19/02/2025 - 09:09

ÐBSCL chủ động ứng phó cao điểm xâm nhập mặn 

ÐBSCL đang vào cao điểm cao điểm xâm nhập mặn (XNM). Các địa phương trong khu vực đang triển khai đồng bộ những giải pháp bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

Cống sông Kiên (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) kiểm soát mặn phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: QUỐC HUY

XNM tiếp tục tăng cao

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tuần qua, XNM ở ÐBSCL có xu thế tăng theo kỳ triều cường, ranh mặn tại các cửa sông Cửu Long từ 38-48km, sông Vàm Cỏ từ 45-52km, sông Cái Lớn từ 35-40km (mức thấp hơn cùng kỳ năm 2024 từ 3-8km; thấp hơn cùng kỳ năm 2016 và 2020 từ 25-44km). Dự báo, XNM ở ÐBSCL sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 2 đến tháng 4-2025, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ và thấp hơn năm 2024, thấp hơn các năm 2016 và 2020. Ông Ðỗ Huy Lập, Giám đốc Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Ðộ mặn cao nhất tại các trạm trên sông Hậu có khả năng xuất hiện từ tháng 2 và 3-2025, duy trì dài ngày do thiếu hụt nước ngọt từ thượng nguồn (sông Mê Kông). Các trạm trên sông Mỹ Thanh, kênh Quản Lộ Phụng Hiệp có khả năng xuất hiện muộn hơn hằng năm khoảng 30 ngày và độ mặn ở mức cao hơn so trung bình nhiều năm.

Tại Kiên Giang, trên sông Cái Bé độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu 14km (xã Bình An, huyện Châu Thành), độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 18km (xã Minh Hòa, huyện Châu Thành). Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 36km (thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao); độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 48km (xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao). Trên kênh Cái Sắn, độ mặn 1-4‰ xâm nhập sâu vào địa bàn xã Mong Thọ B (huyện Châu Thành). Ðặc biệt tuyến đê bao ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng (ÐT.965) dài 60km, mực nước trong kênh đang xu thế xuống thấp, nhu cầu bơm tưới cho hoa màu, thủy sản rất nhiều, cùng với lượng nước bốc hơi và không có nguồn bổ sung nên thời gian tới mực nước ở đây sẽ tiếp tục xuống nhanh, có nguy cơ gây sụt lún, sạt lở đất.

Theo ông Ðặng Hoàng Lam, Giám đốc Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, trên sông Cửa Ðại độ mặn sẽ tăng dần từ ngày 21 đến ngày 23-2, độ mặn 1‰ sẽ xâm nhập sâu vào xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, cách cửa sông hơn 51km. Trên sông Hàm Luông, độ mặn tương tự xâm nhập vào đến xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, cách cửa sông hơn 62km. Còn trên sông Cổ Chiên, độ mặn 1‰ xâm nhập sâu gần 70km, đến xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách.

Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu nhận định nếu XNM xảy ra sớm hơn dự báo, việc nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung trong tháng 3-2025. Vùng nam quốc lộ 1A còn chịu thêm tác động của các đợt triều cường trong tháng 2 và 3-2025. Mực nước các đợt triều cường này dự báo vượt mức báo động III (báo động III: +2,20m ở Trạm thủy văn Gành Hào), có nguy cơ đe dọa các ao. Ðặc biệt, khoảng thời gian có thể gây khó khăn cho diện tích tôm nuôi sẽ bắt đầu từ giữa tháng 3 và dự báo có nguy cơ làm 2.000ha nuôi tôm bị thiệt hại. Ông Huỳnh Minh Nhân, Giám đốc Ðài khí tượng thủy văn Bạc Liêu, cho biết độ mặn cao nhất tại các trạm đo trong tỉnh xuất hiện khoảng trong tháng 4, sang đầu tháng 5 độ mặn có xu hướng giảm dần do mùa mưa bắt đầu. Tuy nhiên cần đề phòng XNM vùng cửa sông, vùng phân ranh mặn - ngọt; thiếu nước ngọt cục bộ cho sản xuất và sinh hoạt; sạt lở, sụt lún đất do mực nước sông, kênh xuống thấp trong những tháng mùa khô.

Chủ động trữ nước phục vụ sản xuất và đời sống

Từng có tâm lý chủ quan nên chịu thiệt hại nặng trong đợt hạn mặn 2019-2020, năm nay nông dân tỉnh Bến Tre chủ động ứng phó với hạn mặn từ rất sớm. Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, cho biết: “Tình hình thời tiết ngày một diễn biến khó lường, nắng nóng kéo dài, mưa nắng không theo mùa. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay chúng tôi đã chủ động hơn trong việc ứng phó hạn hán, XNM trong sản xuất. Gia đình nào không đủ kinh phí thì cải tạo lại mương vườn, bịt kín bọng để trữ nước ngọt trong mương thay vì làm hồ chứa nước tốn kém. Riêng gia đình tôi, từ cuối năm 2024 đã đầu tư trên 25 triệu đồng làm hồ rộng 150m2, sâu khoảng 2,5m, chứa trên 1.000m3 nước ngọt phòng khi mặn xâm nhập để tưới sầu riêng. Hồ chứa nước này giúp gia đình tôi cầm cự trong 3 tháng nếu mặn xâm nhập sâu”.

Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, áp dụng hệ thống tưới tự động cho sầu riêng để tiết kiệm nước trong thời gian XNM kéo dài. Ảnh: ÐẠI DƯƠNG

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, để bảo vệ hơn 10.000ha cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của địa phương, ngành nông nghiệp đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp hơn 364km đê bao và nạo vét hơn 80km kênh, mương nội đồng. Ngoài ra còn khuyến cáo người dân thường xuyên đo độ mặn trước khi lấy nước tưới, đầu tư thêm các hồ trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ông Trương Văn Trọng ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Nếu mặn xâm nhập sâu, kéo dài như những năm vừa qua mà không có đủ nước ngọt sử dụng cho 5 thành viên trong gia đình thì sinh hoạt bị đảo lộn. Do đó, mùa mưa năm rồi, tôi đã trữ trên 30m3 nước mưa. Với 20 bồn bê tông, mỗi bồn chứa khoảng 1,5m3 nước mưa, gia đình tôi có thể sử dụng tới mùa mưa năm nay”.

Năm nay, người dân tỉnh Kiên Giang cũng chủ động trữ nước phục vụ sản xuất và đời sống. Bà Tôn Thị Phụng ở ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Rút kinh nghiệm sau khi bị thiếu nước ngọt trầm trọng mùa hạn năm 2015-2016, những năm qua gia đình tôi chủ động chuẩn bị chứa nước phục vụ sinh hoạt. Ðến hiện tại, gia đình tôi vẫn còn 3 thùng phuy, một số kiệu chứa nước ngọt đủ để nấu ăn uống đến khi có mưa xuống”. Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nam Thái A, cho biết: “Toàn xã còn trên 100 hộ dân thiếu nước ngọt (tập trung chủ yếu ấp Xẻo Quao A) do đường ống nước chưa tới hoặc có nhưng nước rất yếu. Hiện bà con khu vực này đã mua thùng, bồn để chứa nước hoặc sử dụng nhờ hàng xóm. Năm nay bà con đã chủ động mua thùng phuy chứa nước để ứng phó với hạn mặn. Nếu tháng 5 bắt đầu có mưa thì bà con sẽ không còn lo ngại”.

Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, đầu tư 25 triệu đồng làm hồ trữ 1.000m3 nước ngọt để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ảnh: ÐẠI DƯƠNG

Vận hành linh hoạt hệ thống công trình

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, cho biết: Dự báo độ mặn cao nhất mùa khô năm 2024-2025 trên sông Cái Lớn và Cái Bé xuất hiện vào cuối tháng 3 và tháng 4-2025. Từ tháng 5 trở đi XNM trên các sông có xu thế giảm dần trong nửa đầu tháng và giảm nhanh từ nửa cuối tháng 5. Do đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiếp tục theo dõi thông tin dự báo XNM để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp. Ðồng thời phối hợp vận hành linh hoạt Cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành) để kiểm soát mặn, trữ ngọt, tránh mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong các đợt triều cường tháng 2 và vận hành xuyên suốt trong tháng 3-4/2025, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, cung cấp nước ngọt cho các nhà máy nước tại TP Rạch Giá. Phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, đảm bảo an toàn sản xuất; thường xuyên kiểm tra hệ thống cống trên các vùng sản xuất, nhằm phát hiện sớm các sự cố rò rỉ XNM, thất thoát nguồn nước ngọt để khắc phục kịp thời.

“Tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý… Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống sụt lún, sạt lở đê bao ngoài; tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng tiết kiệm nước, không sản xuất trái lịch thời vụ, không khoan giếng lấy nước mặn và đặt cống bọng qua đê bao, dễ gây thất thoát nguồn nước, sạt lở, sụt lún” - ông Lê Hữu Toàn nói.

Ðể chủ động ứng phó hạn hán, XNM, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cũng chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện 19 công trình dự án đê, kè, hoàn thành 412 công trình thủy lợi nội đồng. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành tốt hệ thống công trình thủy lợi để tích trữ nguồn nước phục vụ sản xuất, dự trữ nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, để thích ứng với hạn mặn, tỉnh đã khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi gần 850ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản. Chuyển đổi mạnh hình thức nuôi thủy sản khác sang nuôi thâm canh và thâm canh mật độ cao, nâng diện tích đến nay khoảng 11.300ha, năng suất bình quân từ 50-70 tấn/ha/năm. Tiếp tục duy trì nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, mô hình lúa - thủy sản ở các địa phương ven biển. Bảo vệ, phục hồi, phát triển rừng, trong đó trồng mới và trồng bổ sung 416ha rừng…

Tại Sóc Trăng, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn rà soát các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn để kịp thời duy tu, sửa chữa, gia cố khi bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét hệ thống kênh mương... để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Ðẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi theo kế hoạch năm 2025 và những năm tiếp theo để đưa vào vận hành khai thác kịp thời ngăn mặn trữ ngọt. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch điều hòa, phân phối nguồn nước ngọt hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp). Ðặc biệt, Sóc Trăng vừa đưa vào vận hành cống âu Rạch Mọp góp phần quan trọng trong ứng phó XNM, bảo đảm sản xuất, sinh hoạt của người dân tại các huyện Kế Sách và Long Phú.

ÐBSCL cần tranh thủ dự trữ nước ngọt

(CT) - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo, vào những ngày mặn có xu hướng giảm, các địa phương vùng ÐBSCL, đặc biệt là các tỉnh ven biển cần tranh thủ lấy nước ngọt dự trữ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vùng thượng ÐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ) nguồn nước khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn, cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước. Vùng giữa ÐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái. Vùng ven biển ÐBSCL (gồm các tỉnh ven biển ÐBSCL) xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Do vậy, các địa phương cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ, sử dụng nước hợp lý, đặc biệt là nước đảm bảo cho các vùng ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng…

HÀ VĂN

Không được để người dân thiếu nước sinh hoạt

Ðể chủ động ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực của những đợt XNM cao điểm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc chủ động ứng phó đợt XNM cao điểm ở ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 128/CÐ-TTg ngày 8-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM.

Tiếp tục chỉ đạo theo dõi sát diễn biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình, dự báo thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, XNM đến cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để thông tin chính xác, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là khu vực ven biển ÐBSCL triển khai các biện pháp ứng phó XNM phù hợp với thực tế từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tập trung triển khai các phương án bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục thiếu nước ngọt…

Nhóm PV-CTV và TTXVN

 

Chia sẻ bài viết