Nghề “chạy” dây keo hay gọi nôm na là nghề đánh dây thừng, bện dây thừng tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được xem như một nghề “độc” nhất miền Tây, bởi mỗi lao động phải “chạy” từ 10-20km, giúp họ kiếm thu nhập vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Người làm nghề.
Nơi được mệnh danh là “Xóm chạy” nằm cách trung tâm UBND xã Mỹ Hội Đông chừng vài cây số. Làng nghề hình thành từ năm 1995, xuất phát từ việc sử dụng dây keo để làm dây neo cho tàu ghe, dây kéo lưới, dây cột động vật và phổ biến trong lĩnh vực công nghiệp. Dây làm ra không chỉ bán trong vùng mà còn xuất đi cả Campuchia. Theo những người thợ lành nghề tại đây, nghề này làm được quanh năm, đắt hàng nhất là vào dịp Tết. Riêng chỉ có tháng 11, tháng 12 thì ít làm hơn các thời điểm khác. Đây cũng là nghề giúp cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương có thêm thu nhập và từ người già, trẻ em, phụ nữ đều có thể làm được.
Để ra một sợi dây thừng thành phẩm phải trải qua 4 công đoạn và chạy 3 lượt, mỗi lượt gần 200m. Trung bình một ngày, mỗi người lao động phải chạy khoảng từ 10-20km không thua gì vận động viên chạy bộ! Công việc làm dây keo tại địa phương này nhìn có vẻ rất đơn giản. Nhưng tốn sức, người thợ theo nghề phải thức từ 4 giờ sáng, đốt đèn để làm đến khoảng 15 giờ chiều. Đặc biệt, phải liên tục chạy nhiều giờ liền nên cần sức khỏe thật dẻo dai.
Mỗi ngày một lao động phải “chạy” từ 10-20km.
Nghề “chạy dây” yêu cầu tính tỉ mỉ và kiên trì, bởi vì nếu vội vàng những sợi dây sẽ vướng lại với nhau rối tung lên. Công việc này cũng đòi hỏi người cùng làm và phải có sự tương tác. Cụ thể, một người sẽ đảm nhận việc chia dây và quấn dây, người còn lại nhận nhiệm vụ căng dây và se dây. Vậy nên phải có sự phối hợp nhịp nhàng để nhả dây từ từ, nếu quá nhanh sẽ rối, còn chậm người kéo sẽ rất nặng.
Dưới cái nắng oi ả, những khuôn mặt lam lũ vẫn miệt mài với công việc. Dù là đàn ông, phụ nữ hay người già... khi gắn bó lâu năm với nghề này đôi bàn tay đều chai sần, nhưng luôn nhanh thoăn thoắt. Bà Khâu Lệ Thủy (45 tuổi, ngụ xã Mỹ Hội Đông) cho biết, để làm ra được một sợi dây tùy kích thước thì phải trải qua nhiều công đoạn như chia những sợi dây vào các kẽ lược; buộc dây cố định vào một dụng cụ cào; cầm cào này di chuyển ra bãi đất trống đi qua các “ngựa”; se thành các cuộn dây với kích thước lớn, nhỏ khác nhau theo yêu cầu. “Nghề này ngoài việc chạy hàng chục cây số mỗi ngày, còn phải phơi mình dưới cái nắng oi bức suốt cả ngày. Nếu dây to phải chọn đến hơn trăm sợi, dây nhỏ thì vài chục sợi nên tốn rất nhiều công sức”, bà Thủy chia sẻ.
Ông Hồ Văn Ngoạn (60 tuổi, ngụ xã Mỹ Hội Đông) cho biết, dù tốn sức đi bộ nhiều nhưng bù lại nghề se dây mang đến thu nhập ổn định và cao hơn so với một số nghề khác. Bình quân một ký dây thành phẩm, mỗi người được trả công từ 1.800-5.000 đồng. Tính ra một ngày, người làm nghề có thu nhập từ 300.000-400.000 đồng. Ông Đinh Văn Út (60 tuổi, ngụ xã Mỹ Hội Đông) cho biết, nghề này tuy vất vả nhưng có thể làm quanh năm, lại có thể kiếm được tiền hằng ngày để trang trải chi phí. Ngoài ra, nhờ việc làm gần nhà, không phải ly hương mưu sinh nên rất chuộng lao động.
Theo ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông, theo thống kê toàn xã có hơn 500 lao động làm nghề dây keo, mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Những người làm giỏi và liên tục các ngày trong tháng sẽ có thu nhập cao hơn nhiều. “Làng nghề sản xuất dây keo phát triển là tín hiệu đáng mừng cho công tác an sinh của địa phương. Thay vì thời gian trước nhiều người phải ly hương đến thành phố mưu sinh thì nay chính tại quê nhà họ vẫn có được cuộc sống ổn định. Tuy thu nhập không quá cao nhưng bù lại người lao động được làm việc gần nhà”, ông Lộc cho biết.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH