20/11/2022 - 11:46

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022)

“Chất ngọc Võ Văn Kiệt” 

Ðó là tựa quyển sách vừa ra mắt của tác giả Nguyễn Chiến Thắng (bí danh Sao Vàng, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long). Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt là dịp để mỗi người chúng ta thêm trân trọng, tri ân “chất ngọc” của nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người con xuất sắc của quê hương miền Tây sông nước.

Dịp này, Báo Cần Thơ xin giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Ðồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo.

Năm 1938, khi mới 16 tuổi, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11-1939, đồng chí được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương; tháng 11-1940, được cử làm Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia lãnh đạo Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí được điều động về hoạt động tại vùng U Minh.

Từ năm 1941-1945, trên cương vị Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá, đồng chí Võ Văn Kiệt tham gia xây dựng lực lượng cách mạng, bảo vệ căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Từ năm 1945-1975, đồng chí Võ Văn Kiệt lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng, là một trong những cán bộ cốt cán trực tiếp tham gia chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam.

Trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Ủy viên Ban cán sự Ðảng ủy đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bí thư Ủy ban Quân quản Thành phố.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, và sau đó là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tháng 3-1982, tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Ðảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; tháng 4-1982, được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Ðảng (tháng 6-1991), đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ðến kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa VIII (tháng 8-1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX (tháng 10-1992) đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, do tuổi cao, đồng chí xin rút khỏi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Ðồng chí từ trần vào ngày 11-6-2008, hưởng thọ 86 tuổi.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Ðảng và dân tộc ta.

Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy, đồng chí đã cùng lãnh đạo thành phố đưa ra những quyết sách hết sức năng động, đưa thành phố dần đi vào ổn định để rồi sau đó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Ðã có lúc người ta đặt cho đồng chí Võ Văn Kiệt nhiều cái tên như “Chủ tịch gạo”, “Bí thư phá rào” để thấy những quyết định của đồng chí không rập khuôn, giáo điều, mà luôn thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo, năng động, bám sát yêu cầu của thực tiễn cách mạng.

Sau này, trên các cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó. Với tính cách nổi bật là sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã động viên được nhiều lực lượng xã hội tham gia vào công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc của Ðảng và Nhà nước.

Tuyến đường đẹp ở TP Cần Thơ nối dài từ quận Ninh Kiều, qua quận Bình Thủy, đến Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: DUY KHÔI

Ðồng chí đã có nhiều đóng góp về lý luận và thực tiễn để xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Ðồng chí Võ Văn Kiệt có những quyết định táo bạo và là người chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quan trọng như: thủy điện Trị An; công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây; khai phá Ðồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau; công trình đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường Hồ Chí Minh; Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, xây dựng các khu công nghệ cao Hòa Lạc; công viên phần mềm Quang Trung; Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... Tất cả nói lên tâm huyết và những nỗ lực phi thường của đồng chí Võ Văn Kiệt trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Ðảng, để lại “dấu ấn Võ Văn Kiệt”.

Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thực hiện đường lối ngoại giao rộng mở, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, thiết lập sự liên kết kinh tế khu vực và thế giới (với ASEAN, Nhật Bản, EU...), khơi dậy và phát huy tất cả các nguồn lực ấy để giành được nhiều nhất lợi ích cho dân tộc mình trong tư thế độc lập, tự chủ, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá vỡ thế bao vây, cấm vận, đưa sự nghiệp cách mạng luôn tiến lên phía trước.

Ðồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và dân tộc. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của Ðảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Ðồng chí là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu mãi mãi ở trong lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế.

PV

--------------

(Bài viết lược trích từ “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022)” do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành).

 

Chia sẻ bài viết