27/10/2020 - 08:46

Ðể những điểm mới của Thông tư 32 phát huy hiệu quả 

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 32), có hiệu lực từ đầu tháng 11 này, quy định một số nét mới liên quan đến học sinh, giáo viên. Đáng chú ý, học sinh có thể sử dụng điện thoại di động phục vụ học tập trong giờ lên lớp. Điều này đã mở cơ hội học tập mới cho học sinh, nhưng đòi hỏi các biện pháp triển khai phù hợp để không bị sai mục đích.

Học sinh Trường THCS Tân Thới sử dụng điện thoại (ngoài giờ trên lớp) tìm tài liệu học tập phục vụ môn Sinh học.

Em Lê Thị Phương Nhi, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Tân Thới (huyện Phong Ðiền), cho biết: “Sử dụng điện thoại di động đúng mục đích sẽ hỗ trợ chúng em nhiều trong việc học. Ví dụ như bây giờ em đang tìm thông tin liên quan đến môn Sinh học, từ lý thuyết ứng dụng vào thực hành thực tế cụ thể, dễ hiểu hơn”. Còn Thái Nguyễn Anh Duy, học sinh lớp 12A14, Trường THPT Bình Thủy, cho biết: “Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ học tập là cần thiết và phù hợp hiện nay. Chúng em có thể tra cứu tìm tài liệu học tập và mở rộng bài học trên điện thoại”.

Ghi nhận thực tế ở một số trường trung học ở TP Cần Thơ, phần lớn giáo viên, học sinh đồng tình chủ trương sử dụng điện thoại để phục vụ việc học, tuy nhiên cần xây dựng cách triển khai phù hợp, đảm bảo không bị sai mục đích. Theo cô Lê Thùy Trang, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Bình Thủy, học sinh có thể sử dụng điện thoại phục vụ việc học tập, như tra cứu thông tin, tìm tài liệu cho bài học... Cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, cho rằng: “Thông tư cũ có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là do lo ngại các em sử dụng không đúng mục đích. Nếu vận dụng tốt Thông tư 32 sẽ thổi luồng gió mới trong phong trào dạy và học, bởi đây cũng là cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học. Học sinh được sử dụng điện thoại phục vụ việc học, dưới sự giám sát của giáo viên, giúp tiết học sinh động hơn”.

Năm học 2020-2021 là niên khóa đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Bậc học trung học, mầm non cũng có nhiều đổi mới, hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Việc giáo viên, học sinh có thể sử dụng điện thoại di động để phục vụ việc dạy và học cũng nằm trong xu thế đó. Tuy nhiên, để Thông tư này đi vào thực tế hiệu quả, theo nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh, cần có sự quản lý, giám sát từ nhà trường, gia đình và ý thức học sinh. Ðầu năm học này, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ đã triển khai một số quy định mới (trong đó có Thông tư 32) đối với giáo dục bậc trung học. Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở và các Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận, huyện đã hướng dẫn, phân tích cụ thể quy định mới của Thông tư này đến cán bộ, giáo viên.

Tại Trường THCS Tân Thới, 42 cán bộ, giáo viên cùng 621 học sinh được tiếp cận Thông tư 32. Thầy Lê Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Bên cạnh triển khai điểm mới, nhà trường quản lý học sinh bằng nhiều cách. Tại lớp có giáo viên, giờ ra chơi có sự giám sát của giám thị để tuyên truyền giáo dục các em”. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh học sinh để giáo dục, kiểm tra giám sát, tránh cho các em sử dụng điện thoại sai mục đích. Lãnh đạo Trường THPT Bình Thủy đã đưa vào kế hoạch năm học này một số quy định mới của Thông tư 32 cụ thể, rõ ràng đến tất cả thầy cô, tuyên truyền phụ huynh để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Mỗi giáo viên có phương pháp kiểm soát học sinh bằng nhiều hình thức, đơn cử như chia nhóm học sinh để mang lại hiệu quả cao nhất trong giảng dạy”. Cô Lê Thùy Trang cho biết: “Trong một bài học, có hoạt động tìm hiểu đặc điểm, thông tin vùng miền. Nhóm học sinh sử dụng điện thoại, tôi chọn 4 em/nhóm để cùng sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định (5 phút/1 hoạt động), học sinh không có thời gian để truy cập thông tin khác. Những nhóm khác có thể linh hoạt đọc sách tìm thông tin trả lời, cũng có nhóm sẽ trả lời theo kiến thức và suy nghĩ riêng của các em”. Nhiều ý kiến hiến kế thêm rằng nên thí điểm ở một số trường, nếu tác động tích cực đến học sinh thì thực hiện mở rộng ra các trường khác. Bởi trong một lớp học có nhiều học sinh, thầy cô khó quản lý được tất cả.

*
*       *

Trong Thông tư 32 còn quy định một số điểm mới khác, như: giảm hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên; tăng số lần lưu ban của học sinh… Nhất là việc xử lý học sinh vi phạm kỷ luật hoặc có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện, các em sẽ không còn bị cảnh cáo ghi học bạ, không còn bị buộc thôi học có thời hạn. Thay vào đó chỉ tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Nhiều cán bộ, quản lý các trường phổ thông ở Cần Thơ cho rằng: Thông tư 32 thể hiện rõ cách giáo dục, kỷ luật tích cực đối với học sinh. Bởi ở lứa tuổi trung học, tâm sinh lý học sinh rất nhạy cảm, nên việc phê bình học sinh trước đám đông hay đuổi học, sẽ gián tiếp khiến học sinh có tâm lý chán nản, bỏ học. Do vậy, thay vì đuổi học, các trường có thể thực hiện nhiều hình thức giáo dục học sinh, thông qua Tổ Tâm lý học đường, kết hợp với việc giáo viên gần gũi trao đổi trực tiếp với học sinh, phối hợp với phụ huynh giúp các em sửa chữa khuyết điểm.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết