10/10/2014 - 20:53

“Hiệp sĩ mù” khẳng định công thức làm phim ăn khách

Trước khi ra mắt, “Hiệp sĩ mù” gây tò mò bởi nhiều chiêu PR có một không hai của nhà đầu tư Đàm Vĩnh Hưng. Đặc biệt, sau khi vừa khởi chiếu, lại càng sốc hơn bởi thông tin có Việt kiều đề nghị “mua đứt” phim với giá 50 tỉ đồng với điều kiện phim ngừng chiếu ở Việt Nam (!).

Xem xong “Hiệp sĩ mù” (đang chiếu tại cụm rạp CGV Cần Thơ thuộc Trung tâm Thương mại Sence City), có thể nói, đây là một phim không chán nhưng cũng không sâu sắc; coi xong không có gì để chê nhưng cũng chẳng có gì để nhớ. Chỉ có chăng là “Hiệp sĩ mù” khẳng định thêm công thức làm phim ăn khách của Việt Nam hiện nay (vốn đã được dùng trong “Scandal Bí mật thảm đỏ”, “Quả tim máu”…): một chút lãng mạn + một chút ma mị + một chút hài hước + một chút võ thuật trong câu chuyện lồng ghép triết lý nhân- quả, cùng kỹ thuật quay và hậu kỳ đạt chuẩn quốc tế.

* * *

 Cuộc đối đầu quyết liệt giữa Linh và Cường chột trong phim.

Nhân vật chính của “Hiệp sĩ mù” là Cường, một tay ma cô hạng bét ở Sài Gòn, mỗi lần không đủ tiền đóng bảo kê đều phải cho vợ ngủ với Lâm Đại ca để trừ nợ. Một lần nổi máu yên hùng, Cường đánh nhau với Lâm Đại ca rồi dắt vợ bỏ trốn. Trên đường đi, biết tin một em bé dân tộc ở Tây Bắc vừa sinh ra đã có đôi mắt màu xanh, vợ chồng Cường tìm mọi cách đoạt đôi mắt đó vì một ông già mù bí ẩn báo mộng rằng đôi mắt xanh sẽ cho Cường tất cả. Chiếm được đôi mắt, Cường có sức mạnh phi thường và khả năng nhìn thấu suy nghĩ của người khác. Hắn thâu tóm các băng đảng và trở thành ông trùm với biệt danh “Cường chột”. Trong khi đó, gia đình đứa bé tan nát khi cha chết, đứa bé bị mù, người mẹ phải ôm con bỏ trốn. Đứa bé được một sư cô trong chùa nuôi dưỡng, truyền dạy võ công và đặt tên là Linh. 17 năm sau, mẹ Linh qua đời nhưng hồn không siêu thoát bởi chưa hoàn thành tâm nguyện hai mẹ con được nhìn thấy nhau. Linh phải đi tìm Cường chột phá giải bùa chú để linh hồn mẹ cô được yên nghỉ...

Nổi tiếng với dòng phim nghệ thuật qua các tác phẩm: “Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”, “Lấy chồng người ta”, đạo diễn Lưu Huỳnh khiến khán giả ngạc nhiên khi nhận một phim đậm chất giải trí như “Hiệp sĩ mù”. Có lẽ nhờ tài năng của anh mà “Hiệp sĩ mù” không bị “quá lố”, các yếu tố lãng mạn- hài hước- huyền bí- võ thuật được cân bằng khá dễ chịu. Nhiều đoạn trong phim có không gian đậm chất điện ảnh của một phim kiếm hiệp thời hiện đại với những ân oán giang hồ và luật đời vay trả. Cuộc đời của hai nhân vật chính: Linh (Ngọc Thanh Tâm đóng) và Cường (Bình Minh đóng) được phát triển song song, làm nổi bật sự đối lập giữa cái thiện và cái ác. Nhân vật phản diện “Cường chột” có phần lấn át nhân vật chính diện khi được khai thác sâu về hoàn cảnh, tính cách và diễn biến tâm lý. Những nhân vật anh chị khét tiếng trong giới giang hồ như Lâm Đại Ca (Quốc Cường), Hoàng (Quách Ngọc Ngoan)... cũng có những khúc mắc trong cuộc đời và không phải là kẻ xấu đến tận cùng.

Tất nhiên trong thời buổi công nghệ làm phim tiến bộ như hiện nay, “Hiệp sĩ mù” có hình ảnh, âm thanh đạt hiệu ứng cao. Điểm trừ lớn nhất trên phim là diễn xuất non nớt của diễn viên chính Ngọc Thanh Tâm trong vai Linh, khiến đôi lúc phim bị “đơ” cùng nét diễn thiếu cảm xúc của cô.

* * *

Nói chung, không xem “Hiệp sĩ mù” thì cũng không đến nỗi đáng tiếc. Nhưng nếu không xem, thì dường như đang lạc lõng giữa lúc truyền thông, nhất là báo điện tử và các trang mạng xã hội xôn xao bàn tán về “Hiệp sĩ mù” cùng những câu chuyện gây tò mò của người bỏ vốn đầu tư. Quan trọng hơn hết, đi xem “Hiệp sĩ mù” còn giúp các nhà làm phim có thêm động lực, thêm vốn, để sáng tạo ra những phim ăn khách có công thức mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn loạt phim vừa qua. Đó cũng là cách hay ủng hộ phim Việt.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết