24/02/2020 - 17:12

“Bóng dáng” nhà đầu tư 

Giữa mùa dịch COVID-19, khiến cho cả thế giới phát sốt vì lo lắng. Quẩn quanh mãi trong nhà rất khó chịu, rất nhiều du khách bình thản đi tìm chút an yên tự tại ở những nơi có không khí trong lành thanh khiết. Thời điểm này, dành thời gian “phượt” trên thiên đường xanh ngập nước - Trà Sư - hay chọn Đồi Tức Dụp để leo vừa được ngắm cảnh đẹp, vừa giúp bạn rèn luyện sức khỏe tốt là gợi ý thật tuyệt vời.

Thể chất và tinh thần có một mối liên kết rất chặt chẽ. Khi rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn, bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể, thậm chí đôi lúc khiến chân tay mỏi mệt. Sự căng thẳng kéo dài cũng có thể gây áp lực lên phổi, làm khó thở.

Theo một nghiên cứu, các hoạt động thể dục ngoài trời là liệu pháp tốt để giảm chứng lo âu và trầm cảm, giúp rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng. Những người mê thể thao chia sẻ rằng, điều tuyệt vời nhất mà họ cảm nhận được chính là tràn đầy năng lượng, thư thái và hạnh phúc khi chinh phục được mục tiêu để hòa mình vào thiên nhiên. Vì thế, bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, thì hãy dành một ngày nghỉ để du lịch dã ngoại nhé!

Cầu tre vạn bước Trà Sư - nơi trải nghiệm lý tưởng.

Trà Sư mùa bông tràm bung nở

Thời tiết năm nay nóng sớm nên bông tràm cũng đua nhau bung nở. Hoa có màu trắng tinh, từng cánh mỏng - dài kết với nhau thành từng chùm rung rinh như đang cười trong gió. Dù đang là mùa nở rộ nhưng hương thơm của bông tràm chỉ thoang thoảng khiến cho không khí dễ chịu hơn và du khách có thể cảm nhận được sự nhẹ nhàng thanh thoát của “vị Trà Sư”. Nhìn từ xa, từng chùm bông tràm trắng và li ti tựa như “hoa ưu đàm” mọc trên thảm rừng xanh bát ngát. Từng đợt hoa này tàn thì đợt khác lại bung nở khiến cảnh sắc đẹp lung linh như “Vườn địa đàng” trong cổ tích.

Từng đoàn du khách “Tây lẫn ta” phấn khích chạy xe vòng quanh trên con đường rợp mát bóng tràm, say mê ngắm từng đàn chim cò nhảy nhót chuyền cành, phượt trên những thảm bèo nhung xanh mướt hay tản bộ trên cây cầu tre xuyên rừng được hít thở không khí trong lành, đỡ bức bối là những trải nghiệm thật tuyệt vời.  

Leo đồi và đi xuyên hang động

Ngọn Đồi Tức Dụp chưa bao giờ nguôi độ nổi tiếng bởi những giá trị tinh thần còn truyền mãi đến mai sau. Nếu như trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tức Dụp lá chắn thành đồng, thì trong thời bình, đặc biệt là những năm gần đây “Ngọn đồi 2 triệu đô la” là điểm đến của những du khách yêu lịch sử. Một mặt để họ thả hồn vào những âm hưởng của núi rừng Thiên Cấm Sơn làm dịu bớt căng thẳng, mặt khác họ tìm về những dấu vết của năm tháng hào hùng tạc ghi trên từng viên đá.

Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416 đến tham quan khu du lịch Tức Dụp.

Công viên “màu hoa đỏ” rực rỡ khoe sắc bốn mùa, khu bảo tồn động vật quí hiếm đặc trưng ở vùng Bảy Núi, Đền thờ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là hệ thống hang động trong lòng núi được nâng cấp và tái hiện bối cảnh của quá khứ oai hùng.

Tạo nên một sức sống mới ở Di tích lịch sử quốc gia đấy không chỉ là sứ mệnh, nhiệm vụ mà còn là lời thề nguyện của Nhà đầu tư chân chính đối với các anh linh chiến sĩ cách mạng. “Hồn dân tộc” sẽ được các du khách tìm thấy khi đi xuyên qua hàng kilômét chuỗi hang động: Hang C6 (có hội trường C6 với sức chứa hơn 150 người), Hang Quân y, Hang Thanh Niên, Hội trường Tỉnh ủy, Hang của Ban Chỉ huy quân sự, Hang của Ban Tuyên huấn, Hội Phụ nữ, Dân y và Hang Tiên Nữ. Mỗi hang có một vẻ độc đáo với những khối đá đan xen muôn hình vạn trạng.

Thách thức và cơ hội

Trở lại với câu chuyện mang tính thời sự hiện nay, rất nhiều thông tin về dịch COVID-19, điều đó đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu ở các lĩnh vực khi tâm lý và nỗi quan ngại về dịch bệnh này luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động. Tuy nhiên, mới đây, đã lóe những tín hiệu tích cực về việc kiểm soát và “dần thoát khỏi” nỗi ám ảnh về “virus Vũ Hán”. Do vậy, đây là giai đoạn cần “tái cấu trúc” trên mọi lĩnh vực. Vì nếu không có dịch COVID-19 thì cuộc sống có thể cũng sẽ có những “virus” nào đó mà tất cả đều phải có kịch bản ứng phó.

Theo lẽ thường, khi có khủng hoảng về dịch bệnh, nền kinh tế sẽ chịu tác động đầu tiên, và trong nền kinh tế thì các doanh nhân, những chủ doanh nghiệp sẽ là đối tượng hứng chịu trước nhất, sau đó mới đến người lao động. Nhưng bản chất của doanh nhân là rất nhanh nhạy, giỏi xoay chuyển. Vì thế, khi môi trường thay đổi, bộ não và các giác quan của họ lập tức phát tín hiệu, tìm kiếm, đánh hơi những cơ hội tồn tại, thậm chí là phát triển trên sự thay đổi bất ngờ ấy.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (bên phải) trao đổi về chiến lược phát triển du lịch của An Giang với ông Lê Thanh Thuấn - TGĐ Tập đoàn Sao Mai.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào bị nhiễm dịch COVID-19, các khu du lịch vẫn hoạt động bình thường và tất cả đều đảm bảo công tác phòng chống dịch theo đúng quy định. Từ năm 2020, lượng du khách đến An Giang có thể vượt qua cột mốc 10 triệu lượt người mỗi năm. Đây là mục tiêu hoàn toàn có cơ sở dựa vào những đặc thù của thiên nhiên ưu đãi, những quyết sách của lãnh đạo tỉnh, sự tham mưu có tầm nhìn của các sở, ngành để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những nhà đầu tư tâm huyết thực hiện.

Tại An Giang, còn khoảng 2 tháng nữa sẽ bước vào cao điểm thu hút khách về dự lễ hội Vía Bà ở Núi Sam. Cũng như mọi năm, từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng du khách đã dập dìu đổ về Châu Đốc, sau đó di chuyển đến các địa danh khác như Rừng Tràm Trà Sư, Đồi Tức Dụp hay lên Núi Cấm… tham quan. Do vậy, các ngành chức năng của địa phương này và doanh nghiệp du lịch đều chuẩn bị thật tốt công việc hậu cần, sẵn sàng ứng phó kịp thời.

“Chúng tôi liên tục làm mới thêm nhiều hạng mục ở các khu du lịch Rừng Tràm Trà Sư, Đồi Tức Dụp và chuỗi khách sạn - nhà hàng chuẩn đẳng cấp, đồng thời rất chú trọng việc đón tiếp du khách niềm nở, ân cần, không tỏ ra kỳ thị hay thờ ơ với khách, nhất là khách quốc tế” - lãnh đạo Công ty Cổ phần Du lịch An Giang khẳng định.

Bài, ảnh: THANH NHUNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trà Sưbông tràm