18/10/2023 - 11:29

Ðầu tư có trọng điểm thể thao thành tích cao, mở rộng thể thao phong trào 

20 năm qua, thể thao thành tích cao Cần Thơ cơ bản phát triển quy chuẩn với một số môn thể thao được đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Ðây là những môn mũi nhọn của thể thao Cần Thơ tại các kỳ Ðại hội Thể thao toàn quốc và các giải vô địch quốc gia, cũng như đóng góp VÐV vào các đội tuyển quốc gia tranh tài tại các giải quốc tế. Thể thao Cần Thơ xuất hiện ngày càng nhiều tài năng dựa vào nền tảng phong trào ngày càng mở rộng trong các trường học và trong nhân dân.

Ðồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khen thưởng các HLV có VÐV đạt thành tích tại SEA Games 31.

Tham dự Ðại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 (Ðại hội) tại Quảng Ninh vào cuối tháng 12-2022, đoàn thể thao Cần Thơ đã giành được 20 HCV, 12 HCB, 17 HCÐ, đứng thứ 13 trên bảng tổng sắp huy chương. Thành tích này đến từ nỗ lực của 154 VÐV, 43 HLV ở 17 môn thể thao của Cần Thơ, gồm: Bowling, Cờ vua, Karate, Jujitsu, Vovinam, Boxing, Kick-boxing, Lân sư rồng, Bóng rổ nữ, Bóng chuyền bãi biển nữ, Thể hình, Thể dục dụng cụ, 3 môn phối hợp, Taekwondo, Judo, Ðiền kinh và Canoeing. Trong đó Vovinam và Cờ vua là những lá cờ đầu của thể thao Cần Thơ khi mang về HCV nhiều nhất cho đoàn thể thao Cần Thơ (lần lượt giành được 3 HCV, 4 HCB, 1 HCÐ và 3 HCV), bên cạnh môn xã hội hóa là Bowling (3 HCV, 1 HCB, 2 HCÐ).

Ðây là kỳ Ðại hội gần nhất của thể thao Cần Thơ trong 20 năm qua. Trước đó, thành tích tốt nhất của đoàn thể thao Cần Thơ tại các kỳ đại hội là vào tốp 10 ở Ðại hội lần thứ VII năm 2014.

Tại SEA Games 32 diễn ra từ 26/4-18/5/2023 ở Campuchia, thể thao Cần Thơ có 4 HLV và 14 VÐV tham dự ở 8 môn: Bơi, Bóng rổ, Bóng chuyền bãi biển, Karate, Judo, Triathlon, Vovinam và Boxing. Các VÐV Cần Thơ đã đạt 3 HCV, 1 HCB, 1 HCÐ, góp phần vào thành tích đứng nhất bảng xếp hạng tại SEA Games 32 của đoàn thể thao Việt Nam (136 HCV, 105 HCB, 114 HCÐ). Tại SEA Games 31 - Hà Nội vào tháng 5-2022, Cần Thơ có 3 HLV và 17 VÐV tham gia 8 đội tuyển quốc gia môn Cờ vua, Karate, Vovinam, Xe đạp nữ, Bóng rổ nữ, Bóng chuyền bãi biển nữ, Bowling và Bơi. Kết quả, các VÐV Cần Thơ đã giành được 6 HCV, 3 HCB, 2 HCÐ, góp vào thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam đứng đầu Ðại hội, với 205 HCV, 125 HCB, 116 HCÐ.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, trong 20 năm qua, thành tích đạt được ở các giải thể thao trong nước và quốc tế đáng khích lệ, có nhiều VÐV đạt đẳng cấp quốc gia và nhiều VÐV được triệu tập lên đội tuyển, đội trẻ quốc gia làm nhiệm vụ thi đấu giải quốc tế. Năm 2023, thể thao Cần Thơ ước đạt 428 huy chương các loại (trong đó huy chương thể thao thành tích cao là 80 HCV, 97 HCB, 149 HCÐ), tăng 153,4% so với năm 2004 (năm 2004 thể thao Cần Thơ đạt 279 huy chương các loại, gồm 79 HCV, 88 HCB, 112 HCÐ). Những VÐV đạt thành tích quốc gia và quốc tế của Cần Thơ nổi bật có các võ sĩ môn Vovinam: Trần Công Tạo, Trần Tấn Lập, Lâm Trí Linh; VÐV thể hình Nguyễn Anh Thông; nữ kỳ thủ cờ vua Phạm Lê Thảo Nguyên; võ sĩ Trần Tiến Khoa môn Taekwondo; võ sĩ Nguyễn Thanh Nhân và nữ võ sĩ Bùi Thị Ngọc Hân môn Karate.

Ðánh giá về sự phát triển của thể thao Cần Thơ trong 20 năm qua, ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho rằng thể thao thành tích cao có bước phát triển tốt. Các môn thể thao thành tích cao từng bước được quan tâm đầu tư theo chiều sâu và nâng cao chất lượng hơn trước, thành tích hằng năm đều tăng lên. Phong trào thể dục thể thao quần chúng có bước tiến rõ nét, số người tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm đề ra. Cần Thơ đã từng bước khẳng định được vị trí là một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển toàn diện, sâu rộng. Nhìn chung, thể thao Cần thơ có 8 điểm nổi bật, đáng kể trong 20 năm qua.

Thứ nhất là cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho thể thao từng bước được nâng cấp và xây dựng mới. Quy hoạch khu trung tâm TDTT tại Cần Thơ và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Cần Thơ được phê duyệt, đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh khu Liên hợp TDTT TP Cần Thơ; đặc biệt qua Hội khỏe Phù Ðổng toàn quốc năm 2012 tại TP Cần Thơ đã đầu tư, xây dựng 18 nhà tập và thi đấu đa năng ở các trường học, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của thành phố. Cơ sở hạ tầng TDTT công cộng trên địa bàn thành phố có 4 sân vận động, 10 sân bóng đá, 153 sân bóng đá mini, 216 sân bóng chuyền, 214 sân cầu lông, 54 sân bóng rổ, 35 sân quần vợt, 53 hồ bơi các loại, 45 nhà tập và nhà thi đấu.

Thứ hai, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực thể thao luôn được chú trọng. Công tác liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố và các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia được thực hiện thường xuyên, từng bước củng cố và xây dựng lực lượng vững mạnh.

Thứ ba, xã hội hóa hoạt động thể thao bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc huy động nguồn lực xã hội đã góp phần bổ sung cơ sở vật chất thể thao, tạo điều kiện phát triển mạnh các hoạt động thể thao trên địa bàn thành phố.

Thứ tư, phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Nhân rộng mô hình hoạt động TDTT hiệu quả; khuyến khích mỗi người dân tự chọn ít nhất 1 môn thể thao hoặc 1 hình thức tập luyện thích hợp, nâng số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên tăng qua các năm. Năm 2004, có 206.220 người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và 28.242 gia đình thể thao. Năm 2023, số người tập thể thao thường xuyên ước đạt 444.661 người, chiếm 36% dân số (tăng 17,68% so với năm 2004); số gia đình thể thao ước đạt 96.925 hộ, chiếm 26,8% hộ (tăng 12,96% so với năm 2004).

Thứ năm, chương trình giáo dục thể chất cho học sinh ngày càng nâng cao chất lượng, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; 100% trường học triển khai thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất chính khóa. Phong trào rèn luyện “Chiến sĩ khỏe” và “Chiến sĩ công an khỏe” được duy trì.

Thứ sáu, xây dựng phát triển tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực TDTT khá tốt, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới. Trường Nghiệp vụ Thể thao được nâng lên thành Trường Phổ thông Năng khiếu (PTNK) TDTT vào năm 2010. Từ đào tạo khoảng 10 môn thể thao, đến nay, Trường PTNK TDTT có 16 bộ môn. Trung tâm TDTT TP Cần Thơ là nơi quản lý các đội trẻ và đội tuyển Cần Thơ, hiện có 18 bộ môn. Năm 2023, Cần Thơ có 93 HLV (34 tuyển, 21 trẻ, 38 năng khiếu) và 426 VÐV (97 tuyển, 114 VÐV trẻ, 215 VÐV năng khiếu). Ổn định số môn và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm là kế hoạch nhằm đưa thể thao thành tích cao trở lại quỹ đạo phát triển bắt đầu từ năm 2021.

Thứ bảy, chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển lực lượng VÐV thể thao thành tích cao và các môn trọng điểm; tổ chức các giải thi đấu thể thao thành tích cao, chuyên nghiệp cấp khu vực, quốc gia, quốc tế. Qua đó, thành tích thi đấu thể thao thành tích cao hằng năm đều tăng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, có nhiều VÐV đạt đẳng cấp quốc gia và cung cấp nhiều VÐV cho đội tuyển, đội trẻ quốc gia ở một số môn thể thao: Cờ vua, Vovinam, Karate, Bóng chuyền bãi biển, Judo, Bóng rổ, Ðiền kinh, Taekwondo… để làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế.

Cuối cùng, trong 20 năm qua, Cần Thơ đã đăng cai, tổ chức 118 giải thể thao quốc gia và 15 giải quốc tế. Ðặc biệt là tổ chức thành công Giải vô địch Karatedo Ðông Nam Á, Giải Bóng chuyền bãi biển nữ châu Á, Giải bóng đá U21 Báo Thanh Niên, Hội khỏe Phù Ðổng toàn quốc năm 2012, Giải Cờ vua quốc gia, Giải đua vỏ composite quốc gia, Giải Lân Sư Rồng quốc gia…

Cũng trong giai đoạn này, thành phố tổ chức thành công 5 kỳ Ðại hội TDTT các cấp vào các năm 2005, 2009, 2013, 2017 và 2022 với trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Ông Trương Công Quốc Việt cho rằng thể thao Cần Thơ đã tạo được sự nghiệp khá vững vàng. Toàn ngành TDTT quyết tâm phấn đấu phát triển thể thao của thành phố lên tầm cao mới, cùng góp phần xây dựng thành phố xứng tầm là trung tâm động lực của vùng ÐBSCL.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết