04/02/2023 - 08:13

“Chị chị em em 2” mang tính giải trí nhất thời 

Tuy không thể cạnh tranh với “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành về mặt doanh thu, nhưng “Chị chị em em 2” của đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng vẫn kéo được số lượng lớn khán giả đến rạp. Sau khoảng 2 tuần ra rạp, phim vẫn duy trì được sức nóng với những khen chê trái chiều và chiến lược quảng bá dài hơi. Phim có diễn viên đẹp, nhiều kịch tính, nhiều tiếng cười, thời trang lộng lẫy và kha khá cảnh cởi mở nên tính giải trí cao. Thế nhưng, ngoài giải trí, phim không truyền tải được thông điệp gì tích cực.

Phim có sự đầu tư về bối cảnh.

“Chị chị em em” ra mắt năm 2019 và trở thành một trong những bộ phim ăn khách khi xây dựng được một mối quan hệ kịch tính, giả tạo và đấu đá giữa 2 người phụ nữ thân thiết như chị em. Ở phần 2, mô-típ phim vẫn được giữ nhưng nội dung hoàn toàn độc lập, không liên quan đến phần đầu.

Phần này lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1930, nhân vật chính được lấy cảm hứng từ những giai thoại về 2 mỹ nhân thời bấy giờ là Ba Trà và Tư Nhị. Trong phim, Ba Trà do Minh Hằng đảm nhận và Tư Nhị do Ngọc Trinh diễn xuất. Ðiểm ghi nhận của phim là có sự đầu tư lớn về bối cảnh, trang phục; có nhiều cảnh quay đẹp, nhất là cảnh Ba Trà múa dưới nước. Ðặc biệt, phim không có nhân vật nam chính mà 2 nữ chính là trung tâm, đấu trí liên tục. Nhưng phim cũng có nhiều điều bất ổn: Ba Trà và Tư Nhị diện những bộ cánh lộng lẫy, thậm chí là hở hang trong nhiều cảnh quay, nhưng dễ nhận thấy những trang phục đó không phải là thời trang cách đây gần 100 năm, mà là của thời hiện đại.

Ðiều đáng tiếc nhất chính là thông điệp của phim. Có ý kiến cho rằng phim nói về “nữ quyền”, về sự lột xác hay vươn lên khẳng định và nâng cao giá trị của phụ nữ; thì đó hoàn toàn là sự đánh tráo khái niệm. Ðúng là Tư Nhị từ một cô gái làng chơi rẻ tiền tên Nhi, bằng tham vọng và thủ đoạn đã lột xác và vươn lên thành “Ðệ nhị mỹ nhân” của Sài Thành, với sự giúp đỡ, dạy dỗ của “Ðệ nhất mỹ nhân” Ba Trà. Tuy nhiên, đó chỉ là sự thay đổi về bề nổi, còn về bản chất, cô vẫn làm nghề cũ, chỉ là cao cấp hơn thôi. Chính cô cũng từng nói thẳng vào mặt Ba Trà là cả Sài Gòn ai mà không biết “Ðệ nhất mỹ nhân” cũng chỉ là gái hạng sang, sống bằng sự cung phụng của các công tử nhà giàu. Câu trước cô khẳng định: “Em muốn làm con người”. Câu sau thì cô lột đồ và thoại: “Với cơ thể này, đàn ông khắp Nam Kỳ lục tỉnh sẽ mê em. Em được tiền rồi em sẽ chia cho chị”. Có thể nói, giá trị của phụ nữ trong phim thiên về nhan sắc, sự nổi tiếng và câu kéo đàn ông càng nhiều càng tốt. Họ rèn luyện kỹ năng, nâng cao khí chất cũng chỉ để làm đàn ông hài lòng chứ không phải là để người khác ngưỡng mộ giá trị đích thực của phụ nữ.

Và đương nhiên, cái gì không có giá trị thực chất thì sẽ không bền. Sự đấu đá của 2 cô gái xinh đẹp vì hư danh không chỉ khiến họ đánh mất chính mình, mất tình chị em mà còn phải sống trong lo sợ một ngày nào đó, sẽ bị người khác chiếm ngôi hay hãm hại mình. Nếu biên kịch xoáy sâu vào hơn về điều này và sau tất cả, khiến 2 nhân vật chính nhận ra giá trị thực sự của phụ nữ là gì thì thông điệp của phim sẽ rõ ràng và ý nghĩa hơn, thay vì cái kết lửng lơ, nửa vời. Cả phim chỉ có một chi tiết nhân văn là Hạnh (Lê Giang), cô gái chung nhà thổ với Nhi, cuối cùng cũng thoát được kiếp sống không mong muốn, có người thương, lấy làm vợ và bắt đầu một cuộc sống mới.

Phim dán nhãn 18+ và có nhiều cảnh quay nhạy cảm, hở hang của các nữ chính. Kịch bản còn nặng tính sắp đặt và những chi tiết vô lý nên chưa thuyết phục được người xem. Vậy nên phim chỉ mang tính giải trí nhất thời.

Chia sẻ bài viết