30/08/2019 - 04:41

“Đòn bẩy” tín dụng chính sách 

Cuối năm 2014, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (bìa trái), giới thiệu vườn cam xoàn được chăm sóc, phát triển nhờ một phần sự hỗ trợ từ vốn vay NHCSXH.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (bìa trái), giới thiệu vườn cam xoàn được chăm sóc, phát triển nhờ một phần sự hỗ trợ từ vốn vay NHCSXH.

Gần 3 năm vun trồng, chăm bón, vườn cam xoàn 200 gốc của anh Nguyễn Thanh Hùng đã phát triển xanh tốt, sai trái trĩu cành. Trước đây, vợ chồng anh Hùng sống ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Gần 3 năm trước, anh chị mới quyết định chuyển về sinh sống và lập nghiệp tại quê của anh ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh. Bao nhiêu vốn liếng, anh chị đổ vào cải tạo 2 công đất vườn của cha mẹ cho, mua cây giống và chăm sóc cây ban đầu. Có nghề đan cần xé, hằng ngày anh chị miệt mài làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt và bổ sung vào nguồn vốn chăm sóc vườn cam. Tuy nhiên, đến khi cây đủ sức cho trái chiếng thì anh chị cạn túi. Đúng lúc này, anh chị được hội đoàn thể và chính quyền địa phương giới thiệu, bình xét cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Nhờ đó, anh chị xoay xở được chi phí phân thuốc cần thiết để đảm bảo lứa trái chiếng đạt hiệu quả cao nhất. Anh Hùng cho biết: “Bắt tay lập nghiệp với nguồn vốn liếng ít ỏi, trong khi 2 con trai đều còn đi học nên vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn. Nhờ sự tiếp sức của nguồn vốn vay này mà vườn cam được chăm bón đầy đủ, đảm bảo sinh trưởng và phát triển đúng kế hoạch, giúp vợ chồng tôi nhẹ lo rất nhiều”.

Theo chị Lý Minh Mỹ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Bình, một trong những điều kiện giúp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng ở địa phương là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo UBND xã. Định kỳ trước phiên giao dịch hằng tháng, Chủ tịch UBND xã đều chủ trì cuộc họp giao ban các hội đoàn thể nhận ủy thác và Tổ trưởng các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc. Trực tiếp cùng đại diện Hội đoàn thể nhận ủy thác gặp gỡ các hộ vay để kịp thời xử lý các khoản nợ rủi ro và nợ đến hạn.

Kết quả, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua đã giúp cho 35.800 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giúp cho 12.678 học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; 19.098 lao động được tạo việc làm; 23 lao động được đi làm việc ở nước ngoài; 114.145 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây mới hoặc sửa chữa; xây dựng 330 nhà ở hộ nghèo và 137 khách hàng được vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn ngân sách thành phố, NHCSXH đã cho 2.264 hộ vay kinh doanh trên chợ nổi Cái Răng và phát triển du lịch sinh thái với số tiền 110 tỉ đồng; cho vay Nước sạch và vệ sinh môi trường tại các phường thuộc quận và thị trấn thuộc huyện cho 4.764 hộ, số tiền 61,8 tỉ đồng.

Vĩnh Thạnh là một trong các quận, huyện tiêu biểu trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Anh Tạ Thanh Tuyến Tính, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, cho biết: “Huyện ủy Vĩnh Thạnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo UBND huyện kịp thời kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện khi có thay đổi thành viên; giao nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể cho từng thành viên của Ban đại diện. Từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Từ những năm đầu thực hiện Chỉ thị, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện rất quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH huyện. Lũy kế số vốn ngân sách huyện chuyển sang đến 30-6-2019 đạt 2,5 tỉ đồng”.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với công tác tín dụng chính sách; sự chỉ đạo quyết liệt của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố cùng sự nỗ lực của các sở, ngành, hội đoàn thể, cán bộ NHCSXH và hộ vay, tín dụng chính sách địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH cho vay đã tăng 4,1 lần, với số tiền ủy thác từ 2015 đến nay là 165,1 tỉ đồng; cấp quận, huyện đã ủy thác nguồn vốn 8,5 tỉ đồng, tăng 100% so với năm 2014. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đến cuối tháng 6-2019 đạt 2.390,3 tỉ đồng, tăng 1.102,4 tỉ đồng so với năm 2014, đã giúp cho 181.725 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay trên 3.466 tỉ đồng, bình quân mỗi năm 578 tỉ đồng. Nợ quá hạn và nợ khoanh còn 8 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 0,33% trên tổng dư nợ), giảm 7,8 tỉ đồng so với năm 2014.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái sau nhà, ông Nguyễn Văn Long, 64 tuổi, ngụ ấp Nhơn Lộc 2A, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn này, chắc tới giờ gia đình tôi chưa thể thoát nghèo được”. Từ năm 2013 đến 2019, ông Long được tiếp cận vay vốn các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng số vốn vay 58 triệu đồng, đầu tư vào vườn cây ăn trái với 200 gốc cam mật, 100 bụi chuối cau, 280 bầu khoai từ và 40 gốc dâu tàu. Quá trình vay vốn, ông Long luôn hoàn trả nợ vay đúng hạn và là một trong những thành viên đóng lãi, gởi tiết kiệm định kỳ sớm nhất của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thuộc Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Lộc 2A, thị trấn Phong Điền. Sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp gia đình thoát nghèo bền vững. Huê lợi từ vườn cây ăn trái mấy năm qua đã giúp ông Long có thu nhập ổn định, trả được nợ vay cất nhà từ nhiều năm trước, sửa, xây mới gian nhà sau. Ông còn dự kiến cuối năm 2019, sau khi dỡ khoai từ, sẽ lên liếp trồng thêm 100 gốc cam mật và bưởi da xanh; đồng thời sơn sửa gian nhà chính...

Không chỉ những hộ đã nêu, 5 năm qua, hàng trăm ngàn hộ đã được vay nguồn vốn chính sách xã hội. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, giúp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thể hiện ngày càng tốt hơn vai trò đòn bẩy, giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từng địa phương.

Bài; ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết