09/01/2024 - 11:07

Ðẩy mạnh CNH, HÐH phát triển vùng ÐBSCL xanh và bền vững 

Ðại hội Ðảng lần thứ XIII xác định "Trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam "là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao", đến năm 2045 "trở thành nước phát triển, thu nhập cao", cần phải "tiếp tục đẩy mạnh CNH, HÐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Bám sát định hướng này, ÐBSCL nỗ lực tiến hành CNH, HÐH nhiều năm qua và đạt được những thành tựu nhất định. Tuy vậy, tiến trình CNH, HÐH ở ÐBSCL vẫn vướng nhiều cản ngại từ kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và tác động từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CNH HÐH là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Nhiều bất cập

Ðiểm nghẽn lớn trong tiến trình CNH, HÐH của ÐBSCL phải kể đến là phát triển kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH; hiệu quả kết nối và chất lượng chưa cao. Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, chia sẻ: "Mặc dù là thành phố trung tâm động lực của vùng, song kết cấu hạ tầng của vùng TP Cần Thơ còn nhiều bất cập, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics. Sân bay quốc tế Cần Thơ được đầu tư hiện đại nhưng chưa phát huy hết được công năng.  Năm 2019, Sân bay quốc tế Cần Thơ có 41 đường bay kết nối trong nước và 6 đường bay quốc tế. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, hiện chỉ còn 14 đường bay kết nối trong nước và 2 đường bay quốc tế. Hằng năm, 21 triệu tấn hàng hóa của thành phố phải chuyển lên cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh do giao thông thủy chưa thông suốt, luồng Ðịnh An bị bồi lắng nhiều năm".

Bên cạnh kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực cũng là nút thắt đối với tiến trình CNH, HÐH của vùng. Theo TS Trần Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường Ðại học Cần Thơ, lực lượng lao động ở ÐBSCL hơn 10 triệu người, tuy nhiên số lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp nhất trong cả nước. Ðơn cử, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở ÐBSCL chiếm 14,53%, trong khi đó ở Ðồng bằng sông Hồng là 37,14%, Ðông Nam Bộ là 28,19%, Trung du và miền núi phía Bắc 26,36%, Tây Nguyên là 17,62%. Ngoài ra, ÐBSCL cũng là nơi có tỷ lệ lao động có bằng đại học trở lên thấp nhất nước, năng suất lao động thấp nhất nước và tỷ suất xuất cư cao nhất nước.

Không chỉ vậy, CNH, HÐH của ÐBSCL còn chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu; tình trạng sạt lở, sụt lún diễn ra thường xuyên; sự cạnh tranh của ÐBSCL trong tương quan chung của cả nước còn hạn chế. Quá trình CNH, HÐH trong lĩnh vực công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, CNH, HÐH chỉ có thể thực hiện thành công khi gắn với sản xuất hàng hóa lớn theo cơ chế thị trường, trong khi sản xuất của ÐBSCL nhỏ, phân tán khó có thể ứng dụng máy móc hiện đại, không thể gắn sản xuất với dịch vụ, chế biến, bảo quản và tiếp cận thị trường cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Từ thực tế đó đặt ra vấn đề phải tổ chức lại sản xuất, tăng cường khâu liên kết để tạo điều kiện đưa công nghệ, kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm hàng hóa của vùng.

Ðồng bộ giải pháp

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song các chuyên gia khẳng định, ÐBSCL phải linh hoạt ứng dụng thành tựu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh để đáp ứng cho quá trình CNH, HÐH trong thời đại mới. GS Hsieh-Lung Hsu, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Quốc lập Trung ương Ðài Loan đề xuất các địa phương trong vùng rà soát lại các yếu tố thuận lợi, bất lợi, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp thúc đẩy CNH, HÐH. Trong đó, ÐBSCL phải ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại để xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các đường cao tốc đạt chuẩn; đầu tư vào công nghệ dẫn dắt như IoT, AI, tự động hóa, Big data… Ngoài ra, ÐBSCL cần tận dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp để thúc đẩy CNH, HÐH nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh phục vụ an ninh lương thực cho cả nước và quốc tế.

Phát triển năng lượng xanh là nền tảng tiến trình CNH, HÐH, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Ðầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), cho biết: Trung Nam Group có kế hoạch triển khai các tổ hợp năng lượng xanh tại nhiều nơi trên cả nước. Và ở ÐBSCL dự kiến đặt tổ hợp ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Mục đích của các tổ hợp này là sản xuất Hydro xanh, Amoniac xanh cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu góp phần hiện thức hóa mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050 của thế giới và cam kết của Việt Nam tại COP26. Ðồng thời cung cấp nguồn điện xanh cho các khu công nghiệp, đảm bảo các điều kiện cấp giấy chứng nhận sử dụng năng lượng xanh cho các nhà máy tại đây và lợi thế trong việc kêu gọi đầu tư tại khu công nghiệp xanh. Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, chiến lược phát triển Hyro xanh quốc gia cần sớm được ban hành bao gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng, công nghệ, hành lang pháp lý… và có lộ trình thực hiện rõ ràng. Ði cùng với lộ trình phát triển năng lượng xanh, ÐBSCL nhất thiết phải đào tạo nhân lực có chuyên môn, được đào tạo kịp thời và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Cùng với đó nâng cao ý thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng hợp lý trong sản xuất, kinh doanh.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ tiến trình CNH, HÐH, TS Trần Thanh Hùng cho rằng, các trường đại học, cao đẳng cần phát triển chương trình đào tạo đa dạng, liên ngành, linh hoạt; tăng cường nghiên cứu công nghệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung các ngành trọng yếu phục vụ CNH, HÐH như cơ khí, điện - điện tử - tự động hóa, vật liệu… Theo các chuyên gia, quá trình phát triển của mỗi quốc gia hiện nay không thể tiến hành biệt lập, khép kín mà phải đặt trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Do đó, Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng cần tận dụng, khai thác hiệu quả mạng lưới các đối tác chiến lược, toàn diện để xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch CNH, HÐH. Song song, chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu CNH, HÐH.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

 

Chia sẻ bài viết