09/04/2012 - 20:56

Phường An Cư

“Điểm sáng” về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non

Các bé Trường Mầm non Phượng Hồng trong giờ ăn trưa.

Giáo dục mầm non (GDMN) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, bởi đây là bậc học quan trọng, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học cao hơn. Xác định vai trò quan trọng này, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của quận Ninh Kiều đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác này, trong đó phường An Cư được xem là “điểm sáng” về thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi.

An Cư là một trong những phường trung tâm của quận Ninh Kiều. Trên địa bàn phường có 9 trường học từ mầm non đến THPT, với nhiều trường luôn dẫn đầu về chất lượng giáo dục như: Mầm non Tây Đô, Tiểu học Lê Quý Đôn,... Theo lãnh đạo UBND phường, nhiều người dân luôn mong muốn con em mình học các trường trọng điểm trên nên thường mượn địa chỉ phường An Cư nhưng không cư trú tại phường. Số hộ cư trú trên địa bàn phường không ổn định, nhà có địa chỉ nhưng không có người ở, thậm chí trong một hộ có đến 4-5 trẻ ở độ tuổi mầm non tạm trú... Do đó, địa phương gặp khó khăn trong quá trình điều tra.

Từ thực trạng trên, UBND phường đã mạnh dạn đăng ký lộ trình hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi vào năm 2011. Ngay sau khi “Đề án phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi” được Chính phủ ban hành, UBND phường giao cho từng trường chịu trách nhiệm quản lý 2 khu vực. Đồng thời, mỗi đơn vị trường xây dựng nội dung kế hoạch GDMN cho trẻ 5 tuổi; tập huấn chương trình phổ cập cho tập thể giáo viên, như: viết phiếu điều tra từng hộ cách ghi chép, ghi nhận, cách liên hệ từng hộ gia đình. Theo ông Nguyễn Thái Việt Nhi, Phó Chủ tịch UBND phường An Cư, các ban, ngành, đoàn thể phường còn phối hợp tổ chức điều tra nắm số liệu trẻ trên địa bàn, sau đó đối chiếu lại số liệu của y tế, phòng thống kê địa phương, Ban Chỉ đạo Chống mù chữ - phổ cập giáo dục của phường. Ông Nguyễn Thái Việt Nhi cho rằng: Với cách làm này sẽ giúp các trường quản lý chặt chẽ hơn trẻ trong độ tuổi đi học ở phường. Thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi không chỉ đảm bảo quyền lợi, chăm sóc, giáo dục cho trẻ mà còn là nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học cao hơn. Qua đó giúp địa phương thực hiện hiệu quả giáo dục, đào tạo nói chung, GDMN nói riêng.

Trong số các trường thực hiện hiệu quả phổ cập GDMN 5 tuổi có thể kể đến Trường MN Phượng Hồng (ở đường Ngô Quyền). Đây là đơn vị được Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều chọn làm nơi triển khai và tập huấn chương trình phổ cập. Ngoài công tác phổ cập điều tra, Ban Giám hiệu còn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên- yếu tố quan trọng trong việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Bởi lẽ, trình độ chuyên môn, chất lượng giảng dạy của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chăm sóc, giáo dục của trẻ. Vì thế, khi bố trí giáo viên dạy lớp 5 tuổi, lãnh đạo trường chọn, phân công những giáo viên có kinh nghiệm, trình độ từ đạt đến trên chuẩn để dạy các em; triển khai sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi đến 100% số lớp MN 5 tuổi. Ngoài ra, ngay từ đầu năm học, trường còn kết hợp với ban, ngành, đoàn thể, hội cha mẹ học sinh đến từng hộ gia đình huy động trẻ 5 tuổi trên địa bàn ra lớp.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến Trường MN Phượng Hồng là những phòng học khang trang, đầy đủ các trang thiết bị. Toàn trường hiện có 322 cháu, với 8 lớp mẫu giáo và 1 lớp nhà trẻ. Bằng sự khéo léo và trí tưởng tượng, các cô giáo đã trang trí phòng ốc và đồ chơi cho con trẻ thật sinh động và hấp dẫn. Trong điều kiện khó khăn do số trẻ đông nên nhà trường đã linh động mở thêm 1 lớp bán trú, huy động thêm số trẻ của địa bàn phường. Nhờ sự ủng hộ của phụ huynh, các trang thiết bị của phòng học vừa được mở thêm tươm tất hơn... Cô Võ Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường MN Phượng Hồng, cho biết: “Qua 1 năm thực hiện công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, chất lượng các lớp 5 tuổi tiến bộ rõ rệt, các cháu nhanh nhẹn tự tin đạt những kỹ năng cần thiết; trình độ giáo viên được nâng lên. Để làm tốt công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, trước hết phải làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền cho người dân hiểu thực hiện phổ cập giáo dục không phải việc làm của riêng trường mà là của toàn xã hội”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chống mù chữ - phổ cập giáo dục của phường An Cư, hiện nay, mạng lưới trường, lớp MN ngày càng phát triển; các phòng học kiên cố, diện tích lớp học tối thiểu ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện cho người dân đưa trẻ đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp trên địa bàn đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường MN ở thể thấp còi và thể nhẹ cân chỉ còn 1,84%... Rõ ràng kết quả có được chính là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương, nỗ lực của cán bộ, giáo viên các trường trên địa bàn trong việc thực hiện hiệu quả Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết