21/10/2023 - 20:35

“Cái miệng hại cái thân”

Đó là câu nói của ông bà xưa nhằm răn dạy con cháu phải cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày, nếu không muốn để xảy ra những hệ lụy tiêu cực từ phát ngôn không kiểm soát của mình. Trong xã hội hiện đại, “cái miệng” không chỉ là lời nói ra mà còn là những gì ta viết, bình phẩm, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Hậu quả “hại cái thân” nhiều khi chỉ trong tích tắc, nếu không suy trước nghĩ sau.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin sai lệch về nội dung được biên soạn trong sách giáo khoa. Ðồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc những nội dung này. Cụ thể, nhiều bài viết trên mạng xã hội gần đây phản ánh sách giáo khoa trong Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều bài thơ, bài văn dạy trẻ em nói dối, khôn lỏi, hù ma nhát quỷ trẻ con... khiến dư luận bất bình. Từ những bài viết này, nhiều thế lực thù địch đã lợi dụng xuyên tạc, chống phá Nhà nước ta, ra rả những luận điệu xúc phạm nền giáo dục Việt Nam. Hậu quả là vậy nhưng nhiều người vẫn thản nhiên chia sẻ, dù chẳng biết ngọn ngành ra sao.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã khẳng định: Những ngữ liệu tiếng Việt gây tranh cãi trong các bài thơ như: “Giã gạo thổi cơm”, “Bắn tung tóe”, “Bạn An dũng cảm”, “Bé xách đỡ mẹ”, “Vẽ gì khó”... không có trong sách giáo khoa hiện hành đang được giảng dạy tại các nhà trường. Dĩ nhiên, những bài viết, bài chia sẻ có nội dung sai sự thật sẽ bị xử lý nhưng hậu quả để lại cho xã hội không hề nhỏ.

Hay mới đây, liên quan đến bộ phim điện ảnh “Ðất rừng phương Nam”, bên cạnh những nhận xét về nội dung, chất lượng phim; thì có những thông tin sai sự thật buộc ngành chức năng phải lên tiếng. Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Thông tin Ban Tuyên giáo Trung ương buộc tạm dừng chiếu phim này là thông tin sai sự thật. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Ðiện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng lên tiếng về những nội dung giả mạo, không đúng sự thật về quan điểm phim của Cục Ðiện ảnh. Thậm chí, nhiều bài viết trên mạng xã hội còn “dẫn lời” ông Vi Kiến Thành với những nội dung bịa đặt, xấu độc.

“Trend” hay xu hướng là thuật ngữ dùng trong mạng xã hội dùng để chỉ độ lan tỏa, bao phủ của một dòng sự kiện, nhân vật... Vì vậy, cứ hễ nói về sách giáo khoa nội dung phản cảm, hay phim “Ðất rừng phương Nam” chẳng hạn, thuật toán của các nền tảng mạng xã hội sẽ liên tục xuất hiện các bài viết liên quan với nội dung dày đặc. Chính tần suất đó đã khiến vấn đề sai sự thật đẩy đi quá xa và khiến dao động nhiều người với nguyên lý “số đông có lẽ đúng”. Nói như vậy để thấy tác hại của những thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng mà nhiều người “hồn nhiên” chia sẻ trên mạng xã hội như một trò giải trí.

Dĩ nhiên, “cái miệng hại cái thân” là đáng. Nhưng, chỉ sợ rằng, đôi khi hậu quả còn nặng nề hơn vậy, gây hệ quả tiêu cực cho xã hội, làm xáo trộn đời sống dân sinh... Vậy nên, những hành vi tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội cần được xử lý thật nghiêm!

HUỲNH MAI

 

Chia sẻ bài viết