16/12/2015 - 20:54

“Chúa đất” và khát vọng hạnh phúc

Vẫn trong mạch đề tài về vùng cao Tây Bắc quen thuộc, tiểu thuyết mới "Chúa đất" của nhà văn quân đội Đỗ Bích Thúy tiếp tục dẫn người đọc đến với những thân phận phụ nữ nhiều bất hạnh. Quen thuộc nhưng không nhàm chán bởi ở mỗi tác phẩm, Đỗ Bích Thúy khai thác vẻ đẹp và thế mạnh của từng câu chuyện...

Sách do NXB Phụ nữ phát hành quí IV-2015.

 

Trong "Chúa đất", độc giả gặp lại không gian bao la của núi rừng Tây Bắc, những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số, những khúc hát đầy tình cảm của con người nơi đây. Bối cảnh của tiểu thuyết là cuộc sống của người dân tộc Mông, Hà Giang, cách đây 200 năm, nơi có truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng. Cuộc đời ông ta gắn liền với sự tích cây cột đá hành quyết, chuyên để treo những ai vi phạm luật lệ do ông đặt ra. Từ truyền thuyết đó, Đỗ Bích Thúy đã xây dựng nên câu chuyện về khát khao hạnh phúc của những người phụ nữ bị Sùng Chúa Đà về làm vợ bé hoặc làm con ở.

Bằng văn phong đầy thương yêu, cảm thông cho thân phận người phụ nữ, Đỗ Bích Thúy đã khắc họa sắc nét tính cách những người phụ nữ chẳng may rơi vào tay chúa đất. Đó là bà Cả - vợ lớn của chúa đất – luôn yêu chồng, hết lòng chăm lo cho gia đình, không hề hối hận là đã trao đi tình yêu đó dù bị phụ bạc và có kết cục đau lòng. Vàng Chở - người vợ đẹp nhất của chúa đất – dám đấu tranh cho tình yêu dù phải bị treo cột đá cho đến chết. Hay Sùng Pà Xính, cô gái đang đón niềm hạnh phúc sắp được lấy người mình yêu bỗng phải đối diện với việc bị chúa đất bắt về làm vợ bé, vẫn kiên định với tình cảm chân thật của mình… Trên những bi kịch ấy, tác giả xoáy sâu nỗi lòng của từng nhân vật bằng bút pháp miêu tả tâm lý tinh tế khi họ buộc phải lựa chọn giữa được và mất, giữa yêu và hận, giữa lý trí và con tim.

Với tiểu thuyết này, nhà văn Đỗ Bích Thúy không còn giữ sự ngây thơ và lãng mạn trong xây dựng tình tiết và văn phong quen thuộc, thay vào đó là nhiều tầng nấc tâm lý nhân vật, là những tình tiết được đan cài mạch lạc. Mọi cao trào, kịch tính của câu chuyện diễn ra ở đoạn cuối, khi chúa đất bất chấp mọi thủ đoạn để cưới Sùng Pà Xính. Lúc này, mỗi nhân vật từ chính đến phụ đều có những toan tính và hành động quyết liệt. Bà Cả suốt một đời cam chịu không dám trái ý chồng nay lại bày mưu tính kế để ngăn chặn đám cưới; Sùng Pà Xính dự định tự tử; người yêu của Pà Xính quyết định ám sát chúa đất trong khi Sùng Chúa Đà cũng âm mưu trừ khử những người cản trở ông ta…

Sau những tình tiết dồn dập, tác phẩm khép lại bằng một cái kết ý nghĩa khi kẻ ác bị trừng phạt. Trên hết "Chúa đất" để lại dư âm về những bất hạnh và khát khao thoát khỏi bất hạnh đó của con người trong một xã hội lạc hậu, để từ đó thấy được giá trị của tình yêu. Đỗ Bích Thúy cũng tạo bản sắc và chiều sâu riêng cho tác phẩm qua cách diễn tả sâu sắc những phong tục tập quán và văn hóa vùng cao Tây Bắc.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết