới triều Gia Long, cù lao Cái Bí nằm gần bờ Đông sông Hậu thuộc thôn An Hòa, dưới nó là cù lao Bần nằm giữa sông Hậu thuộc thôn Bình Thành Tây. Đến triều Minh Mạng, cù lao Cái Bí được ghi tên là cù lao Cái Cùng. Thời Pháp thuộc, địa hình không thay đổi nhiều, nhưng địa danh đã khác: cù lao Bần được ghi tên trên bản đồ là cù lao Cai Cong (Cái Cống - xuất phát từ địa danh Cái Cùng).

Hiện nay, cù lao Cai Cong đã dịch chuyển gần bờ Đông sông Hậu và sát vào cù lao Cái Bí, trở thành cồn An Thạnh. Trong đó, 2/3 phía trên thuộc xã Hòa Bình tương ứng với cù lao Cái Bí thuộc thôn An Hòa xưa, 1/3 phía dưới thuộc xã Hòa An tương ứng với cù lao Bần thuộc thôn Bình Thành Tây xưa, giữa hai phần này có một con rạch cắt ngang chính là dấu tích còn lại từ hai cù lao xưa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Lê Quang Định (2005), “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, Phan Đăng dịch, Nxb Thuận Hóa.

2.Nguyễn Đình Đầu (1995), “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang”, NXB TP.HCM.

3.Trịnh Hoài Đức (2004), “Gia Định thành thông chí (Quyển 2: Sơn xuyên chí)”, Lý Việt Dũng dịch & Huỳnh Văn Tới hiệu đính, NXB Tổng hợp Đồng Nai, Bản điện tử: www.namkyluctinh.com.

Vĩnh Thông

Chia sẻ bài viết