26/05/2024 - 21:15

“Độc lạ”
Quán cà phê Nhà Quê 

Tận dụng lợi thế vùng núi và 3.500m2 đất ruộng của gia đình, chị Trần Thị Gia Hạnh (34 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) đã xây dựng nên quán cà phê thu hút đông đảo giới trẻ tìm đến check-in.

Quán rộng 1.000m2 với cây cầu ván xuyên ruộng tạo thành khung cảnh ấn tượng.

Quán cà phê mang tên Nhà Quê được xây dựng xen lẫn nét xưa và hiện đại tọa lạc tại cầu số 10, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang với không gian thanh bình, cánh đồng lúa xanh rì kéo dài đến tận chân trời, xa xa là những ngọn núi trập trùng vây bọc lấy làng quê khiến du khách thích mê tìm đến.

Năm 2011, chị Hạnh tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại của Trường Đại học An Giang, sau thời gian làm việc nhiều nơi, nhận thấy quê hương mình có nhiều cảnh đẹp nên chị rời phố trở về quê khởi nghiệp, góp phần phát triển du lịch địa phương. “Sau tốt nghiệp tôi lên Sài Gòn làm việc 3 năm, sau đó trở về TP Long Xuyên làm trong ngành ngân hàng. Nhưng đi nhiều nơi, thấy cảnh sắc quê hương mình đẹp đâu thua kém nơi nào, tôi nảy sinh ý tưởng về quê khởi nghiệp từ lợi thế cảnh sắc quê nhà”, chị Hạnh cho biết. Năm 2021, chị Hạnh bắt tay vào xây dựng quán, vợ chồng chị tự lên ý tưởng thiết kế với nhiều góc chụp hình “sống ảo” cực đẹp. Năm 2022, quán cà phê mang tên Nhà Quê chính thức đi vào hoạt động với diện tích 1.000m2. Quán có 2 khu được thiết kế riêng biệt, gồm khu cà phê xưa và khu cà phê hiện đại.

Chị Hạnh (ở giữa) đã rời phố về quê dựng nên quán cà phê đầy thơ mộng.

“Tôi thuộc dạng đời cuối 8X nên tiếp xúc nhiều với những trang thiết bị, vật dụng xưa nên tôi mong muốn tái hiện lại khung cảnh hoài niệm đó. Ngoài ra, tôi kết hợp với thiết kế hiện đại theo phong cách Đà Lạt thơ mộng để khách có nhiều lựa chọn chụp ảnh”, Hạnh nói. Để tạo điểm nhấn thú vị cho quán, chị còn tận dụng diện tích 3,5 công đất ruộng của gia đình để xây dựng nên “căn nhà chữa lành”, với cầu ván bắc dài gần 20m ra căn nhà chơi vơi giữa ruộng, để du khách đón được 2 khung cảnh thiên nhiên ấn tượng nhất trong ngày là bình minh và hoàng hôn. Thiết kế cũng dựa trên ý tưởng những khu du lịch nổi tiếng ở nước ngoài và phát triển thêm để phù hợp với khung cảnh địa phương. Theo chia sẻ của chị Hạnh, “căn nhà chữa lành” là nơi có view đẹp nhất và được nhiều bạn trẻ check-in nhất khi đến quán. Sau mỗi mùa gặt lúa cũng là lúc những cánh diều được bay lượn trên bầu trời.

Cánh đồng vào mùa gặt lúa trở thành địa điểm thả diều thu hút giới trẻ mỗi chiều.

Khi những con nước bắt đầu đổ về từ thượng nguồn sông Mekong, miền Tây bước vào mùa nước nổi kéo dài từ khoảng tháng 8 đến tháng 11. Chiếc cầu ván bắc xuyên cánh đồng tạo nên không gian giữa đồng nước mênh mông giống như mặt ruộng vô cực. Quán sẽ trang bị bè để khách có thể di chuyển đến “căn nhà chữa lành” hoặc trải nghiệm bơi xuồng và tắm đồng. “Cuộc sống làm việc căng thẳng, ai cũng mong muốn có nơi bình yên để giảm đi cái mệt mỏi nơi phố thị. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng xây dựng căn nhà chữa lành giữa đồng, xung quanh là view núi cực đẹp. Đến đây vào mùa lúa thì xanh rì, lúc lúa chín thì phủ một màu vàng đẹp mắt, đến mùa lũ về thì đường ngập, căn nhà chơi vơi giữa đồng cũng là điểm nhấn thú vị để du khách tìm chút bình yên sau những giờ làm việc căng thẳng”, chị Hạnh cho biết. Thời điểm ban đầu chỉ có học sinh và người dân địa phương tìm đến. Nhưng khi quán nhận được sự quan tâm nhiều trên các trang mạng xã hội, lượt khách đến ngày một đông. Đến nay, những ngày cao điểm như cuối tuần hoặc những ngày lễ, lượng khách tìm đến khoảng từ 400-500 khách mỗi ngày.

Anh Mai Huỳnh Đức đến từ huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), chia sẻ: “Quán cà phê này không phải là một cái tên xa lạ đối với các bạn trẻ chuyên đi săn ảnh ở An Giang. Đến đây bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng, được ngắm đồng ruộng miền Tây xanh ngát và còn có thể thấy cả núi Cấm và núi Cô Tô. Trong quán cũng có rất nhiều chỗ để chụp ảnh tùy theo mùa, mùa nào cũng đẹp, chỉ cần ngồi vào là bạn có ngay những bức ảnh cực kỳ ảo diệu”.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết