21/06/2021 - 08:42

“Bắt sóng” internet trên biển quốc tế 

Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin nên việc làm báo ngày càng thuận lợi hơn. Internet đã trở thành công cụ hữu hiệu của phóng viên khi tác nghiệp. Tuy nhiên, việc khai thác internet không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là trên vùng biển quốc tế.

Trong những chuyến công tác ở nước ngoài, việc khai thác internet không phải là chuyện khó khăn đối với phóng viên khi tác nghiệp trên đất liền. Bởi, phóng viên có thể sử dụng wifi tại khách sạn mình lưu trú hay tại các điểm tổ chức sự kiện; ngoài ra có thể sử dụng sim 3G, 4G của nước sở tại. Khi tác nghiệp trên biển thì việc bắt sóng wifi để kết nối internet là công việc không hề đơn giản, đôi khi còn là “nhiệm vụ bất khả thi” nếu phóng viên không có sự chuẩn bị cần thiết.

Trong đợt tuyên truyền nhiệm vụ huấn luyện đường dài trên biển kết hợp thăm và giao lưu với Hải quân Singapore và Indonesia của Tàu 286-Lê Quý Đôn năm 2019. Phóng viên Vũ Văn Hưởng (Báo Hải quân Việt Nam) đã thể hiện là người có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp trên vùng biển quốc tế. Vừa đặt chân lên tàu, anh giới thiệu cho chúng tôi về chiếc sim 4G quốc tế được mua từ TP. Hải Phòng. Thực tế, trong hải trình 34 ngày trên biển, những chiếc sim đó đã phát huy tốt tác dụng khi hỗ trợ phóng viên tác nghiệp.

Trung tá Vũ Văn Hưởng, Báo Hải quân Việt Nam tác nghiệp trong chuyến công tác ở Tàu 286 trên vùng biển Indonesia

Được biết, trên thị trường hiện nay có những chiếc sim 4G có thể dùng được ở 3 nước, có những chiếc sim có thể dùng được ở hơn 10 nước. Do vậy, để có thể “chọn đúng” sim 4G đáp ứng nhu cầu của mình, phóng viên cần tìm hiểu kỹ để nắm chắc quốc gia những vùng biển mình sẽ đi qua để mua sim dùng cho các nước đó.

Vấn đề đặt ra tiếp theo là lựa chọn thời gian kích hoạt sim, bởi các sim đều có thời hạn sử dụng. Nếu kích hoạt sớm ở khu vực biển không có “sóng” internet sẽ dẫn đến lãng phí ngày sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình khai thác sim trong những ngày sau đó.

Thực tế chuyến thăm Singapore và Indonesia của Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn lúc đó cho thấy, có nhiều đảo của các nước như Malaysia,  Indonesia xuất hiện trên hải trình song phóng viên rất dễ để mất cơ hội bắt sóng internet trôi đi mà không thực hiện được ý định gửi tin, bài về tòa soạn. Bởi vậy, để có thể “kiểm soát” được việc này, một trong những vị trí phóng viên cần tiếp cận là vị trí cabin tàu. Ở đó, cùng với nắm được đường đi dự định, những đảo nào tàu sẽ đi ngang qua, phóng viên còn phải biết thời gian dự kiến tàu sẽ đi qua đảo nhờ vào tính toán của kíp đi ca điều khiển tàu. Căn cứ vào đó, phóng viên sẽ xác định thời gian cụ thể để bắt sóng internet và gửi tin, bài về tòa soạn. Tuy nhiên, không phải đảo nào cũng có trạm phát sóng internet. Thực tế trong hải trình của Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn cho thấy, việc khai thác internet bằng sim 4G quốc tế gần các đảo khá hiệu quả.

Ấn tượng nhất trong chuyến đi đó của chúng tôi sau khi rời cảng Changi (Singapore), Tàu buồm 286 cùng đoàn công tác của Hải quân Việt Nam tiếp tục hướng tới Jakarta (Indonesia) trong hành trình huấn luyện thực hành biển kết hợp thăm, giao lưu với hải quân các nước. Sau những ngày hành trình trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, có mưa dông, sóng cấp 6-7 và độ nghiêng của tàu lên tới 15 độ, đoàn công tác đã vượt qua đường xích đạo của trái đất.

Tác nghiệp trên cột buồm Tàu 286

Lễ qua đường xích đạo đã được tổ chức trên boong Tàu buồm 286. Đây là một nghi lễ văn hóa lâu đời, có nguồn gốc từ châu Âu, được tổ chức để ghi nhận sự cố gắng và cổ vũ tinh thần những thủy thủ đã có đủ can đảm và sức mạnh vượt hải trình dài, đi qua xích đạo của trái đất. Nghi lễ cũng là lời cảm ơn của thủy thủ đoàn đối với các vị thần, đặc biệt là thần biển đã chở che, giúp đỡ để họ có đủ sức mạnh tinh thần và thể chất, điều khiển con tàu vượt qua những thử thách, chông gai trên hải trình dài. Nhóm ê kíp phóng viên trên tàu đã phối hợp nhịp nhàng, đưa tin về tòa soạn nhờ kịp thời “săn sóng” điện thoại. Nhờ đó, tin đã được nhiều cơ quan báo chí trong nước, quốc tế đăng tin.

Do tàu cơ động theo kế hoạch và cự ly phủ sóng internet có giới hạn nên việc gửi tin, bài của phóng viên đòi hỏi phải rất khẩn trương. Kinh nghiệm rút ra là trong quá trình tàu cơ động trên các vùng biển không có internet, phóng viên nên tranh thủ mọi lúc viết bài để sẵn sàng gửi ngay về tòa soạn khi bắt sóng internet nhằm tiết kiệm tối đa thời gian và tăng tính hiệu quả.

Theo Báo Hải quân Việt Nam

Chia sẻ bài viết